Chuyên gia kinh tế "lạnh sống lưng" vì bài phát biểu "giữ việc làm ở lại nước Mỹ" của Trump

Linh Nguyễn |

Chuyên gia kinh tế Jimmy Pethokoukis nhận định rồi đây, DN Mỹ sẽ phải hành động vì sợ bị chính phủ trừng phạt vô cớ, chứ không phải vì họ được tạo môi trường tốt để kinh doanh.

Trong bài diễn văn hôm thứ Năm (01/12), Tổng thống đắc cử khoe khoang về thỏa thuận để Carrier giữ lại 1.000 việc làm tại Indiana, và còn chỉ trích các công ty khác đang có định đưa hoạt động sản xuất và việc làm ra khỏi nước Mỹ.

Trump tuyên bố "Những công ty đó sẽ không thể ra khỏi Mỹ một cách dễ dàng nữa đâu. Không bao giờ có chuyện đó, tôi khẳng định với các bạn ngay lúc này."

Đến từ Viện Doanh nghiệp Mỹ vốn thiên về phe bảo thủ, học giả Pethokoukis gọi đây là bài diễn văn kinh tế tệ hại nhất kể từ khi ứng viên Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Walter Mondale hứa hẹn sẽ đảo ngược Reaganomics (các chính sách kinh tế do Tổng thống Ronald Reagan đề xuất) vào năm 1984.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình "Closing Bell" của CNBC, Pethokoukis nhận định:

"Rồi đây các công ty Mỹ sẽ phải đưa ra các quyết định vì họ sợ bị trừng phạt dựa trên những lý do khó hiểu từ phía chính quyền, chứ không phải vì chúng ta đã tạo ra môi trường lý tưởng để kinh tế có thể phát triển tại Mỹ. Điều đó khiến tôi cảm thấy lạnh sống lưng."

Robert Shapiro, cựu thứ trưởng Thương mại dưới thời Bill Clinton thì cho rằng, mục tiêu của nước Mỹ hiện tại không phải là tăng việc làm bằng mọi giá, mà là giữ tỷ lệ thất nghiệp thấp đồng thời với tăng thu nhập. Điều đó đòi hỏi một chính sách nghiêm túc về đầu tư công vào giáo dục đào tạo, hạ tầng... để tăng năng suất.

"Chắc chắn chúng ta không muốn phải nỗ lực tạo ra việc làm bằng cách đặt mức giảm thuế đặc biệt với một công ty thu được 7,5 tỷ USD lợi nhuận hồi năm ngoái, trúng gói thầu quân sự trị giá 6 tỷ USD, trả cho 5 lãnh đạo cấp cao 50 triệu USD chỉ để giữ lại 1.000 trong tổng số 2.100 việc làm."

Shapiro cũng cho rằng, thực chất thì việc này chỉ là móc túi người nộp thuế ở Indiana để đưa tiền các cổ đông của United Technology cộng với 1.000 nhân công và đó không thể là công thức để tạo ra việc làm trên khắp nước Mỹ.

Cũng trong "Closing Bell", cựu cố vấn ngoại giao cho Tổng thống George W. Bush Paul Bonicelli cho biết, những vụ dàn xếp với doanh nghiệp để giữ việc làm cho một bang hay một vùng là chuyện thường tình.

Theo Bonicelli, điều cốt lõi mà chính quyền Trump cần đạt được là giải phóng tiềm năng kinh tế của nước Mỹ, từ đó sẽ mang lại việc làm cho người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại