"Giá rẻ và có cánh"
Sau hai năm rưỡi Nga phát động Chiến dịch quân sự đặc biệt (SMO), tình hình ở Ukraine giờ đã trở thành một dạng "War of the cities", đặc trưng bằng các cuộc tập kích bằng vũ khí tầm xa nhằm vào hạ tầng quân và dân sự của nhau.
Và tính tới thời điểm hiện tại, phía Nga có phần vượt trội hơn đối thủ về các loại bom đạn chính xác - nhưng điều đó chỉ đúng ở hiện tại.
Cách đây vài ngày, truyền thông Phương Tây đã đưa tin về việc Không quân Mỹ (USAF) đang phát triển một loại vũ khí chính xác, tầm xa mới có tên là ERAM (Extends Range Attack Munition) và đồng thời không che giấu việc chúng sẽ được gửi đến Ukraine.
Điều đó có nghĩa là các lực lượng Nga cũng sẽ là mục tiêu của nó.
Loại vũ khí thông minh này được phát triển trên cơ sở bom không điều khiển Mark 82 cũ. Bất chấp điều này, các đặc tính kỹ chiến thuật dự kiến của ERAM rất ấn tượng.
Thuật ngữ "War of the cities" (Cuộc chiến tranh giữa các thành phố) xuất hiện lần đầu trong Chiến tranh Iran - Iraq (1980 đến 1988) miêu tả hàng loạt các cuộc trả đũa qua lại vào các trung tâm đô thị của đối phương của hai phía tham chiến.
Nặng 500 pound (227 kg), ERAM được trang bị phần tử nổ mạnh phân mảnh, có tốc độ bay ít nhất là 0,6 Mach (0,6 lần âm thanh) và tầm bay ít nhất 250 hải lý (463 km). Không những vậy nó có khả năng chống EW (tác chiến điện tử) cũng như CEP (Vòng tròn tản mát) dưới 10 mét.
Cần chú ý đến tầm bắn 463 km, điều này có nghĩa là vũ khí sẽ không dừng lại ở bom liệng thông thường mà phải được bổ sung một động cơ.
Rất có thể ERAM chính là biến thể mới nhất của bom thông minh JDAM-ER của Mỹ và còn được gọi là JDAM Powered (hay Jet-Powered JDAM). Nói cách khác, bộ kit cùng động cơ đã biến một trái bom không "thông minh" thành một tên lửa hành trình cỡ nhỏ với chi phí thấp.
Theo các thông tin hiện có trên Internet, JDAM Powered có thể bay tới 300 km, đủ để vô hiệu hóa hầu hết mọi đối thủ tiềm năng của USAF cũng như Hải quân Hoa Kỳ (USN).
Và rõ ràng do mối đe dọa từ các hệ thống phòng không tầm xa của Nga đã làm nảy sinh nhu cầu tạo ra một biến thể mới có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 500 km.
Có thể giả định rằng những chiếc F-16 sẽ sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu Nga từ khoảng cách an toàn xung quanh sông Dniepr.
Các tiêm kích F-35B và F/A-18EF Super Hornet của Thủy quân lục chiến Mỹ tiến hành huấn luyện ném Bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM).
"Lời hồi đáp"?
Cần phải thừa nhận rằng hiện Không quân Vũ trụ Nga (VKS) vẫn chưa có loại vũ khí tương đương ERAM.
Kể từ mùa xuân năm 2023, Nga đã bắt đầu sử dụng tích cực sử dụng bom liệng được tạo thành từ các loại bom không điều khiển FAB (nổ mạnh phân mảnh) và bộ kit UMPC (module lập kế hoạch và hiệu chỉnh).
Những trái bom nặng 500 và 250 kg có khả năng bay từ 40 đến 70 km và đánh trúng mục tiêu với độ chính xác chấp nhận được đã đẩy lùi nhiều cuộc phản công của đối phương.
Còn những trái khác nặng từ 1,5 đến 3 tấn giúp xuyên thủng nhiều lớp phòng thủ.
Nhưng ngay cả với việc bổ sung UMPC, đặc tính khí động học của những trái bom tấn này khiến chúng không thể bay quá xa.
Một số nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết tầm bay của FAB-3000 với UMPC chỉ là gần 60 km. Không những vậy, để đạt được tầm bay này thì tiêm kích MiG-31phải triển khai bom này ở độ cao bay tối đa.
Cảnh quay cho thấy MiG-31 triển khai bom liệng FAB 3000 với UPMC.
Chương trình hiện đại hóa các bộ kit UMPC để trang bị cho các loại bom FAB-250M-62, FAB-250-270, FAB-500M-54/62, FAB-1500/3000 và ODAB-1500 vẫn đang được tiếp tục.
Và một điểm quan trọng là tăng tầm bay của bom liệng bằng động cơ phản lực R-95-300 (động cơ đẩy của các loại tên lửa hành trình như Kalibr) hoặc động cơ phản lực nhiên liệu rắn có khả năng hoạt động trong 3-5 phút và tạo ra cho bom sơ tốc từ 1.000 đến 1.050 km/h.
Tất cả sẽ giúp tầm bắn hiệu quả của bom liệng tăng lên khoảng từ 100 đến 150 km, tức là nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không SAMP-T và S-300PS.
Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng bom bị hiển thị trên radar phòng không của đối phương cũng tăng lên. Có nghĩa là các loại bom liệng này sẽ chỉ là một phần trong một cuộc tập kích kết hợp với tên lửa và máy bay không người lái (UAV) cảm tử.
Và nếu nói về vũ khí tầm bắn lên tới 500 km như ERAM, "lời hồi đáp" của Nga có thể nằm ở loại vũ khí khác và đó rất có thể là các biến thể mới của UMPB D-30SN.
Kể từ mùa hè năm 2024, phía Nga đã bắt đầu sử dụng "đạn lảng vảng" UMPB D-30SN, đây một loại bom thông minh với động cơ có tính năng tương tự tên lửa đạn đạo và có tầm bắn từ 50 đến trên 90 km.
Bom cũng có thể khai hỏa từ mặt đất bằng pháo phản lực phóng loạt (MRLS).