Ở bài trước chúng tôi đã dẫn lời kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết, ô tô dừng đèn đỏ tắt máy có thể tiết kiệm 1 chút nhiên liệu nhưng lại hại củ đề và bình ắc quy, tổng thể là không “kinh tế” hơn! Tuy vậy trong bài kỹ sư Lê Văn Tạch cũng cho biết anh chưa có thông số là dừng bao nhiêu giây đèn đỏ thì nên tắt máy. (đọc tại đây).
Thế nên ở bài này, chúng ta sẽ giải quyết tương đối rõ câu hỏi đó, với chia sẻ của anh Lê Xuân Đồng, Trưởng nhóm kỹ thuật Phòng Kinh doanh Toyota Mỹ Đình, chi nhánh Cầu Diễn, Hà Nội.
Anh Lê Xuân Đồng.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, anh Đồng nói ngay: "Với ô tô, chuyện tắt máy khi dừng đèn đỏ gần như không bao giờ có và không cần thiết".
Ô tô không giống như xe máy. Thứ nhất, xe máy đứng ngoài đường thoáng, còn ngồi trong ô tô, nếu trời nóng mà tắt máy, khi đó hệ thống điều hòa không hoạt động thì người ngồi trên xe sẽ rất khó chịu.
Hơn nữa, tắt máy và khi khởi động lại đồng nghĩa sẽ khởi động lại một loạt các hệ thống, điều đó không hề tiết kiệm nhiên liệu.
Chỉ trừ hiện nay có một số xe hiện đại có trang bị hệ thống Idle-stop, tự động tắt động cơ khi người lái xe muốn chiếc xe dừng lại (ví dụ: đèn giao thông) và tự động khởi động lại động cơ khi người lái xe muốn đi tiếp.
Tuy nhiên, hệ thống đó hiện nay ở thị trường Việt Nam chưa phổ biến, mới chỉ xuất hiện ở các dòng xe sang và động cơ ngắt nhưng các hệ thống khác vẫn hoạt động.
Thực tế với hệ thống đèn xanh, đèn đỏ ở nước ta, thời gian dừng đèn đỏ nhiều nhất thường là khoảng 90 giây.
Việc tắt máy đi khởi động lại sẽ không tiết kiệm nhiên liệu hơn so với thời gian động cơ chạy trong 90 giây ấy, vì khi khởi động lại động cơ là một trong những điều tốn nhiên liệu nhất.
Về nguyên tắc, ô tô khi dừng đèn đỏ bắt buộc người lái xe phải nhìn thấy đèn đỏ từ xa, tài xế phải quan sát và có phương án chủ động. Ví dụ, đi từ xa thấy phía trước là đèn đỏ, tài xế phải giảm ga dần để xe giảm dần tốc độ đến khi dừng đèn đỏ, hạn chế sử dụng phanh.
Về nguyên tắc an toàn, xe số sàn về mo, kéo phanh tay; với xe số tự động thì về P và kéo phanh tay. Khi chuyển sang đèn xanh để xe tăng tốc, với số sàn thì về số thấp và ga từ từ; với xe số tự động thì chuyển sang số D và ga từ từ, chậm rãi sẽ tiết kiệm nhiên liệu.
Bên cạnh đó, anh Lê Xuân Đồng cũng đưa ra một số lời khuyên với tài xế khi điều khiển xe ô tô để làm sao tiết kiệm nhiên liệu nhất.
Kiểm tra lốp xe thường xuyên là việc nên làm để giúp người lái tiết kiệm nhiên liệu. Ảnh minh họa
Điều đầu tiên, xe mình sử dụng phải đảm bảo các yếu tố đơn giản như lốp đủ cân, hơi; xe được bảo dưỡng thường xuyên, hoạt động trong tình trạng tốt.
Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, lái xe lái trong tốc độ vừa phải. Tốc độ cao quá hay thấp quá cũng sẽ tốn nhiên liệu. Tốc độ tiết kiệm xăng nhất thường dao động trong khoảng 80-100km/h hoặc nhỉn hơn một chút.
Lái xe tăng tốc hay giảm tốc phải từ từ và hạn chế sử dụng phanh, phải giảm tốc chủ động. Ví dụ thấy chướng ngại vật ở xa, tài xế nên chủ động giảm tốc thay vì đến sát chướng ngại vật mới đạp phanh.