Gần đây, ngư dân Philippines đã không còn tới gần bãi cạn Scarborough vì lo ngại về tình trạng an ninh.
Theo Inquirer, hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc đang trở nên gay gắt hơn khi lực lượng này tìm cách xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi khu vực tranh chấp, dù Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết phủ nhận quyền của Bắc Kinh tại hầu hết các thực thể trên biển Đông.
Trung Quốc đã tăng cường tuần tra tại Scarborough và ngăn cản ngư dân Philippines tới gần bãi cạn để đánh bắt cá, một việc mà người dân tại các làng chài vùng Pangasinan đã làm suốt hàng thập kỷ qua.
Ông Rhodyn Lochinvar Oro, quan chức xử lý và giảm thiểu nguy cơ thảm họa vùng Pangasian cho biết: Hành động ngang ngược của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới cuộc sống của gần 650 ngư dân thuộc 2 thị trấn Infanta và Dasol, tỉnh Pangasinan.
Thống đốc Amado Espino III đã thành lập một nhóm chuyên môn (TWG) để tìm kiếm giải pháp và các chương trình sinh kế khác cho ngư dân đang bị ảnh hưởng vì tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Dalisay Moya, người đứng đầu TWG cho hay, bà đã lên lịch gặp gỡ ngư dân Infanta và Dasol để tìm hiểu xem dự án nào phù hợp với họ.
Theo trưởng làng Cato Charlito Maniago, hiện các ngư dân Philippines đang buộc phải làm việc tại khu vực "payao", nằm trong phạm vi 15km ven biển phía Tây.
Do Cục Tài nguyên biển và Nghề cá (BFAR) thiết lập, payao được tạo thành từ các bè tre quấn lá cọ, nhằm thu hút cá con tới rỉa sinh vật phù du hình thành quanh đó. Những loại cá lớn như cá ngừ cũng sẽ theo đó mà tới.
Ông Oro cho biết BFAR đang huấn luyện ngư dân trồng tảo và nuôi cá bột. Cơ quan này cũng đang tìm cách phát triển môi trường sống của cá, nơi chúng có thể sinh sản và đẻ trứng, để thay thế số lượng cá mà ngư dân đánh bắt.
Theo báo cáo địa phương, TWG cần nghiên cứu "không chỉ những tác động về mặt kinh tế - xã hội, mà cả sự an toàn của người dân Pangasinan về lâu về dài và làm thế nào để chuẩn bị cho họ trong trường hợp tình hình trên biển xấu đi".
Trung Quốc tuyên bố giam giữ tới 1 năm đối với ngư dân nước ngoài
Ngày 2/8, Tòa án Tối cao của Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố sẽ bắt giam các ngư dân nước ngoài tiến hành đánh bắt trên biển Đông.
Cơ quan này cũng ban hành một tài liệu phi pháp khẳng định các vùng biển này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc - luận điệu đã bị PCA bác bỏ hôm 12/7.