Đe dọa từ Trung Quốc
Sau khi Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật liên quan tới việc bảo vệ nhân quyền và quyền tự trị của Hong Kong, Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo gay gắt rằng sẽ trả đũa nếu Washington tiếp tục can thiệp quá sâu vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, Trung Quốc không có quá nhiều lựa chọn để đáp trả Mỹ về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, hầu hết các lựa chọn đều đã được Trung Quốc áp dụng trong cuộc thương chiến với Mỹ.
Phương pháp hiển nhiên nhất mà Trung Quốc sử dụng để trả đũa là ngừng mua sản phẩm Mỹ. Nhưng Bắc Kinh đã áp thuế quan đối với 135 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Lượng sản phẩm bán sang Trung Quốc đã giảm mạnh trong thời gian qua.
Nền nông nghiệp Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tỉ lệ nông trại phá sản tăng lên tới 24% trong năm nay. Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, gần 40% thu nhập của nông dân Mỹ tới từ các khoản bảo hiểm và trợ cấp chính phủ.
Đây là thảm họa kinh tế đối với nhiều người nông dân Mỹ và là vấn đề đau đầu với nhiều nhà xuất khẩu. Tuy vậy, tổn thất đã tới mức gần như "không thể tệ hơn được nữa". Kể cả khi thương chiến kết thúc vào ngay ngày mai, rất ít người hi vọng rằng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phục hồi bởi Bắc Kinh đã tìm được những nhà cung cấp khác.
Thậm chí cả những nhà xuất khẩu Mỹ hiện vẫn đang bán hàng sang Trung Quốc cũng nhận ra rằng họ cần phải thay đổi. Bloomberg cho rằng, nếu thức thời, các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ tìm thị trường khác chứ không phải tiếp tục níu kéo Trung Quốc. Vậy nên, loại vũ khí này của Trung Quốc không còn quá hiệu quả.
Ảnh minh họa: AFP/Getty
Những vũ khí khác
Một phương án khác trong "kho vũ khí" của Trung Quốc là đầu tư. Chính phủ Trung Quốc mua rất nhiều trái phiếu và hiện tại nắm giữ số lượng trái phiếu Mỹ nhiều thứ 2 thế giới (sau Nhật Bản). Nhiều năm qua, nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ bán hết khối trái phiếu khổng lồ này, gây ra tổn thất lớn cho hệ thống tài chính và kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, việc bán tháo trái phiếu để trả đũa Mỹ vì vấn đề Hong Kong sẽ khiến Trung Quốc chịu nhiều thiệt hại hơn Mỹ. Khi không có lớp đệm dự trữ tiền tệ, một biến động tương tự như hồi năm 2015-2016 sẽ khiến thị trường tài chính Trung Quốc rối loạn, các dòng thoái vốn khiến đồng tiền đột ngột mất giá, làm tổn hại hệ thống tài chính và khiến phát triển kinh tế chững lại.
Trong số các đòn trả đũa của Trung Quốc, không thể không kể tới phương án xiết chặt xuất khẩu đất hiếm - một nhóm các loại nguyên liệu quan trọng đối với sản phẩm công nghệ thời hiện đại. Trung Quốc hiện đang chiếm vai trò lớn nhất trên thị trường cung cấp đất hiếm.
Nhưng các chuyên gia cho rằng sự đe dọa từ đất hiếm không phải quá lớn. Khi Trung Quốc cắt đứt xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản hồi năm 2010 vì vấn đề địa chính trị, Nhật Bản ngay lập tức hợp tác với một công ty Australia để bù đắp sự thiếu hụt, và phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc. Mỹ cũng có thể học tập Nhật Bản trong trường hợp này.
Do vậy, có thể thấy rằng Trung Quốc đã không còn vũ khí kinh tế hiệu quả nào để trả đũa Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn nên nhớ những bài học lịch sử khi dồn ép một quốc gia khác. Khi không thể trả đũa bằng kinh tế, Trung Quốc có thể sẽ chọn một phương án "cứng rắn hơn". Sự căng thẳng Mỹ-Trung sẽ khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.