Mới đây, các chuyên gia tại ĐH Harvard đã công bố về một thử nghiệm về vaccine chống HIV trên khỉ và con người. Và điều đặc biệt ở đây là kết quả nó mang lại được đánh giá "vượt ngoài mong đợi".
Được biết, loại vaccine mới này đã được thử nghiệm trên 400 người trưởng thành khoẻ mạnh, và tất cả đều đã tạo ra kháng thể. Còn ở trên khỉ, 67% đã miễn nhiễm với virus gần với HIV nhất là SHIV. Đây là 1 trong số 5 loại vaccine duy nhất có thể đi xa được đến vậy trong 35 năm kể từ ngày dịch HIV bùng nổ.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm! Theo dự tính, bước kế tiếp của thí nghiệm sẽ là phát vaccine này cho khoảng 2.600 phụ nữ có rủi ro nhiễm bệnh tại Nam Phi, nhằm xác nhận xem họ có thực sự miễn nhiễm khỏi thứ virus thế kỷ này hay không.
Chế tạo vaccine trị HIV là việc hết sức khó khăn
Không phải tự nhiên mà con người chúng ta cần rất nhiều thời gian mới đi đến được bước này. Trên thực tế, con người đã từng thử nghiệm rất nhiều vaccine chống HIV, nhưng chưa khi nào thành công.
Nguyên nhân là vì các dòng HIV có thể thay đổi dựa trên từng vùng của Trái đất. Đồng thời, chúng có tỷ lệ đột biến cực kỳ nhanh, có thể nhanh chóng kháng lại các loại vaccine mới nhất, nên gần như không có cách nào hiệu quả cả.
Tuy nhiên, loại vaccine mới này lại sử dụng cách tiếp cận khác, với công nghệ "khảm vaccine" (mosaic). Bên trong nó có chứa nhiều đoạn virus HIV khác nhau, kết hợp lại để kích hoạt hệ miễn dịch kháng thậm chí là nhiều dòng virus hơn thế nữa.
Dù vậy, chúng ta vẫn chưa có bằng chứng gì cho thấy loại vaccine mới có khả năng hoạt động tốt khi áp dụng vào thực tiễn. Thế mới nói, đây chỉ là kết quả ban đầu, và cần thêm thời gian để hoàn thiện. Nhưng theo các chuyên gia, kết quả đem lại cũng là cực kỳ hứa hẹn rồi.
"Đây thực sự là một cột mốc quan trọng," - trích lời Dan Barouch, tác giả nghiên cứu từ khoa Y ĐH Harvard.
"Thách thức khi chế tạo vaccine điều trị HIV là rất khó lường. Ngay cả khi chúng ta tìm ra cơ chế chống lại HIV, cũng không đồng nghĩa rằng vaccine này có thể bảo vệ chúng ta trong thực tế. Giờ thì còn phải đợi kết quả của thử nghiệm giai đoạn 2 đã."
Tất cả đều tạo ra kháng thể
Ước tính, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu người nhiễm mới HIV. Thế nên, một loại vaccine an toàn, không tác dụng phụ có thể nói là dấu chấm hết cho vấn đề đã làm đau đầu nhân loại hàng chục năm nay.
Trong vòng 35 năm qua, chỉ có thêm 1 loại vaccine có khả năng giúp con người giảm nguy cơ nhiễm HIV, mang tên RV144. Loại vaccine này được thử nghiệm tại Thái Lan, đã giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm xuống 31%. Đó là một con số ấn tượng, nhưng chưa đủ thấp để được áp dụng đại trà.
Bên cạnh đó, việc sản xuất vaccine trị HIV cũng gặp rất nhiều cản trở. Nổi bật nhất là việc các loại vaccine tiềm năng đều hoạt động rất tốt trong phòng thí nghiệm và trên cơ thể động vật, nhưng vô dụng với con người. Điều này có nghĩa rằng chúng ta đã tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để phát triển những thứ... hoàn toàn vô dụng.
Để tránh khỏi nguy cơ ấy, nhóm chuyên gia từ Havard đã quyết định thử không chỉ một, mà là bảy loại vaccine "khảm" mà chúng ta đã nói, nhằm tìm ra phương án phù hợp nhất trong thực tiễn.
Họ đã tuyển 393 ứng viên khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Họ được tiêm 4 loại vaccine (đã được chứng minh là không còn khả năng gây hại) trong vòng 48 tuần. Và kết quả thì như đã nêu, tất cả đều có phản ứng tạo ra kháng thể HIV.
Thuốc có một số tác dụng phụ nhưng đều trong phạm vi chấp nhận được, như gây đau đầu, mệt mỏi. Có 5 ứng viên bị chóng mặt, tiêu chảy và đau lưng.
Cùng lúc đó, nhóm cũng thử nghiệm vaccine trên 72 con khỉ đuôi vàng, rồi cho chúng tiếp xúc với một dạng virus rất giống với HIV là SHIV. Kết quả, 2/3 số khỉ đã hoàn toàn kháng lại được virus.
Dĩ nhiên, điều này không đảm bảo rằng trong thực tế nó cũng hoạt động. Phản ứng tạo kháng thể cũng không đồng nghĩa với bảo hiểm 100%. Nhưng kết quả này là cực kỳ đáng ghi nhận.
"Các bằng chứng đã mang lại một viễn cảnh cực kỳ lạc quan dành cho một số thử nghiệm trong tương lai" - trích lời George Williams Mbogo, chuyên gia từ viện nghiên cứu Burnet (Úc), người không tham gia vào nghiên cứu.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học The Lancet.