Chuyên gia: Nguồn độc khiến cá chết hàng loạt có thể bị phi tang

Hoàng Đan |

Các chuyên gia đã hiến kế nhằm truy tìm nguồn chất độc gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển miền Trung khi nó có thể đã bị phi tang.

Nguồn gây độc đã có thể bị phi tang

Từ ngày 6/4, trên khu vực biển TX Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã xảy ra hiện tượng cá nuôi, cá tự nhiên chết hàng loạt, sau đó, hiện tượng cá chết lan rộng ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 20 ngày, ngoài nhận định là cá chết do bị nhiễm độc thì nguyên nhân chính thức của hiện tượng này vẫn chưa được xác định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển thuỷ sản bền vững, Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, cá tầng đáy chết là cá sống định cư chứ không phải di cư.

Nguồn chết đầu tiên xảy ra tại Hà Tĩnh sau lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, như vậy có thể suy đoán rằng, nguồn gây độc bắt đầu từ Hà Tĩnh sau đó, qua dòng hải lưu thì chất độc đi tới đâu thì cá chết đến đó.

"Nếu chúng ta làm ngay khi phát hiện thì có thể tìm ngay được nguyên nhân. Nhưng đến nay thì thời gian đã khoảng hơn 20 ngày thì nguồn gây nhiễm độc đã có thể bị phi tang", ông Cương nói.

Cũng theo ông Cương, ở đâu đó mình có thể suy đoán là động đất, sóng thần... nhưng Việt Nam không có chuyện đó, do vậy, không phải nguyên nhân thiên tai mà ở đây là có nguyên nhân do con người.

Hàng tấn cá chết không rõ nguyên nhân trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị - Ảnh: Trần Tĩnh/Tuổi trẻ.
Hàng tấn cá chết không rõ nguyên nhân trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị - Ảnh: Trần Tĩnh/Tuổi trẻ.

"Bây giờ theo tôi, chúng ta nên xác định xem ở Hà Tĩnh có nguồn gây ô nhiễm nào không, nếu có thì bây giờ, chúng ta cũng đừng lấy chất thải ở đây làm gì mà hãy lấy mẫu đất, nước liền kề ở nơi mà đang nghi ngờ rồi phân tích.

Phân tích trên máy sắc ký lỏng hai lần khối phổ và phân tích dùng phép phần tích 1 lần phân tích được nhiều chỉ tiêu. Theo chúng tôi biết thì nó được khoảng 54 chỉ tiêu độc tố có thể phân tích một lúc ra.

Sau đó, chúng ta sẽ lấy mẫu cá vừa bị độc chết, lấy ở mang , dạ dày để phân tích một số chỉ tiêu cần quan sát, so sánh sẽ biết ngay nó là độc tố ở đâu", ông Cương nhấn mạnh.

Vị chuyên gia thủy sản này cũng cho hay: "Nếu không xác định nguồn gây độc ở đâu, không chặn được nó thì những dư luận thông tin cá ở đó có dùng làm thực phẩm được hay không sẽ không trả lời được".

Ông Lê Thanh Lựu, Trưởng ban hợp tác quốc tế và thông tin Hội nghề cá Việt Nam cũng nhận định, nguyên nhân khí hậu nóng gây cá chết có thể loại bỏ bởi Phú Yên và Nam Bộ - nơi nóng nhất không có hiện tượng này.

"Tảo độc hay động đất, sóng thần cũng không phải lý do. Ở đây có yếu tố của con người gây ra độc tố rất mạnh mới gây chết cá hàng loạt", ông Lựu nói thêm.

Cần gấp rút hỗ trợ người dân

Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Việt Thắng cũng nhìn nhận, vụ việc cá chết không chỉ gây hoang mang, ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản của người dân mà còn là vấn đề môi trường và nguồn lợi quốc gia.

Ông Nguyễn Việt Thắng.
Ông Nguyễn Việt Thắng.

Đây là vấn đề sinh kế của người dân trải dài 300 km ven biển chứ không đơn thuần là chuyện mấy con cá chết.

Cá chết khiến ngư dân không dám đi biển, người nuôi trồng thì không dám thay nước. Người dân rất lo lắng vì cá đánh bắt xa bờ, cá ven bờ và nuôi trồng đều có sức tiêu thụ chậm.

Ông Thắng cũng cho hay, ông theo dõi nhiều nơi trên thế giới cũng có cá chết ven bờ nhưng sự việc cá chết từ Hà Tĩnh kéo dài đến Thừa Thiên Huế không phải là hiện tượng thiên nhiên.

Bởi nếu là hiện tượng thiên nhiên có thể đã kéo dài cả ven biển Việt Nam, từ Bắc cho đến Nam và không có sự phân vùng rõ rệt như vậy.

Đồng thời, nguyên Thứ trưởng Bộ NN và PTNT cũng cho rằng, cách thức đi tìm nguyên nhân của các cơ quan chức năng còn rất chậm.

Sự bức xúc của nhân dân không chỉ đơn giản là cá chết hàng loạt mà còn cho thấy có sự buông lỏng từ các nhà quản lý.

"Cho nên ở đây rất dễ cho các nhà quản lý xác minh, giải quyết cho nhanh. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi đề nghị phải cứu trợ nhanh cho bà con.

Ở đây hơn 10 ngày là khó khăn rồi. ví như chỉ sau một trận bão lụt là tái nghèo rồi huống chi đây kéo dài như thế này", ông Thắng nêu.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cũng nhìn nhận, hiện tượng cá chết dọc một số tỉnh ven biển miền Trung đã được coi là một thảm họa về môi trường nhưng cách ứng phó, xử lý của chúng ta quá chậm.

"Ở đây, các Bộ, ngành cũng đang ngày đêm dốc sức để làm rõ nguyên nhân nhưng cái chính là sau khi sự việc này xảy ra thì họ rút ra được bài học gì cho việc ứng phó với các thảm họa về môi trường như thế này.

Bởi thực tế, sự vào cuộc của chúng ta là quá chậm. Nếu động đất, sóng thần như ở Nhật Bản hay lũ lụt miền Trung xảy ra rồi mới ngồi suy nghĩ thì xử lý ra sao.

Do đó, ở đây là ô nhiễm môi trường biển, công nghiệp thì các cơ quan chức năng cần phải làm rõ, rà soát lại sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan cũng như có quy định cụ thể về ứng phó với thảm họa...", PGS Hòe bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại