Chuyên gia Nga: Muốn cải cách thành công, Triều Tiên có thể tham khảo kinh nghiệm của VN, không để nước khác can thiệp vào công việc nội bộ

Hồng Anh |

GS. Mazyrin cho rằng, Triều Tiên có thể tham khảo kinh nghiệm VN, theo đó, VN đã cải cách thị trường thành công bởi VN không để nước khác gây sức ép hay can thiệp vào công việc nội bộ.

Sự kiện thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 vừa qua tại làng Bàn Môn Điếm được cho là một bước ngoặt đầy triển vọng trên bán đảo Triều Tiên, khi lãnh đạo hai nước Hàn-Triều cùng cam kết sẽ nỗ lực hành động để giảm căng thẳng trong khu vực và tiến tới kí kết hiệp ước hòa bình.

Sau khi cuộc gặp này kết thúc, một số nguồn tin đã tiết lộ rằng trong cuộc thảo luận với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thể hiện sự quan tâm đến mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đây là điều không quá bất ngờ, bởi có lẽ Triều Tiên đã thấy được những thành tựu kinh tế và tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng của Việt Nam trong hai thập kỷ vừa qua.

Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam hiện nay là "một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Á Thái Bình Dương". Kể từ năm 1990, Việt Nam đã lọt top các quốc gia có mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhanh nhất thế giới. Ngoài ra, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam cũng khá gần gũi và dễ áp dụng đối với Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Nga Sputnik, Giáo sư Vladimir M. Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Nga, cho biết Triều Tiên có thể học tập từ những kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam, hơn nữa những bài học của Việt Nam cũng sẽ hữu ích nếu như Hàn-Triều muốn tiến đến thống nhất.

Theo Giáo sư Mazyrin, bán đảo Triều Tiên có thể thống nhất nếu hai nước Hàn-Triều có "sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc, lòng quyết tâm, và ý chí chính trị".

Bàn về vấn đề thể chế chính trị nếu hai miền Triều Tiên thống nhất, Giáo sư Mazyrin cho rằng Triều Tiên và Hàn Quốc có thể tham khảo mô hình "một quốc gia, hai chế độ" của Trung Quốc đối với Hồng Kông và Macao.

Còn về kinh tế, ông Mazyrin nhận định "những quyết định quan trọng nhất làm nên sự thành công của Việt Nam là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, và hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu thực hiện được điều này, thì sức mạnh của một quốc gia thống nhất sẽ còn tăng gấp bội".

Ông Mazyrin đặc biệt nhấn mạnh về yếu tố làm nên thành công của Việt Nam:

"Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng Việt Nam đã thực hiện thành công các cải cách thị trường bởi các nước khác không thể gây sức ép hay can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Do đó, hai miền bán đảo Triều Tiên cũng có thể tiến tới thống nhất nếu không có sự cản trở hay can thiệp của các quốc gia khác, và nếu họ không nghe theo những quốc gia khó đoán phía bên kia bờ đại dương".

Cuối cùng, Giáo sư Mazyrin kết luận rằng tương lai thống nhất của bán đảo Triều Tiên phần lớn phụ thuộc vào hai nước Hàn-Triều. Điều này chỉ có thể đạt được một khi Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận hệ thống kinh tế của Hàn Quốc, cũng như cách giải quyết những vấn đề chung, ví dụ như vấn đề ảnh hưởng văn hóa.

Cái bắt tay lịch sử của lãnh đạo hai nước Hàn-Triều

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại