Chuyên gia kỳ cựu Ed Yardeni chỉ thẳng 5 lý do đồng USD vẫn thống trị toàn cầu trong thập kỷ này, khẳng định tham vọng phi đô la hoá đang bị thổi phồng

Anh Dũng |

Ông nhận định đồng USD sẽ tăng mạnh vào năm 2030, đẩy lùi những xôn xao về phi đô la hóa.

Chuyên gia kỳ cựu Ed Yardeni chỉ thẳng 5 lý do đồng USD vẫn thống trị toàn cầu trong thập kỷ này, khẳng định tham vọng phi đô la hoá đang bị thổi phồng- Ảnh 1.

Theo chuyên gia thị trường kỳ cựu Ed Yardeni, đồng USD sẽ tăng mạnh vào năm 2030. Ông nhận định câu chuyện về phi đô la hoá đang bị thổi phồng quá mức.

Trong một lưu ý ngày 19/8, ông đưa ra năm lý do để dự đoán đồng USD duy trì xu hướng tăng dài hạn kể từ khi chỉ số US Dollar Index chạm đáy 75 USD vào năm 2011. Đây là thước đo đồng USD với một rổ các tiền tệ khác trên toàn cầu.

Chuyên gia kỳ cựu Ed Yardeni chỉ thẳng 5 lý do đồng USD vẫn thống trị toàn cầu trong thập kỷ này, khẳng định tham vọng phi đô la hoá đang bị thổi phồng- Ảnh 2.

Diễn biến của chỉ số US Dollar Index

Đồng USD mạnh có tác động lớn đến tiền tệ và cổ phiếu trên toàn thế giới.

Trong khi người tiêu dùng Mỹ có thể hưởng lợi từ đồng USD mạnh lên, các công ty quốc tế lại thấy lợi nhuận bị kìm hãm. Vì doanh ở thu nước ngoài bằng các loại tiền tệ khác sẽ đổi được ít USD hơn.

Lợi nhuận doanh nghiệp giảm do đồng USD mạnh lên có thể gây áp lực giảm giá cổ phiếu. Nhưng điều đó không có nghĩa là cổ phiếu không thể tăng đột biến trong bối cảnh đồng USD mạnh.

Chỉ số US Dollar Index tăng 39% kể từ mức thấp nhất vào tháng 4 năm 2011. Cũng trong giai đoạn này, chỉ số S&P 500 tăng 312%. Tính từ tháng 12 năm 2020, đồng USD tăng 13%, còn S&P 500 tăng 51%.

Ông Yardeni viết: “Sức mạnh của USD là đặc điểm then chốt của thị trường tăng giá sau đại dịch”.

Đây là năm lý do khiến vị chuyên gia kỳ cựu tin rằng đồng USD sẽ còn mạnh lên trong thập kỷ này:

1. Chính sách tiền tệ

Trong những tuần gần đây, thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ giảm đáng kể từ nay đến cuối năm khiến đồng USD suy yếu. Nhưng ông Yardeni tin rằng thị trường đã “cầm đèn chạy trước ô tô” khi nói đến cắt giảm lãi suất. Nếu đúng như vậy, đồng USD sẽ mạnh lên.

Ông cho biết: “Kỳ vọng cao về việc lãi suất quỹ liên bang giảm 100-125 điểm cơ bản trong 6 tháng tới đã góp phần làm giảm toàn bộ đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc. Chúng tôi đoán rằng các quan chức Fed sẽ đẩy lùi những kỳ vọng này nếu loạt chỉ số kinh tế tiếp theo vượt kỳ vọng, như chúng tôi mong đợi”.

2. Đồng yên biến động

Đồng yên đã tăng đột biến trong bối cảnh Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) bất ngờ tăng lãi suất và giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) thoái trào.

Tuy nhiên, khi biến động lắng xuống và đồng yên ổn định, ông Yardeni cho biết đồng USD sẽ được hưởng lợi. Vì ông đã nhìn thấy những chất xúc tác tiềm năng.

Ông viết: “Các nhà giao dịch đã bán đô la để mua yên trước khi Thống đốc BOJ xuất hiện tại Quốc hội Nhật Bản vào thứ Sáu. Theo dữ liệu về hợp đồng tương lai và quyền chọn của CFTC, đồng yên đã tăng khoảng 1,0% so với đồng USD vào thứ Hai khi các quỹ đầu cơ nhanh chóng thu hẹp các vị thế bán khống đồng yên của họ”.

3. Những bất ngờ về nền kinh tế

Trong những tuần gần đây, nền kinh tế Mỹ gặp một số trục trặc. Phần lớn là do báo cáo việc làm tháng 7 yếu hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Nhưng chuyên gia thị trường cho rằng sự suy yếu của thị trường lao động trong tháng 7 là do ảnh hưởng của cơn bão Beryl, gây lũ lụt và mất điện ở tiểu bang Texas.

Khi những vấn đề đó qua đi, nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi và tạo thêm một chất xúc tác nữa để đồng đô la tăng giá.

Ông giải thích: “Khi tác động của Bão Beryl đối với các chỉ số kinh tế giảm dần, chúng tôi kỳ vọng chỉ số Citigroup Economic Surprise Index sẽ phục hồi trong những tuần tới. Điều đó sẽ hỗ trợ lợi suất trái phiếu dài hạn, thúc đẩy đồng USD”.

4. Căng thẳng địa chính trị

Theo Yardeni, nếu căng thẳng ở Trung Đông gia tăng, điều này sẽ khiến đồng USD tăng giá. Đó là vì đồng bạc xanh là tài sản trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

"Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran sẽ làm tăng giá dầu, lợi suất trái phiếu và ảnh hưởng đồng đô la. Nhưng nếu tình hình ngày càng nghiêm trọng, dòng tiền sẽ đổ vào các tài sản trú ẩn an toàn, đồng thời làm tăng giá trái phiếu và đồng USD. Mọi thứ có thể diễn ra theo cách tương tự với cuộc xung đột Nga-Ukraine ", Yardeni cho biết.

5. Nhu cầu mạnh mẽ

Các nhà đầu tư vẫn chuộng nợ chính phủ Mỹ, vì nó vẫn mang lại lợi suất đáng kể trong số các khoản đầu tư về cơ bản không có rủi ro. Người nước ngoài chuyển nội tệ thành USD để mua trái phiếu kho bạc, dẫn đến nhu cầu về đồng USD tăng cao.

Ông Yardeni giải thích: "Trong 12 tháng tính đến tháng 6, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 451 tỷ USD trái phiếu kho bạc dài hạn, 318 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp Mỹ và 168 tỷ USD cổ phiếu".

Theo MI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại