Các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế của nước này. Do đó, Nga đang phải sử dụng ngày càng nhiều đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong kho dự trữ.
Nga bị cô lập cũng khiến Trung Quốc lo ngại về việc phụ thuộc vào hệ thống tài chính được thống trị bởi đồng USD. Điều này đang làm dấy lên nhiều ý kiến trong nước cho rằng Bắc Kinh nên giảm mức độ tiếp xúc với đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, không như Nga, Bắc Kinh lại có ít lựa chọn thay thế hơn, theo Robert Greene, một học giả tại trung tâm nghiên cứu Carnegie Endowment Asia Program and Cyber Policy Initiative. Greene cho biết: “Các quan chức Nga đã đa dạng hoá kho dự trữ ngoại hối bằng cách mua tài sản bằng đồng Nhân dân tệ. Song, Trung Quốc lại khó có thể đưa ra lựa chọn tương tự."
Nhiều lý do cản trở Trung Quốc trong nỗ lực đa dạng hoá
Greene, cựu cố vấn cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết những yếu tố gây khó khăn cho Trung Quốc trong quá trình phi đô la hoá bao gồm vai trò vững chắc của đồng bạc xanh trong thương mại hàng hoá toàn cầu và lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cũng lớn hơn nhiều so với Nga.
Trung Quốc vẫn đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Đáng chú ý là, quốc gia này đã thiết lập hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới sử dụng đồng Nhân dân tệ (CIPS) để xử lý các giao dịch. Tuy nhiên, nhiều bên tham gia CIPS vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính dựa trên đồng USD và có rủi ro sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đó, khoảng 1 nửa dự trữ ngoại hối của Trung Quốc được nắm giữ bằng đồng USD. Greene cho hay, tài sải định danh bằng USD của quốc gia này vào năm 2023 cao gấp 15 tài sản mà Nga nắm giữ vào năm 2019.
Ngân hàng trung ương Nga đã cắt giảm đáng kể tài sản bằng USD trong kho dự trữ từ năm 2020. Điều này có nghĩa là dự trữ USD của Trung Quốc có thể cao hơn nhiều so với Nga ở thời điểm này.
Vị chuyên gia nói thêm: “Về mặt lý thuyết, Trung Quốc cũng có thể đa dạng hoá một cách chậm rãi, cắt giảm dự trữ đồng USD và chuyển sang trái phiếu chính phủ được định giá bằng đồng tiền tệ của các nền kinh tế nhỏ hơn.”
Dẫu vậy, các tài sản không được định danh bằng cách đồng tiền tệ của những nền kinh tế phát triển - tức là ngoài USD, euro và yen, có thể bị ảnh hưởng bởi các rủi ro địa chính trị nhiều hơn.
Ngoài dự trữ ngoại hối, các định chế tài chính nhà nước lớn nhất Trung Quốc, bao gồm 4 ngân hàng thương mại, đều có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính Mỹ.
Greene trích dẫn một nghiên cứu do Fed Boston công bố năm 2022: “Các định chế này thường sử dụng nguồn vốn USD để tài trợ các cho các hoạt động ở nước ngoài. Trong những năm gần đây, đôi khi họ có các khoản nợ phải trả bằng USD nhiều hơn là tài sản bằng USD.”
Hơn nữa, hầu hết các khoản vay được thực hiện để tài trợ cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đều được định danh bằng USD. Nhiều doanh nghiệp nước này đã tiếp cận nguồn vốn bằng USD. Greene còn chỉ ra, Bắc Kinh cũng tích cực quản lý tỷ giá hối đoái đồng nội tệ so với USD.
Đồng bạc xanh vẫn là “vua"
Nhìn chung, Trung Quốc không thể thực hiện phương thức phi đô la hoá như Nga. Quốc gia này có khả năng vẫn sẽ phụ thuộc vào hệ thống tài chính dựa vào USD trong thời gian tới.
Chủ đề phi đô la hoá đã được thảo luận ít nhất là từ những năm 1970. Tuy nhiên, đồng USD cho đến nay vẫn giữ vững vị thế thống trị vì có vai trò là một tài sản trú ẩn an toàn.
James Lord, giám đốc chiến lược ngoại hối thị trường mới nổi tại Morgan Stanley, đã đặt ra câu hỏi trong một podcast hồi tháng 5: “Bạn muốn sở hữu đồng tiền tệ nào nhất khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm và nền kinh tế có xu hướng rơi vào suy thoái? Bạn muốn đặt niềm tin vào đồng USD vì đó là phản ứng của thị trường ngoại hối đối với những sự kiện như vậy.”
Michael Zezas, giám đốc nghiên cứu chính sách công của Mỹ tại Morgan Stanley, chỉ ra: “Điểm mấu chốt là đồng USD là một vị vua thực sự và không có đối thủ.”
Tham khảo BI