Chuyên gia kinh tế nổi tiếng nói về Chính phủ "kiến tạo và phục vụ"

Hoàng Đan |

Từ thực tế nghiên cứu và tình hình của nền kinh tế, TS Lê Đăng Doanh đã bày tỏ sự kỳ vọng và nêu một số điều Chính phủ cần làm để thực hiện mục tiêu kiến tạo và phục vụ.

Kỳ vọng vào Chính phủ kiến tạo và phục vụ

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, sau khi nghe khá nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ ngành, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận:

Chính phủ mới kiện toàn chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Chính phủ mới sẽ quyết tâm đổi mới, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh (Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) đã bày tỏ sự đồng tình rất cao đối với những kết luận, tuyên bố thể hiện tầm nhìn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

"Một trong những tuyên bố đó là xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo và phục vụ, khuyến khích sự kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đây là tư tưởng quyết định mà doanh nghiệp hết sức mong đợi và là điểm đột phá, hy vọng sẽ mang lại thay đổi lớn", TS Doanh nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

TS Doanh cũng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất trong lúc này là việc phải tổ chức thực hiện và chắc chắn điều này sẽ không dễ dàng.

Bởi theo ông Doanh, muốn xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo, phục vụ thì phải cắt bỏ các chi phí không chính thức, hiện nay đang rất lớn, cắt các việc "hành" doanh nghiệp mà điển hình ở đây là vụ quán cà phê Xin Chào mà Thủ tướng đã có ý kiến.

"Do đó, ở đây, đòi hỏi phải có sự thay đổi về tư duy, công khai minh bạch trong quản lý, điều hành của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.

Chúng ta mong đợi sắp tới đây, tiếp theo các tuyên bố của Thủ tướng thì sẽ có các quyết định, hành động kịp thời, cụ thể để thực hiện có hiệu quả", TS Doanh nêu.

Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng nhìn nhận, việc đất nước phát triển như thế nào và trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt được cởi trói ra sao tùy sẽ phù thuộc vào cải cách cũng như hiệu lực của các biện pháp Chính phủ đưa ra.

"Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đang phát triển dưới tiềm năng nên đã phải có những nỗ lực rất lớn để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, tính năng động, cạnh tranh...

Chính phủ đã đưa ra các tuyên bố, cam kết như vậy thì chúng ta có thể hy vọng các biện pháp sẽ sớm được ban hành, có hiệu lực để tạo bước cải thiện trong nền kinh tế.

Tôi chưa thể nói được xem cụ thể sẽ tiến như thế nào, nhưng mục tiêu của Chính phủ đề ra là đạt được mức trung bình, tiên tiến của các nước ASEAN thì đó là điều rất đáng khích lệ", ông Doanh nhấn mạnh.

Chính phủ cần làm gì?

Từ thực tế nghiên cứu của mình, TS Doanh cũng đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Chính phủ để đạt được mục tiêu đề ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

"Tôi cũng đã có những khuyến nghị và Thủ tướng cũng kết luận, ví dụ như phải loại bỏ hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế. Loại bỏ sự nhũng nhiễu của các cơ quan hành chính với doanh nghiệp.

Đồng thời, cần thực hiện cạnh tranh một cách bình đẳng, công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm cá nhân cũng như trách nhiệm giải trình của những người đưa ra quyết định", ông đề nghị.

Cùng với đó, TS Doanh cũng nêu quan điểm, các mệnh lệnh Chính phủ đưa ra vẫn phải được thực thi.

"Ở đây, Chính phủ là cấp trên ra mệnh lệnh với cấp dưới và Chính phủ bảo gì cần làm thì phải làm, đó là điều cần thiết.

Tuy nhiên, cũng cần tránh việc sử dụng mệnh lệnh hành chính chẳng hạn như giao miếng đất này, công trình này cho anh này, anh kia, mà phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, phải đấu thầu, công khai, minh bạch...", ông đưa ra ý kiến.

Còn ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng bày tỏ sự đánh giá cao các tuyên bố, kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Theo ông Kiêm, cam kết sẽ không hình sự hoá hoạt động kinh tế của Thủ tướng đưa ra vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo nhiều động lực cho doanh nghiệp.

Bởi hiện nay, doanh nghiệp rất sợ sự làm ăn tắc trách của cơ quan công quyền, luôn lo sợ phải đề phòng tứ phía.

"Tuyên bố này trong bối cảnh hiện nay khiến cho cộng đồng doanh nghiệp được tiếp thêm hi vọng. Thủ tướng cam kết như vậy, chắc chắn sẽ có chỉ đạo thực hiện như vậy”, ông Kiêm nói

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại