Chuyên gia Nga khuyên Việt Nam chọn Gremyashchy thay Gepard: Liệu có cần thiết?

Sao Đỏ |

Chuẩn Đô đốc Bogdashin, huyền thoại của Hải quân Liên Xô và Nga đã có cuộc trả lời phỏng vấn Sputnik liên quan đến lớp tàu hộ vệ tên lửa có thể trang bị cho Việt Nam.

Ông Vladimir Bogdashin chính là người chỉ huy tàu khu trục Bezzavetny đâm vào tàu tuần dương Yorktown của Mỹ hồi năm 1988, buộc đội tàu chiến Mỹ phải rút ra ngoài lãnh hải Liên Xô. Sau đó ông Vladimir Bogdashin đảm nhiệm cương vị thuyền trưởng tàu sân bay Moskva và tuần dương hạm tên lửa cùng tên (nay là tàu chỉ huy Hạm đội biển Đen của Hải quân Nga).

Phóng viên của Sputnik mới đây đã đề nghị ông Bogdashin bình luận về hai lớp tàu hộ vệ tên lửa đã và có thể sẽ được trang bị cho Hải quân nhân dân Việt Nam trong tương lai là Gremyashchy - Dự án 20385 và Gepard 3.9 - Dự án 11661.

Theo ông Bogdashin, Gepard 3.9 là một lớp tàu khá tin cậy, phù hợp với yêu cầu tác chiến của Việt Nam. Tuy nhiên nó vẫn tồn tại nhược điểm là hệ thống phòng không chỉ để tự vệ một cách hạn chế, thậm chí còn  cần thêm sự yểm trợ từ máy bay và tên lửa bờ.

Chính vì vậy, Chuẩn Đô đốc Nga cho rằng tàu chiến phải có hệ thống phòng thủ tên lửa riêng hoạt động ở tầm trung (150 - 180 km).

Ông nhận định, tàu hộ vệ Dự án 20385 có các tên lửa tấn công và hệ thống phòng không mạnh mẽ, đủ sức đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 30 đến 150 km. Tức là lớp tàu này có sẵn tổ hợp phòng thủ để bảo vệ nhóm tàu chiến mà không cần bất kỳ nguồn lực bổ sung.

Chuyên gia Nga khuyên Việt Nam chọn Gremyashchy thay Gepard: Liệu có cần thiết? - Ảnh 1.

Tàu hộ vệ tên lửa Gremyashchy - Dự án 20385

Dự án 20385 - Gremyashchy là bản nâng cấp từ Dự án 20381 lớp Steregushchy, thay đổi đáng kể nhất là bệ phóng tên lửa 9M96 của hệ thống phòng không Redut bố trí phía trước thượng tầng đã được di chuyển ra phía sau hangar, nhường chỗ cho bệ phóng đa năng UKSK tương thích với đạn hành trình chống hạm siêu âm họ Kalibr.

Cấu hình vũ khí cụ thể của Gremyashchy bao gồm 1 pháo chính cỡ nòng 100 mm, 2 pháo bắn nhanh AK-630M, 8 tên lửa hành trình Kalibr, 16 tên lửa phòng không 9M96, 8 ống phóng ngư lôi Paket-NK. Với trang bị như trên, đây là lớp tàu hộ vệ 2.000 tấn mạnh nhất của Nga, hỏa lực của nó thậm chí còn vượt trội nhiều chiến hạm 4.000 tấn khác.

Vậy Việt Nam nên cân nhắc phân tích của chuyên gia Nga để lựa chọn Gremyashchy làm chủ lực mới của Hải quân? Việc này có lẽ không cần thiết.

Chuyên gia Nga khuyên Việt Nam chọn Gremyashchy thay Gepard: Liệu có cần thiết? - Ảnh 2.

Phiên bản nâng cấp của tàu hộ vệ Gepard 3.9 - Dự án 11661 vừa được giới thiệu

Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk gần đây đã giới thiệu mô hình nâng cấp của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 - Dự án 11661. 

Theo quan sát, cấu hình vũ khí của nó không hề thua kém Dự án 20385. Phía sau pháo hạm AK-176M là bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK dành cho tên lửa hành trình Kalibr-NK với cơ số 8 quả.

Chính giữa tàu, không gian giữa ống khói và nhà chứa máy bay là 2 cụm 8 ống phóng tên lửa phòng không tầm trung. Theo yêu cầu của khách hàng, nhà sản xuất có thể tích hợp loại 9M317ME thuộc hệ thống Shtil-1, hay 9M96E của tổ hợp Redut.

Phần không gian phía dưới xuồng cao su có thể bố trí ống phóng ngư lôi chống ngầm cỡ 533 mm. Phía sau tàu, 2 khẩu pháo bắn nhanh AK-630M vẫn được giữ lại.

Như vậy theo cấu hình trên, không những sức mạnh tấn công được nâng cấp mà hỏa lực phòng không của tàu đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo khuyến nghị của Chuẩn Đô đốc Vladimir Bogdashin.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có kinh nghiệm vận hành và bảo dưỡng tàu Gepard 3.9, việc đặt hàng tiếp biến thể hiện đại hóa của nó sẽ hợp lý hơn là đổi qua một lớp chiến hạm hoàn toàn mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại