Tiến sĩ Silvano P. Colombano, chuyên gia thuộc Phòng Hệ thống thông minh ngoài Trái Đất của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tin chắc rằng, loài người chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội được gặp gỡ người ngoài hành tinh.
Ông Silvano P. Colombano nhận định thêm rằng, những quan điểm hiện tại về sự sống ngoài Trái Đất, trí thông minh/trí tuệ ngoài Trái Đất hay người ngoài hành tinh của chúng ta rất hạn hẹp. Điều này gây cản trở quá trình chúng ta tiếp nhận thông tin, tín hiệu mà "họ" gửi đến. Xa hơn nữa, có thể khiến loài người bỏ lỡ những cuộc viếng thăm mà "họ" đã-đang-sẽ xuống Trái Đất.
"Người ngoài hành tinh rất có thể đã đổ bộ xuống Trái Đất chúng ta. Đáng tiếc! Chúng ta chưa đủ trình độ để "gặp gỡ" họ!"
Trong bản báo cáo được trình bày hồi tháng 3/2018 tại "Hội thảo Giải mã Trí tuệ ngoài Trái Đất" do Viện SETI chuyên tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất do NASA triển khai, chuyên gia Silvano P. Colombano viết:
"Chúng ta có thể hiểu đơn giản thế này, trí thông minh ngoài Trái Đất (mà chúng ta có thể đã tìm thấy hoặc "họ" đã tìm đến chúng ta) có thể không được sinh ra bởi các dạng sống chứa carbon như chúng ta."
Ông tin rằng, trí tuệ ngoài Trái Đất có thể vượt xa công nghệ của con người. Thậm chí, "họ" có thể làm chủ được công nghệ du hành giữa các vì sao.
"Công nghệ tìm kiếm người ngoài hành tinh bằng sóng vô tuyến: Đã lỗi thời!"
Phải hiểu rõ rằng, văn minh của loài người mới chỉ bắt đầu cách đây 10.000 năm. Những thành tựu khoa học có phần đột phá lại chỉ mới tồn tại từ 500 năm qua. Đó là lý do, chúng ta có thể tụt hậu hàng triệu lần so với người ngoài hành tinh. Nghĩa là phải mất hàng nghìn năm nữa chúng ta mới đuổi kịp "họ".
Theo Silvano P. Colombano, việc thu và giải mã sóng vô tuyến mà loài người cho rằng đó là tín hiệu mà người ngoài hành tinh gửi đến (còn gọi là FRB - Chớp sóng vô tuyến) đã quá cũ kỹ, lỗi thời.
Theo Silvano P. Colombano, công nghệ tìm kiếm người ngoài hành tinh bằng sóng vô tuyến đã lỗi thời. Hình ảnh về kính viễn vọng vô tuyến của Úc. Nguồn: Đại học Công nghệ Swinburne
Ông kêu gọi các nhà vật lý một mặt dựa trên những hiểu biết vốn có của con người, mặt khác phải sẵn sàng đón nhận những khả năng dù là "không tưởng" nhất về năng lượng cũng như không-thời gian ngoài vũ trụ để "nhìn nhận UFO là vấn đề khoa học cần nghiên cứu".
Trước đó, hồi tháng 10/2018, Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ (NASEM) đã thảo một bản báo cáo về việc "phá bỏ tư duy lối mòn" trong hành trình tìm kiếm người ngoài hành tinh.
Theo NASEM, NASA cần mở rộng tư duy về các dạng sống có thể tồn tại trong vũ trụ, tách biệt hẳn với tư duy lối mòn để tìm ra những dạng sống tiềm năng khác, khác với những gì loài người đã biết từ lâu.
NASEM sẵn sàng ủng hộ nếu NASA chú trọng nghiên cứu "thuyết bất khả tri" về sinh vật học vũ trụ, nghĩa là truy tìm các dấu hiệu sự sống ngoài vũ trụ mà không gắn liền với sự trao đổi chất cụ thể nào từng được biết.
Đã gần 6 thập kỷ kể từ ngày Liên Xô đưa người đầu tiên thoát khỏi lực hút Trái Đất bay ra ngoài không gian rộng lớn (sự kiện phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin trên còn tàu Phương Đông ngày 12/4/1961). Kể từ đó, tham vọng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Loài người có cô đơn trong vũ trụ?" dần trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Carbon là một thành phần quan trọng của tất cả sự sống đã biết trên Trái Đất, chiếm khoảng 45-50% tổng sinh khối khô. Các phân tử phức tạp được tạo thành từ cacbon liên kết với các nguyên tố khác, đặc biệt là oxy và hydro và thường xuyên có nitơ, phốt pho và lưu huỳnh.
Carbon có nhiều trên Trái Đất. Nó thường được giả định trong sinh vật học vũ trụ, nếu cuộc sống tồn tại ở nơi khác trong vũ trụ, nó cũng sẽ có gốc carbon.
Bài viết sử dụng nguồn: Livescience, DM