Chuyên gia Nga: "Cực khó nhằn 'món quà' vừa được Su-24 Ukraine ship tới trước phòng không ta"!

Hoài Giang |

Cây viết Andrey Kots của hãng tin Nga RIA Novosti cho rằng thứ nguy hiểm trên Su-24 Ukraine không phải tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP hay bom thông minh JDAM.

'Món quà'?

Ít ngày trước, Bộ Quốc phòng Nga đã lần đầu tiên thông báo việc họ đã đánh chặn thành công 2 tên lửa ADM-160B MALD do Mỹ sản xuất ở khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Điều đáng quan tâm là người Mỹ chưa từng đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về việc cung cấp tên lửa loại này cho Kiev.

ADM-160B MALD (Miniature Air-Launched Decoy/Mồi nhử cỡ nhỏ phóng từ trên không) là một tên lửa lai máy bay không người lái (UAV) và được triển khai từ máy bay quân sự.

Đúng như cái tên của nó, ADM-160B buộc các hệ thống phòng không của đối phương phải khai hỏa vào nó, gián tiếp làm lộ vị trí - thông qua việc gây nhiễu, mạo danh máy bay quân sự.

Cụ thể tên lửa được trang bị các hệ thống để mô phỏng tín hiệu radar của hầu hết mọi khí tài bay cận âm - từ tiêm kích tàng hình F-117 đến oanh tạc cơ chiến lược B-52.

Tên lửa dài 2,84 mét, đường kính 40 cm, trọng lượng 115 kg, hai cánh của nó có thể gấp lại và chỉ triển khai khi được phóng và động cơ phản lực TJ-50 được bật.

Chuyên gia Nga: "Cực khó nhằn 'món quà' vừa được Su-24 Ukraine ship tới trước phòng không ta"!- Ảnh 1.

Hệ thống dẫn đường quán tính (INS) được hỗ trợ bởi định vị GPS giúp MALD đi đúng hướng đã được lập trình. Phi công điều khiển nền tảng phóng có thể thay đổi các thông số lập trình này ngay trước khi phóng.

Tên lửa có tầm bay tối đa lên tới 920 km và có giá hơn 300.000 USD - một trò lừa gạt tốn kém.

Và cái giá này giải thích thực tế là các xạ thủ phòng không Nga tương đối hiếm khi gặp MALD vì phía Ukraine thích tích trữ chúng để chỉ sử dụng chống lại các mục tiêu "béo bở" nhất.

ADM-160B tương thích với nhiều loại máy bay chiến lược và chiến thuật của Không quân Hoa Kỳ (USAF). Chúng có thể được treo trên các mấu cứng tiêu chuẩn và phóng loạt hoặc phóng lần lượt.

MALD cũng có thể được lắp đặt trên máy bay quân sự kiểu Liên Xô và trong đó cường kích Su-24 của Ukraine cũng đã được cải tiến đã trở thành nền tảng phóng tiêu chuẩn của nó.

Không nghi ngờ gì về việc MALD rất được ngành công nghiệp quốc phòng Nga quan tâm. Chắc chắn những mảnh vỡ đã được thu thập và đang được nghiên cứu.

Nga cũng sử dụng nhiều thứ tương tự trong các cuộc tập kích đường không, nhưng việc nghiên cứu các nguyên mẫu NATO như vậy luôn có ích.

Nhân tiện, các chuyên gia Nga cũng đã nhận được hàng trăm mẫu vũ khí khác của NATO, bao gồm xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley và CV-90, pháo M777, xe tăng bánh lốp AMX-10RC, xe bọc thép, tên lửa chống tăng và nhiều loại vũ khí nhỏ (vũ khí bộ binh) khác.

Chuyên gia Nga: "Cực khó nhằn 'món quà' vừa được Su-24 Ukraine ship tới trước phòng không ta"!- Ảnh 2.

Tại sao ADM-160B MALD lại "khó nhằn"?

Việc các tổ hợp phòng không Nga tiêu diệt những tên lửa ADM-160B đang bay về phía họ là không có gì phải bàn. Nhưng vấn đề là chúng không bay một mình. Suy cho cùng MALD cũng không phải là loại tên lửa duy nhất người Mỹ gửi tới Ukraine.

Và thông thường, tên lửa mồi nhử sẽ được sử dụng cùng với tên lửa chống bức xạ (tên lửa chống radar) AGM-88 HARM mà Lầu Năm Góc đã cung cấp cho Kiev từ mùa hè năm 2023.

AGM-88 HARM là tên lửa phóng từ trên không được thiết kế để tiêu diệt các trạm radar của các hệ thống phòng không. Đây không phải là một loại vũ khí mới và người Mỹ đã bổ sung nó vào kho vũ khí của mình vào năm 1983 để thay thế cho AGM-45 Shrike.

HARM rất tin cậy và chính xác. USAF đã sử dụng nó để vô hiệu hóa các radar của Libya, Iraq và Nam Tư.

Nguyên lý hoạt động của AGM-88 rất đơn giản. Phi công phóng tên lửa vào khu vực gần đúng của vị trí radar, nơi trước đó các tên lửa ADM-160B đã được gửi tới.

Đầu dò của tên lửa sẽ phản ứng với bức xạ radar và lao thẳng vào hướng mục tiêu. Ngay cả khi kíp điều khiển radar đã tắt hệ thống, máy tính của tên lửa vẫn có thể ghi nhớ tọa độ radar để có thể bắn trúng nó.

Để đảm bảo khả năng vô hiệu hóa radar, thường từ 3 đến 5 HARM sẽ được sử dụng.

Người Ukraine đã phóng những tên lửa này từ các tiêm kích MiG-29 và Su-27 được sửa đổi bởi các chuyên gia phương Tây - chỉ cần thay đổi một chút về các mấu cứng và hệ thống điện tử hàng không là đủ.

Tầm bắn của AGM-88 là 150 km và nó cho phép nền tảng phóng nó không đi vào tầm bắn của tên lửa phòng không Nga.

Chuyên gia Nga: "Cực khó nhằn 'món quà' vừa được Su-24 Ukraine ship tới trước phòng không ta"!- Ảnh 3.

AGM-88 HARM dưới cánh tiêm kích Su-27 Ukraine.


Su-24 Ukraine còn có thể "ship" (vận chuyển) những gì?

Su-24 của Ukraine cũng đã được sửa đổi để mang phóng vài chục tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP của Anh-Pháp đã được chuyển giao.

Tên lửa nặng 1,3 tấn, trang bị đầu đạn nặng 450 kg, có tầm bắn lên tới 300 km, do có thể bay hành trình bám địa hình dẫn đường bằng INS/GPS ở độ cao cực thấp nên các hệ thống phòng không tầm xa không làm gì được nó.

Nó chỉ có thể bị chặn ở pha cuối do phải bay cao để bổ nhào vào mục tiêu bị bám bắt bởi đầu dò nhiệt. Một sĩ quan chỉ huy tổ hợp phòng không tầm thấp Tor-M2 với bí danh "Staf" cho biết:

"Chúng tôi không gặp chúng (Storm Shadow/SCALP) thường xuyên. Chúng là một mục tiêu rất khó đánh chặn - nó chỉ xuất hiện như một vết xước theo đúng nghĩa đen trên màn hình radar vào giây phút cuối cùng khiến chúng tôi có rất ít thời gian để xử lý.

Tuy nhiên, chúng tôi đã nghĩ ra một số thủ thuật cho phép chống lại những mục tiêu đó một cách hiệu quả".

Vào tháng 7/2023, phía Nga đã thu được một tên lửa Storm Shadow còn nguyên vẹn.

"Chiếc cúp" này có thể nói lên nhiều điều về công nghệ Phương Tây và những thứ đặc biệt có giá trị là bộ dẫn đường INS, module (mô-đun) hiệu chỉnh GPS, bộ điều khiển lựa chọn mục tiêu, bộ điều khiển công suất tên lửa, mạch cung cấp nhiên liệu kỹ thuật số, cũng như các tính năng thiết kế che chắn động cơ được tích hợp vào vỏ động cơ phía sau

Nói tóm lại thứ này được nghiên cứu cẩn thận có thể mang lại cách thức hiệu quả để chống lại loại vũ khí tấn công quan trọng của Phương Tây.

Chuyên gia Nga: "Cực khó nhằn 'món quà' vừa được Su-24 Ukraine ship tới trước phòng không ta"!- Ảnh 4.

Su-24 của Ukraine mang theo tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP.

Ngoài tên lửa, Kiev còn được Phương Tây cung cấp bom thông minh JDAM, chính xác hơn là bộ kit (công cụ) để nâng cấp bom "ngu".

Bộ kit gồm cặp cánh gắn vào phần giữa của bom và một khối đuôi có thể cơ động và một máy tính cùng các thiết bị định vị.

Dẫn đường INS/GPS giúp JDAM di chuyển tới mục tiêu với vòng tròn tản mát (CEP) không quá 11 mét. Tùy thuộc vào biến thể JDAM, tầm bắn hiệu quả có thể lên tới 40-70 km. Su-24 cũng được cải tiến để được sử dụng như nền tảng phóng loại bom này.

Gần đây người Pháp cũng đã hứa giao cho Ukraine 50 quả bom thông minh AASM Hammer mỗi tháng. Chúng hoạt động theo cách tương tự JDAM và có thể đánh trúng mục tiêu cách điểm thả 70 km. Khối lượng của đầu đạn là 340 kg.

Tuy nhiên loại vũ khí này không phải là vấn đề với các xạ thủ phòng không Nga. Sau những "bỡ ngỡ" ban đầu, họ đã nhanh chóng tìm ra cách bắn hạ chúng. Xét cho cùng, mục tiêu ở cao, có tốc độ thấp là mục tiêu khá dễ dàng cho tên lửa phòng không.

Chuyên gia Nga: "Cực khó nhằn 'món quà' vừa được Su-24 Ukraine ship tới trước phòng không ta"!- Ảnh 5.

Không quân Ukraine không che giấu việc họ tích hợp bom JDAM lên các máy bay quân sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại