Giải mã sức mạnh về vũ khí đâm xuyên 2 chiến binh mặc giáp của kỵ binh Cataphract

Nguyễn Hằng |

Được giáp sắt từ đầu tới chân cùng khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí uy lực như trường thương Kontos, kỵ binh Cataphract trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ.

Vào khoảng thế kỷ thứ 7-8 trước Công nguyên, vai trò của các chiến xa trên chiến trường ở vùng Cận Đông dần dần được thay thế bằng các kỵ binh có thể cưỡi ngựa điêu luyện và khả năng chiến đấu tuyệt vời. Kỵ binh thường được chia làm 2 loại, bao gồm kỵ binh nặng và kỵ binh nhẹ.

Sở dĩ người ta dùng từ "nặng", "nhẹ" là để phân biệt giữa lượng tư trang, vũ khí mà một kỵ binh mang theo. Cụ thể, kỵ binh nặng thường được trang bị quân tư trang lớn với áo giáp nặng, vũ khí, mũ giáp và thậm chí là cả áo choàng sắt cho ngựa chiến.

Người La Mã và Hy Lạp cổ đại thường sử dụng từ "Cataphract" để mô tả những kỵ binh áp giáp sắt siêu nặng trên chiến trường.

Trong khi một số được trang bị nhẹ và giao nhiệm vụ tấn công, quấy rối kẻ thù từ phía xa hoặc truy kích quân địch đang trên đường hành quân cùng với sự tượng trợ của hỏa tiễn, tên bắn, thì kỵ binh siêu nặng lại thực hiện nhiệm vụ phá vỡ các phòng tuyến, đội hình và thế trận của quân địch. Họ thực sự được ví như những "cỗ xe tăng" uy lực trên chiến trường thời cổ đại.

Một số ghi chép cổ xưa nhất cho thấy kỵ binh siêu nặng Cataphract đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 6 TCN tại Kwarezm, vùng đất ở gần biển Aral thuộc Trung Á ngày nay.

Mặc dù từ "Cataphract"có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ, nhưng những kỵ binh siêu nặng xuất hiện trên chiến trường cổ đại sớm nhất có lẽ phải kể đến trận Panion năm 200 TCN khi đế chế Seleucid đối đầu với vương quốc Ptolemaic và sau đó là trận Magnesia vào năm 188 TCN khi đế chế này giao tranh với Cộng hòa La Mã.

Xuất hiện và là một phần trong chiến dịch quân sự của đế chế Seleucid, kỵ binh siêu nặng Cataphract được mô tả là chiến binh mặc áo giáp sắt, được trang bị một cây thương, cây cung và cưỡi trên một con ngựa chiến cũng được bọc bộ giáp dày và nặng nề.

Giải mã sức mạnh về vũ khí đâm xuyên 2 chiến binh mặc giáp của kỵ binh Cataphract - Ảnh 1.

Hình ảnh kỵ binh cataphract chiến đấu với sư tử trên tấm phù điêu được lưu giữ trong Bảo tàng Anh.

Sau đó, ngoài đế chế Seleucid, nhiều quốc gia Trung Á khác cũng bắt đầu xây dựng và phát triển lực lượng kỵ binh siêu nặng trong quân đội của mình.

Tuy nhiên đỉnh cao của Cataphract phải kể tới kỵ binh siêu nặng của Parthia (đế chế giành được độc lập vào năm 247 TCN và nhanh chóng giành lấy vị trí bá chủ phương Đông sau khi đế chế Seleucid tan vỡ), họ trở thành lực lượng tạo nên nỗi khiếp sợ cho người La Mã cổ đại.

Sức mạnh vượt trội của kỵ binh Cataphract

Trên chiến trường cổ đại, những kỵ binh siêu nặng như Cataphract được sử dụng như lực lượng để tấn công ồ ạt vào chiến tuyến của quân địch. Do trọng lượng lớn của bộ giáp, cùng khả năng sử dụng vũ khí thông dụng nhất là trường thương Kontos (ngọn thương dài 3,6-4m), nên những kỵ binh siêu nặng có thể gây ra những đòn tấn công chí mạng cho kẻ địch với sức mạnh đáng kinh ngạc.

Tacitus, sử gia nổi tiếng của La Mã từng viết rằng khi những kỵ binh siêu nặng tấn công kẻ thù trên lưng ngựa thì hầu như không có cách nào có thể chống lại họ.

Trong khi đó, CassiusDio, một sử gia La Mã gốc Hy Lạp, nhận định rằng sức mạnh không thể cưỡng lại của kỵ binh Cataphract một phần cũng có thể do sức ép tâm lý chiến ảnh hưởng đến kẻ thù của họ.

Những kỵ binh giáp sắt hạng nặng của Parthia đã giành chiến thắng vang dội trong trận Carrhae vào năm 53 TCN trước đội quân lớn mạnh của La Mã.

Giải mã sức mạnh về vũ khí đâm xuyên 2 chiến binh mặc giáp của kỵ binh Cataphract - Ảnh 2.

Trận Carrhae vào năm 53 TCN cho thấy sức mạnh áp đảo của Cataphract so với quân đội La Mã. Ảnh: Pinterest

Lý giải về thất bại của đội quân La Mã, sử gia Cassius Dio cho rằng nhiều người đã chết vì khiếp sợ ngay từ đợt tấn công đầu tiên của Cataphract, những chiến binh bậc thầy về việc sử dụng vũ khí cận chiến hai tay như thương và kích.

Đồng thời, áp lực tâm lý gia tăng khi sử gia Plutarch mô tả rằng ngọn trường thương của các kỵ binh Cataphract có khả năng đâm xuyên 2 chiến binh mặc giáp cùng lúc. Với uy lực và khả năng chiến đấu tuyệt vời, Cataphract thực sự là "cỗ xe tăng"đáng sợ trên chiến trường cổ đại.

Mối nguy hiểm rình rập kỵ binh siêu nặng: Yếu điểm chết người từ "gót chân Achilles"

Có sức mạnh cùng khả năng tấn công và chiến đấu như vũ bão, nhưng Cataphract cũng không phải là bất khả chiến bại. Sức mạnh to lớn nhưng cũng là "gót chân achilles" chết người của kỵ binh Cataphract. Cụ thể, bộ giáp nặng nề thực sự khiến những người kỵ binh gặp rất nhiều khó khăn và hiểm nguy.

Chính vì vậy, các Cataphract thường chậm chạp hơn nhiều so với với những kỵ binh khác. Ngay từ lúc khởi hành, trọng lượng quá khổ của bộ giáp khiến những người chiến binh uy dũng này phải cần tới sự trợ giúp của nhiều người khác để leo lên ngựa.

Giải mã sức mạnh về vũ khí đâm xuyên 2 chiến binh mặc giáp của kỵ binh Cataphract - Ảnh 3.

Tuy nhiên chính bộ giáp nặng nề lại là yếu điểm chết người của kỵ binh Cataphract.

Trong khi tham chiến, chừng nào còn ngồi vững trên yên ngựa thì lúc đó hãy còn an toàn. Nhưng nếu chẳng may ngã ngựa thì Cataphract chưa chắc đã dậy được và có thể trở thành mục tiêu dễ dàng cho kẻ thù.

Bên cạnh đó, việc được trang bị, bọc giáp từ đầu tới chân, cộng thêm việc những con ngựa chiến cũng mang trên mình trong lượng khủng của bộ giáp khiến cho giảm sức chịu đựng của loài vật này khi tham chiến. Hơn nữa, quá nóng bức trong bộ giáp dày và nặng cũng là một vấn đề lớn.

Những điểm yếu này đã được hoàng đế La Mã Aurelian khai thác trong trận chiến chống lại đế chế Palmyrene do nữ hoàng Zenobia lãnh đạo. Theo đó, hoàng đế Aurelian đã sử dụng lực lượng kỵ binh nhẹ khi tham chiến và cố tính kích động các Cataphract của Palmyrene tấn công. Tuy nhiên, hoàng đế đã ra lệnh các kỵ binh không giao chiến và thay vào đó lại giả vờ rút lui.

Chiến thuật kéo dài cho đến khi các Cataphract phải chịu áp lực lẫn khó chịu từ sức nóng và trọng lượng của bộ giáp, thì bất ngờ kỵ binh của hoàng đế Aurelian quay trở lại tấn công và tiêu diệt họ bằng một loại vũ khí đặc biệt giúp chống lại áo giáp sắt và đồng thau.

Dù Cataphract có yếu điểm đáng sợ nhưng những ghi chép lịch sử đã cho thấy sức mạnh cũng như khả năng làm rối loạn thế trận của đối phương và gây sát thương lớn khi có sự tương trợ của các lực lượng khác như bộ binh, cung thủ,... trong nhiều trận chiến thời cổ đại.

Cataphract sau đó dần trở nên lỗi thời và biến mất khỏi chiến trường trước sự phát triển nở rộ của súng ống và đại bác. Tuy nhiên, lực lượng kỵ binh Cataphract thực sự là một "vũ khí" vang bóng một thời trong quá khứ.

Tham khảo ảnh/nguồn: Ancientorigins, Ancient-battles

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại