Theo RT, siêu dự án "Vành đai Con đường" trị giá nghìn tỉ USD của Trung Quốc là nỗ lực nhằm hồi sinh Con đường Tơ lụa - một tuyến đường giao thương thời cổ đại đã từng nối liền phương Đông và phương Tây trong thời kì đế chế La Mã.
Được Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu vào năm 2013, dự án này dự kiến nối Trung Quốc với châu Phi, châu Á, châu Âu và châu Mỹ thông qua mạng lưới cảng biển, đường sắt, đường bộ và các khu công nghiệp. Mục tiêu của dự án này là tạo ra sự kết nối trên toàn cầu, thúc đẩy thương mại và phát triển.
Bắc Kinh cho rằng thế giới cần Vành đai Con đường
Victor Gao, giám đốc của Hiệp hội nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nói Vành đai Con đường ban đầu xuất phát là một dự án kết nối về kinh tế và năng lượng.
Có rất nhiều dự án nhỏ liên quan và hơn 100 quốc gia đã kí kết tham gia Vành đai Con đường. Mỗi quốc gia đều có hàng hóa khác nhau để xuất khẩu. Một số nước như Cộng hòa Séc và Slovakia chuyên về các ngành hàng công nghiệp. Một số quốc gia khác xuất khẩu nguyên liệu, hàng dân dụng, sản phẩm năng lượng và nông nghiệp.
Một số dự án của Vành đai Con đường tại các nước Châu Phi. Ảnh: AFP/Wikipedia/Reuters
Theo ông Gao, việc xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt và cảng biển mới là mục tiêu đẩy mạnh sự kết nối, thúc đẩy hàng hóa luân chuyển nhanh hơn. Chuyên gia này cho biết, các dự án đã kết nối Trung Quốc với nhiều khu vực ở châu Phi thông qua những tuyến đường sắt có hiệu quả cao.
Các tuyên đường cũng hỗ trợ một số quốc gia khác như Myanmar, Malaysia, Thái Lan hưởng lợi về mặt giao thương.
Hiện tại, tổng lượng giao dịch thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã vượt lượng giao dịch của nước này với Mỹ.
Một số quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn tài chính cũng "hứng thú với việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc, ví dụ như Hy Lạp và Italia trong những năm gần đây".
Lý do Trung Quốc cần Vành đai Con đường
Vành đai Con đường tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp cận các thị trường mới, nguồn cung cấp nguyên liệu mới và cơ hội đầu tư nước ngoài - chuyên gia kinh tế chính trị Joseph Cheng nói.
"Để phản ứng lại cuộc khủng hoảng năm 2008-2009, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chương trình đầu tư và dẫn tới việc dư thừa sản lượng trong các ngành công nghiệp như thép và xi măng."
Là một quốc gia đang phát triển về công nghiệp, Trung Quốc cần thị trường và nguyên liệu thô. "Trung Quốc có một nguồn dự trữ ngoại hối lớn, lên tới 3.1 tỉ USD. Một phần trong số đó được đầu tư vào trái phiếu Mỹ và không được Trung Quốc coi là đủ hiệu quả," ông Cheng nói.
Theo ông Gao, Trung Quốc đang huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho Vành đai Con đường. "Xét cho cùng, tiền là một vấn đề quan trọng. Khi nói về tiền, Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất thế giới," ông nói.