Chuyên gia chỉ ra 8 thắc mắc không cần thiết mà hầu hết bố mẹ nào cũng thường xuyên hỏi con

IMACHO |

Ngưng thắc mắc những điều không cần thiết hoặc chuyển sang đặt những câu hỏi mang tính gợi ý và hướng đến cách giải quyết hơn chính là lời khuyên của chuyên gia tâm lý trẻ em đến từ Canada dành cho các bậc phụ huynh.

Trong quá trình nuôi dạy con cái , bố mẹ sẽ liên tục hỏi trẻ những câu hỏi quen thuộc mà bản thân họ cũng biết không thể nhận về câu trả lời mong muốn. 

Và sau đây chính là 8 thắc mắc phổ biến của các bậc phụ huynh được chuyên gia tâm lý trẻ em Amanda Weiss đến từ thành phố Toronto, Canada, cho là không cần thiết và đưa ra lời khuyên không nên hỏi trẻ như thế nữa.

"Sao các con gây nhau hoài vậy?"

Chuyên gia chỉ ra 8 thắc mắc không cần thiết mà hầu hết bố mẹ nào cũng thường xuyên hỏi con - Ảnh 1.

Đây là câu hỏi mà hầu hết các bà mẹ có 2 con trở lên đều từng một lần thốt lên, bất kể vô tình hay cố ý. 

Phụ huynh đừng bao giờ tự huyễn hoặc rằng các con của mình sẽ yêu thương, sống hòa thuận với nhau mà không xảy ra mâu thuẫn. Việc chúng tranh cãi hoặc thậm chí đánh nhau nằm trong quy luật phát triển tự nhiên. 

Qua đó, trẻ còn được trau dồi không ít kỹ năng sống như tranh luận hoặc thương lượng để giải quyết vấn đề. Bố mẹ được khuyên chỉ nên can thiệp khi mọi chuyện trở nên quá căng thẳng hoặc mất kiểm soát.

"Sao con lại để dĩa trên bàn?"

Mỗi khi kết thúc bữa ăn, bố mẹ như một thói quen lại hỏi con câu này và tất nhiên các bé sẽ làm ngơ hoặc chống chế bằng lý do phổ biến rằng: "Con quên mất". 

Điều này cũng khá dễ hiểu bởi câu hỏi trên không hướng trẻ đến cách giải quyết tích cực.

Thay vào đó, bố mẹ có thể hỏi khác đi, chẳng hạn như: "Mẹ thấy con hay quên dọn đĩa ăn, phải làm thế nào con mới nhớ đây nhỉ?"

Trước câu hỏi này, trẻ sẽ đưa ra hướng giải quyết hiệu quả và tự động thực hiện trong các bữa ăn tiếp theo.

"Con muốn ăn gì?"

Khi hỏi thế này, 90% câu trả lời của trẻ sẽ là những món ăn không mấy bổ dưỡng như pizza, gà rán hay kem lạnh. 

Thay vì như vậy, hãy chuyển sang những câu hỏi sáng tạo và mang tính gợi ý hơn, chẳng hạn như "Hôm nay con muốn ăn rau gì?", "Con ăn trứng luộc hay ốp la?"...

"Con có muốn đi thăm ông bà không?"

Chuyên gia chỉ ra 8 thắc mắc không cần thiết mà hầu hết bố mẹ nào cũng thường xuyên hỏi con - Ảnh 2.

Khi đặt câu hỏi thế này, bố mẹ nhiều khả năng sẽ nhận về lời đáp phủ định. 

Truyền thống các nước Á Đông khá đặt nặng việc giữ mối quan hệ với họ hàng, người thân, phụ huynh không nên giao cho trẻ quyền quyết định. Vậy nên tốt nhất bố mẹ cần tránh hỏi con những điều này.

"Con chơi hoài trò này mà không chán à?"

Trẻ con có thể chơi độc nhất một trò chơi suốt nhiều tiếng đồng hồ trong khi bố mẹ thắc mắc không hiểu năng lượng của chúng vì đâu mà dồi dào đến vậy. 

Thế nhưng, người lớn đôi khi vẫn có những lúc làm và chơi quên ngày tháng nếu như chúng ta thật sự bị thu hút bởi công việc đó. 

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý rằng khả năng ước lượng thời gian của trẻ vẫn chưa tốt vậy nên dù có ngồi một chỗ, chơi một trò chơi đối với chúng cũng không có gì lạ.

"Con có biết mình đang ăn quá nhiều kẹo rồi không?"

Chuyên gia chỉ ra 8 thắc mắc không cần thiết mà hầu hết bố mẹ nào cũng thường xuyên hỏi con - Ảnh 3.

Một đứa trẻ không thể ý thức được lượng thức ăn chúng nạp vào người cũng như tác hại của đường đối với cơ thể. 

Trong trường hợp này, bố mẹ hãy tự giới hạn số lượng đồ ngọt nhất định mà mỗi ngày con có thể ăn. Việc làm này sẽ dần tạo ra thói quen cho trẻ và giúp các mẹ tránh được những trận nài nỉ hay khóc lóc xin ăn thêm của chúng về sau.

"Con không biết là đến giờ đi ngủ rồi hả?"

Trẻ con chắc chắn sẽ không bao giờ chịu chủ động lên giường ngủ đúng giờ chỉ vì sáng mai chúng phải dậy sớm đi học. 

Và tất nhiên, bố mẹ cũng không thể kỳ vọng đứa trẻ của mình nhận thức được tầm quan trọng của một giấc ngủ chất lượng. 

Thay vào đó, phụ huynh hãy nói với chúng rằng: "Con ơi, đến giờ đi ngủ rồi. Ngày mai con vẫn còn cả ngày để chơi tiếp mà".

"Sao con lại cư xử như vậy chứ?"

Đây là một trong những câu hỏi mà chuyên gia Amanda cho là vô dụng và không cần thiết. Bố mẹ không thể kỳ vọng các con của mình đủ sâu sắc để ý thức được động cơ đằng sau hành vi của mình. 

Nếu cảm thấy không thể tự mình uốn nắn trẻ, hãy liên hệ với chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý để tìm cách giải quyết.

(Nguồn: Newborns Planet)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại