Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông
Đánh giá về các hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 8 ở vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, GS Yoichiro Sato, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản cho rằng, việc rút lui trước đó dường như là nhằm tiếp nhiên liệu và tiếp tế cho tàu. Điều này cho thấy Trung Quốc không dừng các hoạt động khảo sát.
Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn ở Biển Đông trong vòng một thập niên qua. Nước này đã thể hiện yêu sách "Đường 9 đoạn" và đe dọa việc phát triển tài nguyên ở vùng biển của các nước khác. Tuyên bố chủ quyền vô căn cứ và các hoạt động thực địa của Trung Quốc đang gây căng thẳng trong khu vực, GS Nhật Bản nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lucio Blanco Pitlo III, Chương trình nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Ateneo de Manila, Philippines nhận định, sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc cho phép Bắc Kinh quyết đoán ở Biển Đông.
Liên tiếp trong những năm qua, Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải khu vực Bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng hiện bị Philippines chiếm giữ), xung đột với Philippines và chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012; triển khai giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam…, chuyên gia Philippines dẫn chứng và nhấn mạnh, những động thái này cho thấy sự can thiệp ngày càng tăng của Trung Quốc vào các hoạt động thực thi pháp luật và kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật biển của LHQ (UNCLOS).
Theo Tiến sĩ Huong Le Thu, chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Australia, hành động điều tàu khảo sát vào vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam không có gì lạ khi xét đến các hành vi của Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn rất cứng rắn trong việc tuyên bố chủ quyền và kiểm soát Biển Đông.
Lý giải về thời điểm Trung Quốc đưa ra động thái này, bà Huong Le Thu cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, cả trong và ngoài nước: cuộc chiến thương mại với Mỹ, biểu tình ở Hong Kong, bầu cử Đài Loan sắp tới và các áp lực quốc tế về vấn đề người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ…, Biển Đông có thể là cách để Trung Quốc tăng cường chủ nghĩa dân tộc và đánh lạc hướng dư luận sang các căng thẳng bên ngoài.
"Đây là một chiến thuật quen thuộc của Trung Quốc", TS Huong Le Thu nói.
Tuy nhiên, GS Yoichiro Sato cho rằng, Trung Quốc càng lặp đi lặp lại các hành động không tuân thủ luật lệ thì sẽ chỉ gia tăng thêm sự phản đối từ Việt Nam và những nước khác.
Các nước đang ủng hộ Việt Nam
Lucio Blanco Pitlo III nhận định, Trung Quốc đang thể hiện khả năng ngày càng tăng và quyết tâm phá vỡ các hoạt động kinh tế biển hợp pháp của các quốc gia ven biển khác. Việc hiện diện ngày càng tăng ở Biển Đông thông qua các cơ sở nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép cho phép Trung Quốc duy trì sự hiện diện lâu hơn và triển khai các công cụ tốt hơn để làm gián đoạn các hoạt động đánh bắt cá của các nước láng giềng.
Có vẻ như Bắc Kinh muốn ngăn chặn những nỗ lực của các nước hợp tác với các công ty năng lượng nước ngoài khác ngoài Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có thể đang tranh thủ cơ hội trước khi Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào năm tới, nơi vấn đề Biển Đông có thể sẽ trở thành một chương trình nghị sự nổi bật của khối, chuyên gia người Philippines nhận định.
TS Huong Le Thu cho rằng, hoạt động của tàu Hải Dương 8 không phải và không nên xem là động thái có tính riêng lẻ mà trên thực tế, đây là một xu hướng sẽ còn gia tăng khi các khả năng và phương tiện cho phép Trung Quốc làm như vậy và không ai thách thức yêu sách của họ.
Vừa qua, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã bày tỏ những lo ngại về những sự cố nghiêm trọng tại khu vực Biển Đông. Điều này đánh dấu sự lo lắng ngày càng tăng trong khu vực về các hành động của Trung Quốc.
ASEAN, đặc biệt là các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines và Malaysia, nên đẩy lùi các nỗ lực của Trung Quốc, theo chuyên gia Philippines Lucio Blanco Pitlo III.
ASEAN nên cùng nhau lên tiếng về hành vi can thiệp của Bắc Kinh vào các hoạt động kinh tế hàng hải hợp pháp của các quốc gia duyên hải ASEAN và có thể biến điều này thành một vấn đề trong các cuộc thảo luận với Trung Quốc về Biển Đông, đáng chú ý là trong các cuộc đàm phán COC.
Sự lên tiếng từ các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Úc, Ấn Độ, cũng có thể ngăn cản Trung Quốc gây áp lực lên các quốc gia ven biển, ông Lucio Blanco Pitlo III nói.
Nhận định về phản ứng của các quốc gia gần đây, GS Yoichiro Sato cho rằng, đó là một xu hướng đáng hoan nghênh khi ASEAN đang thể hiện sự thống nhất về vấn đề này. Ngoài ra, việc Mỹ đứng về phía Việt Nam rõ ràng hơn, thống nhất về mặt pháp lý với phán quyết của tòa án quốc tế năm 2013 cũng là một động thái tích cực hướng tới việc thực hiện trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông.