Chuyên gia đề xuất 2 giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu

Nguyễn Thu Huyền |

Để hạ nhiệt giá xăng, TS. Bùi Duy Tùng nói có 2 giải pháp tạm thời là giảm các loại thuế và trợ giá xăng dầu. Tuy nhiên, việc trợ giá là giải pháp không tối ưu.

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Bùi Duy Tùng - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT đã đưa ra một số phân tích và đề xuất cho các cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng tăng cao kỷ lục.

Nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu

Theo đánh giá của ông Tùng, trong rổ hàng hóa tính CPI ở Việt Nam, chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của người dân. Ông cũng lưu ý đây chỉ là con số trung bình nên sẽ có những hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn con số này và sẽ có những hộ chi tiêu ít hơn.

Khi giá xăng tăng, tỉ trọng chi tiêu cho mặt hàng này sẽ tăng lên, dẫn đến giảm thu nhập để chi tiêu vào những mặt hàng khác. Ngoài ra, giá xăng tăng cũng kéo theo sự tăng giá của những loại hàng hóa khác, do xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác.

“Với cùng một mức thu nhập, người dân chỉ mua được một lượng hàng hóa ít hơn khi giá xăng tăng, hay sức mua của người dân sẽ giảm. Tác động của tăng giá xăng đến sức mua sẽ lớn nhất ở nhóm người có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội”, ông Tùng nhìn nhận.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của trang Global Petrol Prices (ngày 13/6/2022), giá xăng ở Việt Nam đang cao hơn giá xăng tại 84 quốc gia khác trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia xuất khẩu xăng dầu.

“Chắc chắn khi giá xăng tăng cao sẽ dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng khác do tính chất truyền dẫn. Theo tính toán của tôi, lạm phát trong những tháng đầu năm 2022 chủ yếu đến từ tác động trực tiếp của giá xăng dầu”, ông Tùng cho hay.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, tăng trưởng giá cả trung bình hàng tháng của nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong năm tháng đầu năm 2022 lần lượt là 0%, 1,54%, -0,27%, -0,05% và 0,27%. Đối với nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, tốc độ tăng trung bình lần lượt là 0,07%, 0,92%, 1,49%, 0,58% và -0,13%.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, việc giá xăng tiếp tục tăng sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát khi các doanh nghiệp bắt đầu hoàn thành việc điều chỉnh giá bán các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhằm theo kịp đà tăng của xăng dầu. Tuy ảnh hưởng gián tiếp của giá xăng dầu lên lạm phát có độ trễ, nhưng tác động này sẽ không hề nhỏ nếu giá cả của những nhóm hàng có tỉ trọng lớn tăng mạnh.

Chuyên gia đề xuất 2 giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu - Ảnh 2.

TS. Bùi Duy Tùng - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT (Ảnh: RMIT).

Đưa ra cách để giảm giá xăng nhằm giảm bớt lạm phát, vi chuyên gia RMIT nhấn mạnh: Việt Nam là một nước xuất khẩu dầu thô nhưng lại nhập xăng dầu thành phẩm. Do đó, giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc nhiều vào giá cả của thế giới.

Để hạ nhiệt giá xăng, ông Tùng nói có 2 giải pháp tạm thời: Giảm các loại thuế và Trợ giá xăng dầu. Tuy nhiên, việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp không tối ưu.

Trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, Nhà nước nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân. Loại thuế này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia tại Việt Nam có ý kiến cần giảm hoặc loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho việc sử dụng xăng dầu. Mục đích của loại thuế này là đánh vào các mặt hàng xa xỉ như ô tô, máy bay hoặc sản phẩm không được khuyến khích tiêu dùng do gây ra các ngoại ứng tiêu cực như thuốc lá, rượu bia…

“Mặc dù xăng dầu cũng gây ra ngoại ứng tiêu cực nhưng mặt hàng này đã bị đánh thuế bảo vệ môi trường, nên theo tôi không nên thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông nhận định.

TS. Bùi Duy Tùng cũng cho rằng, Chính phủ cần hỗ trợ người dân bằng cách giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết để cân đối lại ngân sách.

Lạm phát tác động mạnh nhất đến nhóm nào?

Một trong những hậu quả của giá xăng tăng cao là lạm phát do chi phí đẩy. Đối với người dân, lạm phát sẽ tác động mạnh nhất đến những người có thu nhập thấp và trung bình ở khu vực thành thị. Thu nhập của họ chủ yếu đến từ tiền lương, thường là cố định trong một khoảng thời gian dài.

"Cho nên khi lạm phát xảy ra (giá cả hàng hóa tăng lên) thì số lượng hàng hóa mà họ mua được sẽ ít đi với cùng một mức lương cố định đó. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống sẽ giảm đi. Đây là nhóm đối tượng cần được quan tâm nhất trong thời bão giá", ông nói.

Để vượt qua thời kỳ lạm phát cao, ông Tùng cho rằng, người dân có thu thập thấp và trung bình cần phải hết sức cẩn thận trong việc chi tiêu do không có nhiều thu nhập thụ động ngoài lương. Họ cần phải lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chỉ chi tiêu vào những mục đích thực sự cần thiết. Việc cần thiết là phải bảo vệ tài sản và tiền bạc của mình để vượt qua thời kỳ lạm phát.

Chuyên gia đề xuất 2 giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu - Ảnh 4.

Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của người lao động có thu nhập thấp và trung bình (Ảnh: Hữu Thắng).

Việc thứ hai là tránh đầu tư dàn trải trong thời kỳ lạm phát. Đối với những người có thu nhập thấp và trung bình, đầu tư không phải là việc cần làm trong thời kỳ lạm phát. Đi vay cũng là một điều không nên trong thời kỳ bão giá đối với các đối tượng kể trên.

Về phía các doanh nghiệp, cần kiểm soát việc chi tiêu và có chính sách điều chỉnh giá cả linh hoạt. Chính sách giá bán cần phù hợp với lạm phát và sức mua của người dân ở từng thời điểm. Tiếp theo, các doanh nghiệp có thể xem xét tập trung vào những sản phẩm có biên lợi nhuận cao trong thời kỳ lạm phát.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể sử dụng các loại nguyên vật liệu đầu vào khác để thay thế cho các loại đang sử dụng. Khi lạm phát xảy ra, không phải giá cả của tất cả các mặt hàng đều tăng bằng nhau, có những hàng hóa tăng ít hơn những loại khác. Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng những sản phẩm thay thế rẻ hơn để tiết kiệm chi phí.

Việc đi vay và đầu tư dàn trải vào các dự án cũng không được khuyến khích do rủi ro và chi phí đi vay sẽ cao hơn trong thời kỳ lạm phát. Đối với những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính không tốt thì việc bảo toàn vốn sẽ quan trọng hơn là việc phát triển trong thời gian lạm phát cao.

TS. Bùi Duy Tùng là giảng viên Kinh tế tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế từ Đại học Bourgogne (Pháp) và Thạc sĩ Quản trị rủi ro tài chính từ Đại học Rouen (Pháp).

Trước khi chuyển sang giảng dạy và nghiên cứu, Tiến sĩ Tùng từng công tác tại một số ngân hàng thương mại Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông gồm hoạt động ngân hàng, rủi ro thị trường, phân tích tín dụng, chính sách tài khóa bền vững...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại