"Khu vực mà IS kiểm soát đang bị thu hẹp dần và điều này có một tác động tâm lý lên chúng. Làm thế nào để IS duy trì sự ủng hộ? Chúng phải có một vành đai thứ hai của cuộc xung đột, đó là những quốc gia láng giềng của chúng hoặc vành đai thứ ba là Đông Nam Á" - ông Ahmad - cố vấn Cảnh sát Hoàng gia Malaysia về các nghi can khủng bố bị bắt giữ - nhận định.
Chuyển hướng sang Đông Nam Á
Tháng 5 vừa qua các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết IS đã mất khoảng 45% lãnh thổ chúng từng kiểm soát tại Iraq và khoảng 10% lãnh thổ tại Syria.
Ông Ahmad đưa ra những bình luận trên trong chương trình phỏng vấn Conversation With lên sóng ngày 4-8 trong bối cảnh xảy ra một loạt vụ tấn công gần đây của IS trong khu vực.
Hồi tháng 1-2016, IS lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công khiến 7 người thiệt mạng tại Jakarta (Indonesia). Đến tháng 6, hai người đàn ông đã ném thiết bị nổ vào hộp đêm tại Puchong khiến 8 người bị thương và trở thành cuộc tấn công thành công đầu tiên của IS trên đất Malaysia.
Tháng rồi cảnh sát đã bắt giữ 14 người Malaysia tình nghi liên quan đến một âm mưu đánh bom của IS. Cảnh sát cho biết họ đã tịch thu 1kg thiết bị nổ.
Ngoài ra IS cũng thể hiện rõ ràng rằng tổ chức này đang nhắm đến Đông Nam Á. Trong những đoạn video công bố gần đây, IS đã kêu gọi những kẻ ủng hộ chúng tập trung vào Malaysia và Philippines.
IS cũng đã phát hành báo tiếng Malaysia đầu tiên hồi tháng 6, tập trung vào tháng chay Ramadan của Hồi giáo.
Công ty an ninh tình báo The Soufan Group ước tính 700 người Indonesia và 100 người Malaysia đang chiến đấu cho IS tại Trung Đông. Một số trong những kẻ này đã lập nên một nhánh con của IS gọi là Katibah Nusantara hồi năm 2014.
Thánh chiến tại quê nhà
Tuy nhiên ông Ahmad, từng phỏng vấn hơn 50 tù nhân liên quan đến IS, cho biết sự quay trở về quê nhà của các tay súng thánh chiến lại là mối nguy hại hơn cả việc chúng sang Trung Đông để gia nhập IS.
"Khi chúng trở về nhà chúng sẽ mang theo tư tưởng, kinh nghiệm và chuyên môn trong cuộc chiến và chúng sẽ muốn tạo ra một cuộc chiến tại đây" - ông Ahmad nhận định.
Trước đó, tháng 11-2015, giám đốc tình báo Indonesia Sutiyoso cho biết ít nhất 100 người Indonesia từng sang Iraq và Syria đã trở về nhà.
Ông Ahmad cho biết trong hơn 50 phần tử khủng bố ông đã thẩm vấn có nhiều kẻ chỉ mới 14 tuổi. "Họ sẽ nói 'Tôi không nghĩ tôi đã làm gì sai'. Việc thiếu kiến thức về tôn giáo hoặc thiếu hiểu biết về Hồi giáo khiến họ không phân biệt được đúng và sai" - cố vấn Ahmad chia sẻ.
Tuy nhiên ông Ahmad vẫn hy vọng rằng IS sẽ bị đánh bại. "Nếu chính phủ, các cá nhân và xã hội hợp tác với các cơ quan an ninh và các trí thức Hồi giáo tham gia vào việc này, tôi tin rằng chúng ta có thể giảm phạm vi ảnh hưởng và giành lại vị thế trung tâm" - ông Ahmad nói.
Singapore tham gia liên minh chống IS
Trong chuyến thăm chính thức tại Mỹ, ngày 3-8, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có đề cập đến việc hỗ trợ một đội ngũ y tế cho liên minh tại Iraq để chống lại IS.
"Dù thế nào thì chúng tôi cũng là một mục tiêu của IS. Chúng tôi biết rằng chúng tôi đang bị nhắm đến bởi các nhóm cực đoan bởi vì chúng thấy chúng tôi là một đất nước mở cửa với toàn thế giới và không phải là quốc gia mà chúng nghĩ nên tồn tại, do đó phải bị tấn công" - ông Lý nói.
Ông Lý cũng lưu ý rằng Singapore từ lâu đã là một phần của liên minh quốc tế chống IS và sẽ tiếp tục đóng góp tùy vào khả năng và nguồn nhân lực của mình vào Trung Đông.
Đài Channel NewsAsia cho biết đội ngũ y tế của Singapore sẽ được triển khai đến Iraq vào năm 2017.
"Chúng tôi sẽ gởi một đội, chúng tôi sẽ đến và trinh sát, tìm hiểu tình huống, tìm hiểu cách tốt nhất để làm việc và người mà chúng tôi làm việc cùng và quan sát họ trong cuộc chiến. Chúng tôi cũng sẽ tham gia" - ông Lý khẳng định.