"Hoa hồng" năm 1961
Ở Phương Tây, người ta đang nghiêm túc thảo luận về các cuộc tập kích đường không sâu trong lãnh thổ Nga. Với giả định rằng phía Ukraine đã có được các vũ khí tầm xa thuộc dạng hiện đại nhất thì Moscow cũng như các khu vực ngoại ô thủ đô Nga đang bị uy hiếp.
Vậy Nga có những "lời khuyên" nào nhằm vào những "cái đầu nóng" này?
Dĩ nhiên không có gì thuyết phục hơn cho đối phương bằng viễn cảnh tổn thất khủng khiếp về nhân lực và trang bị cũng như khả năng leo thang tới một kịch bản với hậu quả khó lường.
Và lúc này chúng ta cần nhớ về Liên Xô, những người đã có kinh nghiệm trong công việc này - với một công cụ cụ thể đó chính là vũ khí hạt nhân.
Tôi (Evgeny Fedorov) đang muốn nói tới năm 1961. Đó là thời điểm cuộc khủng hoảng ở Berlin trở nên cực kỳ nghiêm trọng và NATO thực sự đang chuẩn bị cho chiến tranh với Liên Xô.
Khủng hoảng Berlin năm 1961 bắt đầu khi Liên Xô gửi tối hậu thư tới Mỹ, Anh và Pháp (đang kiểm soát Tây Berlin) rằng khu vực này phải trở thành vùng phi quân sự. Kết quả quan trọng nhất của nó là dẫn tới phân chia thành phố và thiết lập Bức tường Berlin.
Hiện tại đã trở nên gần giống với khi đó.
Nó bắt đầu từ việc Mỹ không có ý định phê chuẩn CTBT (Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện của Liên Hiệp Quốc vào năm 1996, tuy nhiên chưa có hiệu lực vì có 8 quốc gia bao gồm Mỹ vẫn chưa phê chuẩn hiệp ước).
Và vào tháng 10/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã làm điều tương tự (Nga rút khỏi việc phê chuẩn CTBT).
Quá trình này giống hệt như quyết định của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev vào mùa hè năm 1961 và dẫn tới cuộc tập trận mang tên "Roza" (Hoa hồng).
Cây viết Nga A.I. Yaskov từng viết về cuộc tập trận này như sau:
"Nó chứng minh cho thế giới và trên hết là các địch thủ tiềm tàng về năng lực khủng khiếp lên tới hàng trăm Megaton cũng như sự sẵn sàng của vũ khí hạt nhân Liên Xô... hành động này nhằm loại bỏ mọi kế hoạch hung hăng nhất của ngay cả những kẻ diều hâu nhất..."
Đã 63 năm đã trôi qua kể từ khi "Roza" được tiến hành, nhưng từ những tài liệu liên quan, tôi có thể tóm tắt cuộc tập trận như sau.
Đầu tiên là các vụ khai hỏa các tên lửa đạn đạo chiến thuật R-12 Dvina (NATO: SS-4 Sandal). Có 4 tên lửa trong đó 2 không mang đầu đạn hạt nhân và 2 mang theo các đầu đạn có đương lượng nổ 650 Kiloton (650.000 tấn TNT) và 1 Megaton được mang ra sử dụng.
2 tên lửa không mang đầu đạn hạt nhân (một rỗng và một mang đầu đạn nổ mạnh thông thường) đã được khai hỏa ngày 3 và 4/9/1961 và mọi thứ đã diễn ra đúng mong đợi.
Mặc dù tên lửa rơi cách mục tiêu vài trăm mét nhưng xem xét tầm bắn 850 km và sức mạnh của đầu đạn hạt nhân, số liệu về CEP (vòng tròn tản mát) như thế này có thể được coi là "chuyện vặt".
Ngày 12/9/1961, tên lửa R-12 mang đầu đạn nhiệt hạch hướng tới mục tiêu. Mọi thứ cũng diễn ra theo đúng kế hoạch và thậm chí còn vượt quá kế hoạch. Cụ thể sức mạnh của vụ nổ là 1,1 Megaton thay vì 1 Megaton như tính toán.
Bốn ngày sau, tên lửa thứ hai cũng đã được khai hỏa và cũng như trước đó, vụ nổ đã vượt quá tính toán 30% tức là đương lượng nổ 900 thay vì 650 Kiloton.
"Roza" là một trong các "lời khuyên" được Liên Xô đưa ra cho đối phương để giải quyết cuộc khủng hoảng Berlin một cách hòa bình và Bức tường Berlin nhanh chóng được dựng lên và tồn tại cho đến năm 1989.
"Roza 2.0"?
Liệu Nga sẽ tiến hành "Roza 2.0" hay không? Ở trong chính nước Nga, người ta đang nói về sự cần thiết của các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Trong một chương trình nổi tiếng trên kênh truyền hình trung ương Nga, người ta đang đề xuất xây dựng các mô hình khu vực trung tâm của London và Washington bằng ván ép ở quần đảo Novaya Zemlya.
Chỉ huy của khu vực tập trận/thử nghiệm ở quần đảo Novaya Zemlya thì đưa ra báo cáo rất kịp thời rằng khu vực này đã hoàn toàn sẵn sàng cho các hoạt động thử nghiệm.
Trước khi xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, chúng ta cần phải hiểu rõ các vấn đề sau:
Đầu tiên, có khác biệt trong địa điểm tập trận/thử nghiệm năm 1961 và năm 2024. Nếu so với 63 năm trước thì quần đảo rộng vài trăm km đã đông dân hơn rất nhiều.
Nếu Nga sử dụng Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) RSM-56 "Bulava" (cái Chuỳ) với định danh NATO là SS-NX-30 thì 6 đầu đạn (150 Kiloton mỗi đầu đạn) sẽ tương đương 1 Megaton của tên lửa R-12 thử nghiệm ngày 12/9/1961.
Nhưng sau đó đám mây bức xạ rộng có bán kính 750 km sẽ lan ra và không ai biết nó tạo ra khu vực ô nhiễm phóng xạ rộng bao nhiêu nghìn km.
Điều thứ hai mà tất cả những người ủng hộ thử hạt nhân nên nhớ là Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) mà Nga đã và sẽ tiếp tục đầu tư hàng trăm tỷ rúp (hàng tỷ USD).
Ngay cả khi thử hạt nhân được tiến hành dưới lòng đất Novaya Zemlya, nó cũng sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho Bắc Băng Dương. Và sau màn trình diễn này, liệu còn có con tàu chở hàng khô nào dám đi qua tuyến đường ngắn nhất đến Châu Âu này hay không?
Trên đây là các lý do khiến việc thử hạt nhân trong lãnh thổ của mình giống như tự bắn một phát súng vào chân. Tuy nhiên không thể hoàn toàn loại trử khả năng Nga làm nó - chỉ là địa điểm sẽ không phải là lãnh thổ Nga do rủi ro và hậu quả là quá lớn.
Có nghĩa là "Roza 2.0" có thể là một vụ khai hỏa "Bulava" hay "Yars" với mục tiêu nằm ở Đại Tây Dương.
Và do nó được tiến hành ở Đại Tây Dương, ngay cả khi các tên lửa không mang theo đầu đạn hạt nhân, tác động chính trị cũng quân sự của vụ việc sẽ tương đương một vụ thử hạt nhân - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Cần nhớ rằng khi những lập luận hợp lý không còn tác dụng với đối phương, chúng ta sẽ phải chấp nhận rủi ro...
Hoài Giang