Một tù nhân Palestine vui mừng trở về sau khi được thả khỏi nhà tù Israel, tại Ramallah, Bờ Tây vào 26/11/2023. Ảnh: AFP
Sau nhiều lần từ chối thỏa thuận ngừng bắn với Hamas và coi ý tưởng này là "lố bịch", Israel đã đồng ý ngừng bắn trong 4 ngày ở Gaza và trao đổi tù nhân Palestine lấy con tin. Robert Inlakesh, một nhà phân tích chính trị, nhà báo và nhà làm phim tài liệu hiện đang làm việc tại London, đã có bài viết nhận định về diễn biến này. Theo ông, sáu tuần chết chóc và hủy diệt, mà các nhà lãnh đạo Israel và phương Tây tuyên bố đáng lẽ phải dẫn đến sự tiêu diệt Hamas, lúc này lại đang củng cố hình ảnh của phong trào Palestine trên khắp thế giới Arab.
Inlakesh cho rằng, lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày được thực hiện vào ngày 24/11 đã mang lại sự nhẹ nhõm cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc chiến ở Dải Gaza, nhưng về nhiều mặt có thể là một thách thức lớn với chính phủ Israel. Khi phụ nữ và trẻ em, bị cả Hamas và Israel bắt giữ, đang được đoàn tụ với gia đình ở hai phía, mối đe dọa về chiến tranh tiếp tục xuất hiện. Mặc dù những người thân của các con tin vừa được trả tự do đang ăn mừng, nhưng các bước tiếp theo sẽ rất quan trọng trong việc xác định kết quả cuối cùng của trận chiến kéo dài 46 ngày hiện đã bị tạm dừng. Vào thời điểm này, có vẻ như ý tưởng “Hamas phải bị xoá sổ” chỉ là một giấc mơ viển vông.
Người Palestine ở Bờ Tây xuống đường ăn mừng tù nhân Palestine được Israel trả tự do để đổi lấy các con tin. Ảnh: AFP
Ngày 27/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt, kêu gọi ngừng bắn để chấm dứt giao tranh ở Dải Gaza. Mặc dù nghị quyết không mang tính ràng buộc được thông qua với đa số 120 phiếu ủng hộ nhưng Israel và Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ nó. Lời kêu gọi đình chiến do các nước Arab đề xuất đã bị Gilad Erdan, đại sứ Israel tại Liên hợp quốc, coi là “sự bảo vệ những kẻ khủng bố của Đức Quốc xã”. Sự việc xảy ra sau khi Hamas thả 4 con tin dân sự Israel vô điều kiện.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những người khác trong nội các chiến tranh khẩn cấp của ông, đã nhiều lần tuyên bố mục tiêu xoá sổ Hamas và các nhóm vũ trang Palestine đồng minh ở Gaza, từ chối đàm phán với họ. Cuộc oanh tạc trên không kéo dài sáu tuần vào các khu vực dân cư đông đúc ở vùng đất bị phong toả của người Palestine, đã chuyển sang kết hợp với cuộc chiến trên bộ, cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người theo một số ước tính, nhưng không thể tiêu diệt được Hamas.
Người dân Palestine trở về nhà ở Khan Yunis, Dải Gaza khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, ngày 24/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nhà phân tích Inlakesh, trên thực tế, các lực lượng Israel đã không thể thể hiện được một thành tựu quân sự đáng kể nào trước các nhóm vũ trang Palestine. Trong khi Hamas tuyên bố đã tấn công 355 xe quân sự của Israel trong hai tuần giao tranh vừa qua, công bố video bằng chứng về hàng chục vụ tấn công, thì lực lượng Israel đã thất bại trong việc tiêu diệt các lãnh đạo cấp cao của Hamas, giải thoát con tin bằng vũ lực, xoá sổ các mạng lưới đường hầm lớn hoặc thậm chí không thể công bố bằng chứng cho thấy họ đã tiêu diệt một số lượng đáng kể chiến binh Hamas trên chiến trường.
Theo tờ báo tài chính Calcalist, cuộc chiến tranh Gaza ước tính ban đầu tiêu tốn khoảng 50 tỷ USD, tương đương 10% GDP của Israel. Ngoài ra, quân đội Israel được cho là còn bị tổn thất về thiết bị tình báo và giám sát dọc biên giới phía bắc của họ do các cuộc tấn công mà nhóm Hezbollah của Liban thực hiện. Nhóm Ansarallah của Yemen cũng bắt giữ một con tàu ở Biển Đỏ thuộc sở hữu của một doanh nhân Israel trong vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại qua thành phố cảng Eilat phía nam Israe.
Đó là chưa tính đến những tác động lâu dài không thể tránh khỏi đối với các lĩnh vực như ngành du lịch của Israel hay đầu tư vào ngành công nghệ cao của nước này.
Binh sĩ Israel áp giải người Palestine bị bắt giữ tại Dải Gaza ngày 21/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên hết, chúng ta đã thấy áp lực to lớn đang đè nặng lên lực lượng Mỹ trên khắp Syria và Iraq, với các cuộc tấn công hàng ngày xảy ra nhằm vào các cơ sở quân sự của họ, với mục đích duy nhất là gây áp lực buộc Washington buộc chấm dứt các cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Trên khắp thế giới Arab, công chúng cũng đang tẩy chay các sản phẩm của phương Tây với quy mô chưa từng có, đặc biệt là nhằm vào các công ty như McDonalds đã thể hiện sự ủng hộ đối với quân đội Israel.
Trong khi đó, thay vì phải đối mặt với sự phẫn nộ của cả thế giới và bị đè bẹp, Hamas vẫn sống sót và còn được biết đến rộng rãi hơn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng Hamas đã duy trì sự hiện diện đáng kể ở những nơi như bệnh viện Al Shifa, vừa bị tấn công trong tuần qua.
Giám đốc cứu trợ Liên hợp quốc, Martin Griffiths, đã gọi thảm họa nhân đạo ở Gaza là “tồi tệ nhất từ trước đến nay” và nó được coi là kết quả trực tiếp của việc Mỹ đã không vạch ra “ranh giới đỏ” cho hành vi của Israel ở Gaza.
Trong khi đó, Hamas vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh du kích và năng lực quân sự của tổ chức này dường như vẫn không suy giảm đáng kể cho đến nay. Lữ đoàn Qassam, cánh vũ trang của Hamas, đã phát động cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7/10, để tìm cách chuyển sự chú ý của thế giới trở lại vấn đề Palestine, đã đàm phán để giải thoát các tù nhân chính trị bị Israel giam giữ, đồng thời vẫn duy trì kháng cự với một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới.
Kể từ Kế hoạch Hòa bình Kerry, một sáng kiến thất bại được đưa ra dưới thời chính quyền Barack Obama, chính phủ Mỹ đã không có bất kỳ nỗ lực thực sự nào nhằm tạo ra một nhà nước Palestine có thể tồn tại được. Trên thực tế, cho đến ngày 7/10, không ai nói về một nhà nước Palestine, thay vào đó trọng tâm là vấn đề bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel. Rõ ràng chính phủ Israel và Mỹ đều có niềm tin chung rằng Hamas có thể bị kiềm chế bằng các khoản viện trợ của Qatar, trong khi Chính quyền Palestine chỉ được tăng cường để đối phó với một số chiến binh đã hình thành ở Bờ Tây trong hai năm qua.
Binh sĩ Israel được triển khai tại biên giới Dải Gaza ngày 20/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Sau vụ 7/10, cả thế giới lúc này đang nói về việc thành lập một nhà nước Palestine. Ngoài ra còn có ý tưởng đưa Chính quyền Palestine lên nắm quyền ở Dải Gaza, về cơ bản có nghĩa là dỡ bỏ lệnh phong tỏa kinh tế kéo dài 17 năm mà phương Tây đã áp đặt lên nước này. Vấn đề bảo vệ nguyên trạng tại Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem cũng nằm trong chương trình nghị sự khu vực một cách nghiêm túc.
Nhà phân tích Inlakesh cho rằng, nếu Israel và những nước ủng hộ phương Tây chọn leo thang xung đột hơn nữa thay vì tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thì cuộc chiến có nguy cơ mở rộng thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, một mối đe dọa cho sự ổn định của tất cả các quốc gia liên quan. Việc theo đuổi một thỏa thuận ngừng bắn có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong cuộc xung đột, trong đó Hamas sẽ vẫn tồn tại.
Hòa bình là vì lợi ích của toàn bộ khu vực, khi chúng ta đã thấy những gì quân đội Israel thực hiện và điều đó không dẫn đến việc đánh bại các nhóm vũ trang Palestine mà chỉ giáng đòn vào dân thường ở Gaza. Đây sẽ là một viên thuốc khó nuốt đối với các chính phủ phương Tây, nhưng giải pháp duy nhất để bảo vệ cuộc sống dân sự và đảm bảo thả tất cả tù nhân sẽ là thông qua một giải pháp hòa bình chứ không phải bằng trút thêm bạo lực.