Bình luận về phát ngôn của Đại diện thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft nói rằng, Washington sẵn sàng tham gia đàm phán với Iran mà không cần điều kiện tiên quyết, nhà nghiên cứu về Mỹ, Phó Giáo sư Boris Mazhuev tại Đại học quốc gia Matxcơva cho biết:
"Những hành động của ông Trump đã đặt Iran vào thế hoàn toàn không có đường lui. Trên thực tế, đường lối nhằm thay đổi chế độ ở Iran đã được công bố mà không có bất kỳ nỗ lực nào để che giấu ý định này. Mỹ có kế hoạch đạt được điều này thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế ngạt thở và đe dọa bắt đầu cuộc chiến quy mô lớn trong trường hợp có bất kỳ nỗ lực phản kháng nào, cho dù đó là việc tạo ra chương trình hạt nhân, triển khai chiến lược bành trướng khu vực. Đó chính xác là cách tướng Soleimani bị giết, hay vụ tấn công mang tính biểu tượng thuần túy của Iran nhằm vào các cơ sở Mỹ vừa mới diễn ra".
Do đó, các tuyên bố của Washington và Tehran về việc xuống thang là ít có cơ sở thực sự - chuyên gia cho biết. Theo ông, tình hình nhiều khả năng sẽ phát triển theo hướng ngược lại.
"Bất chấp thực tế là ông Trump đang nói về ngoại giao, nhưng chúng ta không thấy bất kỳ gợi ý nào về điều này. Nếu như giới lãnh đạo Mỹ trước đây yêu cầu Iran từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, thì ngày nay không có gì tương tự xảy ra. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ vẫn có hiệu lực, nếu không muốn nói là mãi mãi" - ông Mezhuev nói.
Chuyên gia lưu ý rằng, hiện nay có 2 kịch bản phát triển tình hình. Hoặc là giữa Tehran và Washington sẽ có những cuộc đàm phán bí mật thông qua sự hòa giải của các quốc gia khác, như dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, "nhưng đây là kịch bản ít khả năng xảy ra nhất". Hoặc là ông Trump đang chờ đợi một cái cớ chính thức để triển khai chiến sự toàn diện.
Theo lời chuyên gia, "điều nguy hiểm nhất trong tình huống này là không có yêu cầu nào được đưa ra đối với Iran". "Tehran nên làm gì để ít nhất cũng trở lại với nền kinh tế toàn cầu? Những bước đi nào là có thể thực hiện, ngoại trừ việc tự kết thúc bản thân? Không có bất cứ tín hiệu nào từ phía Mỹ được nghe thấy. Ngay cả Saddam Hussein cũng còn được yêu cầu giải giáp, dù cho câu chuyện vũ khí trong trường hợp này chỉ là hư cấu. Bây giờ ông Trump lại hoàn toàn không yêu cầu gì từ Iran. Điều đó không khác gì nói ‘đừng làm nữa!’" - chuyên gia giải thích.
"Nhiều khả năng Iran vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân, bởi lựa chọn duy nhất để tự vệ trước Mỹ là tuyên bố về bom hạt nhân. Nhưng tình báo Mỹ sẽ nhanh chóng tìm ra sự thật này và cuộc chiến rồi sẽ bắt đầu. Thế giới vẫn chưa thực sự thoát khỏi vực thẳm do hậu quả của vụ sát hại tướng Soleimani tạo ra" - ông Mezhuev kết luận.
Trước đó, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft gửi cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một bức thư, trong đó nêu rõ Washington sẵn sàng tiến hành đàm phán với Iran.
Theo bà Craft, "Mỹ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc với Iran mà không cần điều kiện tiên quyết với mục tiêu ngăn chặn nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế hoặc sự leo thang của Iran".
Rạng sáng 8/1, để trả đũa vụ sát hại tướng Qasem Koleimani, Iran tiến hành cuộc tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ không quân Mỹ ở phía Tây Iraq, cũng như cơ sở quân sự của Mỹ tại Iraq Kurdistan. Nhận xét về tình huống này, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng "người Mỹ nên biết ơn và hạnh phúc: không có người Mỹ nào bị tổn hại" và "tất cả đều ổn!".
Tại Liên hợp quốc, tuyên bố của ông Trump về Iran được coi là một bước để giảm leo thang căng thẳng. Sau khi tấn công các cơ sở của Mỹ ở Iraq, Tehran đã thông báo cho Tổng thư ký và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc hoàn thành trả thù cho vụ sát hại tướng Soleimani. Bên cạnh đó, Mỹ và Iran, thông qua sự hòa giải của Thụy Sĩ, cũng đã trao đổi các thông điệp về sự xuống thang.