WaPo: Né Ukraine tấn công, Nga-Trung bí mật bắt tay cho công trình khổng lồ dưới biển

An An |

Việc xây dựng một đường hầm xuyên eo biển Kerch có thể tiêu tốn ít nhất 5 tỷ USD và quân đội Nga cần bảo vệ "không chỉ eo biển mà cả các địa điểm sản xuất cần thiết" trên bờ.

Nga-Trung Quốc được cho đàm phán thương vụ bí mật

Tờ Washington Post (WaPo) dẫn thông tin từ cơ quan an ninh Ukraine cho biết, Nga và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc thảo luận bí mật về kế hoạch xây dựng một đường hầm dưới nước nối Nga với bán đảo Crimea nhằm thiết lập một tuyến đường vận chuyển tránh được các cuộc tấn công của Ukraine.

Cây cầu bắc qua eo biển Kerch dài 11km, đóng vai trò là tuyến hậu cần quan trọng cho quân đội Nga, rất dễ bị tấn công và đã bị tấn công hai lần kể từ tháng 2/2022.

Do đó, Nga đang tìm kiếm các tuyến đường vận chuyển thay thế an toàn hơn.

Các cuộc đàm phán nhấn mạnh quyết tâm của Nga trong việc duy trì sự kiểm soát đối với bán đảo Crimea, được sáp nhập từ năm 2014.

WaPo: Né Ukraine tấn công, Nga-Trung bí mật bắt tay cho công trình khổng lồ dưới biển - Ảnh 1.

Cầu nối Crimea với Nga bị tấn công. Ảnh: The New York Times

Thông tin do phía Ukraine cung cấp cho Washington Post tiết lộ, các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng tham gia dự án.

"Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCC) cho biết họ sẵn sàng đảm bảo việc xây dựng các dự án xây dựng đường sắt và đường bộ ở bất kỳ mức độ phức tạp nào tại khu vực Crimea"", báo Mỹ viết.

Công ty quốc doanh CRCC đã xây dựng nhiều mạng lưới đường bộ và đường sắt lớn nhất ở Trung Quốc và thiết lập mối quan hệ đáng kể với Nga trong những năm gần đây thông qua các dự án bao gồm mở rộng hệ thống tàu điện ngầm Moscow đã hoàn thành vào năm 2021.

Hiện Nga và Trung Quốc đều chưa lên tiếng về vụ việc.

Chuyên gia Mỹ nhận định

Đánh giá về dự án, các quan chức và chuyên gia kỹ thuật Mỹ cho rằng, việc xây dựng một đường hầm gần cây cầu Kerch hiện tại sẽ gặp phải những trở ngại to lớn. Công việc có quy mô như vậy, có thể tiêu tốn hàng tỷ USD và mất nhiều năm để hoàn thành, cũng như chưa từng có dự án tương tự được thực hiện ở vùng chiến sự .

Nhưng bất chấp những câu hỏi về tính khả thi của kế hoạch, các chuyên gia cho biết, Nga có lý do rõ ràng để theo đuổi dự án này. Alexander Gabuev, chuyên gia về quan hệ Moscow-Bắc Kinh tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia, nói rằng, Nga "đối mặt với nguy cơ Ukraine sẽ cố gắng phá vỡ cầu Kerch trong nhiều năm tới".

Đề xuất xây dựng đường hầm được đưa ra trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng khác tại một số vùng lãnh thổ. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy các đoạn đường sắt mới dọc theo bờ biển Biển Azov, một phần của tuyến đường bộ nối Nga với Crimea.

Các chuyên gia về các dự án giao thông vận tải quốc tế lớn cho rằng, việc xây dựng đường hầm bên dưới eo biển Kerch là khả thi về mặt kỹ thuật và Trung Quốc có đủ chuyên môn cũng như trang thiết bị cần thiết.

Tuy nhiên, họ cho biết, đây sẽ là một công trình khổng lồ, có quy mô tương đương với một đường hầm giữa Đan Mạch và Đức đã được xây dựng trong 8 năm, dự kiến ​​tiêu tốn hơn 8,7 tỷ USD và sẽ là đường hầm dài nhất ở châu Âu khi nó được hoàn thành vào gần cuối thập kỷ.

Các chuyên gia cũng cho rằng khó có khả năng đường hầm Kerch được hoàn thành kịp thời để hỗ trợ Nga trong chiến sự nhưng Moscow có thể coi đây là một khoản đầu tư dài hạn - nhằm cung cấp một liên kết an toàn tới Crimea.

Maria Shagina, chuyên gia về Nga và các biện pháp trừng phạt của phương Tây tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Mỹ , cho biết Crimea có ý nghĩa mang tính biểu tượng với Điện Kremlin, khiến việc kết nối bán đảo này với Nga rất quan trọng. Trong 9 năm qua, Crimea đã dần phụ thuộc vào nguồn nước, năng lượng và các đường dây thông tin liên lạc gắn liền với Nga.

Các chuyên gia kỹ thuật chia sẻ, công việc dưới lòng đất có thể được tiến hành với rủi ro tối thiểu, nhưng dự án vẫn sẽ khiến hàng nghìn nhân viên, các thiết bị đắt tiền và các công trường xây dựng rộng lớn nằm trong tầm bắn của tên lửa Ukraine.

Các chuyên gia cho biết, do nguy cơ bị tấn công, Nga và Trung Quốc có thể sẽ không thể sử dụng các phương pháp xây dựng mới hơn liên quan đến các tàu nạo vét khổng lồ trên mặt nước. Thay vào đó, họ sẽ có rất ít lựa chọn ngoài việc sử dụng công nghệ khoan đường hầm truyền thống.

Một kỹ sư từng làm việc trong một số dự án đường hầm lớn nhất thế giới cho biết: "Sẽ rất khó phá hoại trừ khi bạn tấn công các lối vào". 

Việc xây dựng một đường hầm xuyên eo biển Kerch có thể tiêu tốn ít nhất 5 tỷ USD và quân đội Nga cần bảo vệ "không chỉ eo biển mà cả các địa điểm sản xuất cần thiết" trên bờ.  "Đó là một hoạt động có rủi ro cao," ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại