TS Fred McMahon cho biết: Tôi thấy Việt Nam đang rất may mắn khi có nhiều trường đại học đang làm những công trình nghiên cứu về các đề tài và chỉ số kinh tế rất xuất sắc. Họ giúp những nhà khoa học như tôi hiểu thêm về đất nước của các bạn và cũng từ những nghiên cứu chi tiết đó, tôi nghĩ chính phủ sẽ có những biện pháp, cải cách thể chế và đưa ra những quy định, chính sách giúp đất nước của các bạn tốt hơn.
Ông đánh giá Việt Nam có những lợi thế gì để trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao?
Ngay việc Việt Nam là một quốc gia đang phát triển đã là một lợi thế. Tại sao tôi lại nói như vậy? Vì Việt Nam sẽ dễ dàng bắt kịp với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, chi phí thấp, nhân công chất lượng cao ở quốc gia này cùng với vị trí địa lý chiến lược là thuận lợi lớn cho Việt Nam thu hút và lôi kéo đầu tư. Đây chính là đòn bẩy cho hạ tầng kinh tế giúp nâng cao thu nhập đầu người đồng thời tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế.
Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam đạt khoảng 6%. Khi các quốc gia trở nên giàu hơn họ sẽ tăng trưởng chậm lại, như vậy Việt Nam sẽ dễ bắt kịp tốc độ tăng trưởng các nước khác. Mặt khác, các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan tăng trưởng nhanh hơn Việt Nam nhưng lại mờ nhạt dần khi họ không thể cải thiện tự do kinh tế.
Tự do kinh tế sẽ tạo động lực vượt bẫy thu nhập trung bình, do đó để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và trở nên giàu có hơn, chính sách kinh tế sẽ phải trở nên cạnh tranh hơn.
Đặc biệt, gần đây, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Đây chính là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam để trở thành một quốc gia thương mại.
TS Fred McMahon, Trưởng nhóm nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser (Canada). Ảnh: VGP
Trong bài phát biểu của mình, ông có nhắc đến nhiều ví dụ về các quốc gia như Chile, Ireland, Hàn Quốc… Vậy Việt Nam có thể học tập được gì từ những quốc gia này không?
Chắc chắn đó là tự do kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia có sự tự do kinh tế cao rơi vào khoảng từ 10.000 – 11.000 USD/người. Việt Nam cần cải thiện về hệ thống pháp lý, trong đó, trọng tâm lớn nhất là quy định pháp luật, tự do thương mại và quy định kinh doanh…
Vậy ông đánh giá, liệu thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có thể vượt các quốc gia trong khu vực không?
Với tốc độ phát triển như hiện nay, tôi tin tưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ vượt được các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia. Nguồn nhân lực của các bạn rất tài năng, hệ thống giáo dục cũng rất tốt. Việt Nam cũng có tiềm năng kinh tế rất lớn nên việc cần làm bây giờ là cải thiện mức độ tự do kinh tế và cải thiện thể chế.
Để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh khi trở nên giàu có hơn, chính sách kinh tế sẽ phải trở nên cạnh tranh hơn. Hơn nữa, Việt Nam đã có sẵn lợi thế về người dân tháo vát, kỷ luật và có học thức. Cùng với đó là vị trí chiến lược, thuận lợi cho tự do thương mại và mô hình kinh tế đang chuyển đổi có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Cảm ơn ông!