Cuộc đua tìm kiếm vắc-xin cho đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức nhanh chóng. Một số dự báo lạc quan nhất cho biết chúng ta sẽ có được vắc-xin chống lại virus corona sau 12-18 tháng tới.
Nhưng các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng chúng ta không thể có đủ vắc-xin cho cả thế giới ngay khi đó. Những nước giàu, những nước sản xuất được vắc-xin đầu tiên nhiều khả năng sẽ tích trữ những mũi tiêm để chủng ngừa cho dân số của mình trước.
Điều này đã từng xảy ra trong dịch H1N1 năm 2009. Và các quốc gia nghèo hơn có thể không mua được vắc-xin khi cần.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang nghiên cứu một kế hoạch để đảm bảo phân phối vắc-xin công bằng. Nhưng điều đó thực sự khó vì hiện các quốc gia đều có khung pháp lý cho phép ưu tiên nhu cầu nội địa.
Mariana Mazzucato, nhà kinh tế tại Viện Đổi mới và Kế hoạch Cộng đồng tại Đại học London cho biết: "Trong một đại dịch, bất đắc dĩ chúng ta sẽ thấy chỉ có các quốc gia sản xuất được vắc-xin độc quyền sử dụng chúng mà không phân phối cho toàn thế giới".
Seth Berkley, người đứng đầu Liên minh Vaccine GAVI - một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ đồng ý với điều đó. Theo ông, những hạn chế về nguồn cung, cả về khả năng sản xuất lẫn tính chính trị là một mối lo ngại lớn, cản trở nhiều quốc gia sẽ không tiếp cận được vắc-xin COVID-19, ngay cả khi nó đã được phát triển thành công.
Vắc-xin nào sẽ được chọn?
Một loại vắc-xin được chọn trong đại dịch COVID-19 không chỉ dựa trên tiêu chí an toàn và hiệu quả, mà nó còn phải đảm bảo quy mô cung ứng. Nghĩa là nó phải có khả năng được sản xuất với số lượng lớn, trong khoảng thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu cho cả thế giới.
Thông thường, điều này sẽ được quyết định bởi công nghệ, dây chuyền và cơ sở hạ tầng sản xuất vắc-xin.
Vắc-xin chống lại COVID-19 có thể chứa một phiên bản virus SARS-CoV-2 được làm yếu, một phần protein, một đoạn RNA của nó hoặc DNA được tái tổ hợp và tiêm vào bên trong hạt nano hoặc một chủng virus khác, chẳng hạn như virus sởi.
Để sản xuất vắc-xin, các nhà máy thường cần xây dựng các bể sinh học, thực chất là một môi trường nuôi cấy tế bào. Vắc-xin sẽ được cho phát triển bên trong các tế bào, là những cỗ máy sinh học tổng hợp RNA hoặc DNA cho chúng.
Một số công nghệ vắc-xin khác có thể được sản xuất trên thực vật, bằng cách cấy vào bên trong cây thuốc lá.
Khi vắc-xin được chế tạo từ virus SARS-CoV-2 bất hoạt có thể sẽ là loại chứng minh được độ hiệu quả cao nhất, việc ước lượng các dây chuyền sản xuất mà nó cần sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Đó là bởi công nghệ vắc-xin này đã được phát triển từ năm 1950 và chúng ta đã có 70 năm kinh nghiệm sản xuất chúng, Felipe Tapia, nhà nghiên cứu kỹ thuật xử lý sinh học tại Viện Max Planck, Đức cho biết.
Điều khó khăn là việc sản xuất và bất hoạt virus SARS-CoV-2 ở liều cao có thể đòi hỏi sử dụng đến phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3. Những phòng thí nghiệm này thì lại rất hiếm, Tapia nói, và có thể đó là lý do tại sao hiện có rất ít công ty theo đuổi hướng nghiên cứu vắc-xin này.
Ngược lại có tới hàng chục công ty đang theo đuổi ý tưởng sử dụng vắc-xin RNA hoặc DNA, sử dụng một đoạn vật chất di truyền có nguồn gốc từ virus SARS-CoV-2 để kích thích tế bào miễn dịch tạo ra phản ứng.
Charlie Weller, người đứng đầu chương trình vắc-xin tại Wellcome, một nhà tài trợ nghiên cứu y sinh học có trụ sở tại London cho biết, sản xuất vắc-xin RNA hoặc DNA có thể chỉ cần đến một quy trình đơn giản hơn - giúp chúng dễ dàng mở rộng quy mô hơn.
Nhưng vấn đề là chưa có loại vắc-xin nào sản xuất theo phương pháp này được chấp thuận sử dụng cho bất kỳ căn bệnh nào trên người.
Moderna, một công ty có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts, đang đi theo hướng tiếp cận này. Hồi tháng trước, họ đã tiêm thử nghiệm loại vắc-xin COVID-19 dựa trên công nghệ RNA đầu tiên trên người.
Một công ty khác là CureVac ở Tübingen, Đức, cho biết họ cũng đang sở hữu phương tiện cần thiết để sản xuất 400 triệu liều vắc-xin dựa trên công nghệ RNA mỗi năm.
Cả Moderna và CureVac đều nhận được tài trợ từ Liên minh Sáng tạo Chuẩn bị Dịch tễ học (CEPI), một quỹ được thành lập vào năm 2017 với tư cách là một liên minh toàn cầu tài trợ và điều phối vắc-xin cho dịch bệnh.
CEPI cũng đã công bố tài trợ cho 6 nhóm nghiên cứu vắc-xin khác, bao gồm một nỗ lực tái thiết kế vắc-xin sởi với protein của SARS-CoV-2 để kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể.
Nhà virus học Marie-Paule Kieny, giám đốc nghiên cứu tại INSERM, Cơ quan Nghiên cứu Y sinh học Quốc gia Pháp cho biết nếu vắc-xin này hiệu quả, chúng ta có thể tận dụng các cơ sở sản xuất vắc-xin sởi cho đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sẽ vẫn phải tính toán làm sao để chúng ta có đủ vắc-xin sởi hàng năm.
Một số hướng phát triển vắc-xin khác cho đại dịch COVID-19 có thể đối mặt với nguy cơ thắt cổ chai khi muốn đảm bảo khả năng cung ứng. Một ví dụ là vắc-xin Subunit, sử dụng một phần protein SARS-CoV-2, thường cần đến tá dược - các phân tử được thêm vào để tăng cường đáp ứng miễn dịch.
Jaap Venema, giám đốc khoa học của US Pharmacopeia (USP), một tổ chức phi chính phủ ở Rockville, Maryland, giúp thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng thuốc cho biết tá dược có thể trở nên khan hiếm trong đại dịch. Và do đó, hướng đi của Subunit có vẻ không khả quan.
Một ý tưởng khác để phát triển vắc-xin nhanh chóng là sử dụng thực vật. British American Tobacco, gã khổng lồ trong ngành thuốc lá đã thành lập một công ty con là Kentucky BioProcessing trong nỗ lực phát triển vắc-xin sử dụng cây thuốc lá biến đổi gen để tăng trưởng nhanh.
Nhưng Venema nhận định rằng các sản phẩm vắc-xin dựa trên thực vật như vậy có những rào cản pháp lý bổ sung cần phải làm rõ, bao gồm cả việc tuân thủ các quy tắc đối với sinh vật biến đổi gen - điều này có thể khiến cho nó chưa khả thi trong đại dịch COVID-19
Chúng ta cần nhiều tiền hơn
Một câu hỏi mở nữa đặt ra trong tình huống này, đó là làm thế nào để đảm bảo chính phủ và các công ty trên thế giới đầu tư đủ tiền ngay từ bây giờ, để quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắc-xin có thể diễn ra suôn sẻ và cán đính vào năm 2021?
CEPI nói rằng chỉ riêng hoạt động phát triển vắc-xin thử nghiệm cho COVID-19 đã ngốn tới 2 tỷ USD, trong khi chính phủ của các quốc gia hiện mới cam kết được một khoản đầu tư 690 triệu USD. Sau đó, quá trình sản xuất và phân phối vắc-xin SARS-CoV-2 cho toàn thế giới sẽ tốn thêm 1 tỷ USD nữa.
Song song với đó, hàng tỷ USD nữa cần được huy động và bơm ngay lúc này cho các công ty vắc-xin để giúp họ xây dựng nhà máy, tăng quy mô và năng lực sản xuất. Tỷ phú Bill Gates cho biết đó có thể là hàng tỷ USD lãng phí, bởi chưa chắc các nhà máy này xây dựng xong thì vắc-xin của họ sẽ được chọn.
Bill Gates nói ông sẵn sàng đánh đổi vài tỷ USD lấy một vài tháng để có được vắc-xin COVID-19 nhanh hơn
Bill Gates cho biết ông sẽ tài trợ nhà máy cho 7 ứng cử viên vắc-xin COVID-19 tiềm năng nhất thông qua Quỹ Bill & Melinda Gates, cho dù đến cuối cùng chỉ có 2 loại vắc-xin được chọn.
Gates giải thích rằng đó là bởi ông không muốn tốn thời gian để tìm hiểu xem loại vắc-xin nào thực sự hiệu quả rồi mới đi xây nhà máy sản xuất chúng. Xây cả 7 nhà máy ngay từ bây giờ sẽ tiết kiệm được hàng tháng trời, và vài tỷ USD sẽ sớm cứu được hàng nghìn tỷ bay hơi trong nền kinh tế.
Gã khổng lồ trong ngành dược phẩm Johnson & Johnson cũng tuyên bố sẽ tài trợ 1 tỷ USD cùng chính phủ Mỹ để phát triển một loại vắc-xin COVID-19 dựa trên công nghệ adenovirus.
Vắc-xin của Johnson & Johnson sẽ được chế tạo dựa trên một phiên bản virus adenovirus 26 (Ad26) gây cảm lạnh thông thường, nhưng đã được chỉnh sửa gen để làm mất khả năng lây nhiễm. Các nhà khoa học dự định sẽ cấy các gen protein bề mặt của virus SARS-CoV-2 sang "trung gian" Ad26 và sử dụng virus lai này để nghiên cứu vắc-xin.
Mục tiêu là khiến hệ miễn dịch của con người nhận diện được protein bề mặt trên SARS-CoV-2, không nhất thiết lõi của nó là Ad26 hay corona, hệ miễn dịch của con người cũng sẽ phát động cuộc tấn công tiêu diệt chúng.
Chiến lược này trước đây đã được Johnson & Johnson sử dụng trong các loại vắc-xin chống HIV, Ebola, Zika và virus hợp bào hô hấp. Trong đại dịch COVID-19, họ hướng đến mục tiêu có thể sản xuất 1 tỷ liều vắc-xin để cung cấp cho toàn thế giới.
Paul Stoffels, giám đốc khoa học của Johnson & Johnson cho biết về mặt lý thuyết, vắc-xin của họ có thể có giá khoảng 10 USD/liều.
Ohid Yaqub, nhà nghiên cứu chính sách y tế tại Đại học Sussex ở Brighton, Anh Quốc, cho biết chính phủ các nước có thể giúp các nhà sản xuất vắc-xin lên kế hoạch, bằng cách đặt hàng trước số lượng vắc-xin họ dự định mua và tiêm chủng cho người dân.
Một bước xa hơn, các chính phủ và nhà sản xuất vắc-xin có thể thiết lập một cam kết mua bán với giá cụ thể trước khi vắc-xin được phê duyệt, như chương trình GAVI đã từng triển khai với vắc-xin phế cầu khuẩn cho trẻ em.
Berkley và một số chuyên gia khác cũng đề xuất một giải pháp, nói rằng chính phủ các nước cũng có thể bán trái phiếu cho các nhà đầu tư như một cách để tài trợ vắc-xin nếu họ không đủ khả năng chi trả. Cách tiếp cận này cũng đã được sử dụng thành công trước đây.
Cần có một quy tắc quốc tế ngăn ngừa tích trữ?
Một vấn đề nữa cần giải quyết, đó là việc tích trữ vắc-xin, nhà nghiên cứu Amesh Adalja tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland cho biết.
Trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, Australia là một trong những nước đầu tiên sản xuất được vắc-xin cho chủng virus này, nhưng họ đã không xuất khẩu ngay lập tức vì muốn tiêm vắc-xin cho công dân nước mình trước.
"Hầu hết các quốc gia đều có luật ban hành cho phép chính phủ buộc các nhà sản xuất ưu tiên thị trường nội địa, và tôi không thấy có sự thay đổi nào cho tới thời điểm này", Adalja nói.
CEPI nói rằng hiện chưa có bất kỳ một công ước hay quy tắc quốc tế nào giúp điều phối vắc-xin cho các quốc gia. Cũng không có một tổ chức toàn cầu nào chịu trách nhiệm đặt hàng sản xuất vắc-xin và trả tiền để phân phối vắc-xin cho toàn bộ thế giới.
"Đây là một thách thức cần phải được các chính phủ, các nhà lãnh đạo và cơ quan quản lý y tế toàn cầu giải quyết khẩn cấp, trong khi việc phát triển vắc-xin COVID-19 vẫn đang tiếp diễn", Mario Christodoulou, giám đốc truyền thông tại CEPI cho biết.
WHO đã có một số nỗ lực để đảm bảo các kho dự trữ vắc-xin được chia sẻ công bằng, theo Jac Phelan, thuộc Trung tâm Khoa học và An ninh Sức khỏe Toàn cầu của Đại học Georgetown ở Washington DC.
Sau khi dịch H5N1 bùng phát ở các quốc gia như Trung Quốc, Ai Cập và Indonesia, các quốc gia thành viên của WHO đã thông qua một nghị quyết được gọi là Khung chuẩn bị phòng chống dịch cúm (PIP).
Theo PIP, các quốc gia cung cấp mẫu virus cho một mạng lưới các phòng thí nghiệm do WHO điều phối sẽ được xem xét ưu tiên truy cập vào kho dự trữ vắc-xin, chẩn đoán và thuốc của WHO trong trường hợp xảy ra đại dịch cúm. Nhưng vì PIP được thiết kế cho bệnh cúm, nên nó không áp dụng cho đại dịch COVID-19 hiện tại.
Các quốc gia hoàn toàn có thể xây dựng một bản PIP mới cho đại dịch hiện nay, nhưng một bản dự thảo của nghị quyết ấy khó có khả năng được xây dựng kịp cho Hội nghị Y tế Thế giới, dự kiến được tổ chức vào tháng 5 này để các quốc gia thành viên có thể bỏ phiếu thông qua.
Thêm một vấn đề nữa, ngay cả khi một PIP dành cho COVID-19 được xây dựng thành công, cũng khó có thể nói thỏa thuận này sẽ đạt được mục đích phân phối vắc-xin hay không, bởi vì các nhà sản xuất vắc-xin hiện có thể truy cập nhiều mẫu virus đến từ phòng thí nghiệm tư nhân thay vì các quốc gia, Phelan nói.
Một kịch bản có phần bi quan là vào thời điểm vắc-xin COVID-19 có mặt trên thị trường, phần lớn nhân loại đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Những người phục hồi đã có khả năng miễn dịch, trong khi một số lượng người bệnh không may mắn đã chết.
Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó, nhiều người có thể vẫn muốn tiêm ngừa để tăng khả năng miễn dịch. Và xây dựng trước các phương án phân phối vắc-xin cho toàn thế giới sẽ không chỉ có ích trong đại dịch COVID-19 mà còn cả các đại dịch sau này nếu chúng có xảy ra, Yaqub nói.
Vì vậy, sẽ không bao giờ là thừa khi các quốc gia và tổ chức quốc tế ngồi lại cùng nhau để tìm giải pháp cho vấn đề nan giải này.