Chuyên gia bất ngờ về cách Nga thay đổi chiến thuật ở Ukraine

Hồng Anh |

Theo nhà phân tích Mick Ryan, quân đội Nga đã chứng tỏ khả năng tích lũy kinh nghiệm chiến đấu, điều chỉnh chiến thuật phù hợp và thích nghi với hoàn cảnh trong suốt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nga và Ukraine được cho là đang bước vào một giai đoạn mới của cuộc xung đột, khi Kiev chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công lớn, còn Moscow đang lên kế hoạch ứng phó. Thời gian qua cả hai bên nỗ lực củng cố lực lượng ở khu vực Kharkov, Đông Bắc Ukraine trước nguy cơ giao tranh diễn ra ác liệt hơn tại Donbass. Ukraine gần đây đã tiếp nhận máy bay chiến đấu MiG-29 "Fulcrum" do Ba Lan và Slovakia chuyển giao.

Chuyên gia bất ngờ về cách Nga thay đổi chiến thuật ở Ukraine - Ảnh 1.

Một binh sĩ Ukraine trên chiến tuyến ở Donbass hôm 11/4. Ảnh: Anadolu Agency.

Trong khi đó, Nga đang thể hiện sức mạnh quân sự của nước này sau cuộc tập trận hải quân quy mô lớn có sự tham gia của 25.000 binh sỹ, 89 máy bay và trực thăng, 167 tàu chiến, trong đó có 12 tàu ngầm.

Trong một bài bình luận có tiêu đề “The Russians Keep Evolving” (tạm dịch là Người Nga tiếp tục cải thiện năng lực chiến đấu” đăng tải trên trang cá nhân Twitter và Substack, ông Mick Ryan - Tướng lục quân Australia đã nghỉ hưu cho rằng, trong suốt quá trình chiến đấu, quân đội Nga đã đã có nhiều sự điều chỉnh về chiến thuật để gia tăng hiệu quả trên chiến trường.

Nhà phân tích Mick Ryan nhận định, việc tìm ra một chiến thuật tốt đóng vai trò cốt lõi để mang lại hiệu quả cho các hoạt động quân sự tại khu vực xung đột. Điều này dựa vào những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết của các chỉ huy quân sự trên chiến trường. “Bạn không thể giành chiến thắng trong một cuộc xung đột nếu bạn không có khả năng đánh bại đối phương trong một cuộc giao tranh”, ông Ryan nhấn mạnh.

Chiến thuật tập trung vào việc lập kế hoạch và sử dụng các lực lượng quân sự trong các trận chiến và nhiều hoạt động khác để đạt được mục tiêu. Theo ông Ryan, Nga đã có nhiều điều chỉnh về chiến thuật kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022 đến nay, xét về 3 yếu tố cận chiến, sử dụng quân đội chính quy kết hợp với lực lượng quân sự tư nhân và các hoạt động phòng thủ.

Một trong những yếu tố đầu tiên cho thấy sự thích ứng của Nga với môi trường chiến đấu là hoạt động cận chiến. Ở giai đoạn đầu, Nga đã tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu phối hợp giữa hoạt động đổ bộ đường không kết hợp với chiến dịch tấn công trên mặt đất, nhưng sự thiếu hụt bộ binh cùng những yếu tố bất lợi về địa hình, thời tiết đã khiến Moscow gặp nhiều thách thức lớn. Nga không thể bao vây được Kiev và các mục tiêu trọng yếu ở miền bắc Ukraine.

Nhiệt độ tăng lên đáng kể do tiết dần chuyển từ mùa đông sang mùa xuân đã khiến băng tan, tạo ra nhiều vũng bùn lầy, làm các thiết bị quân sự hạng nặng của Nga khó di chuyển. Ngoài ra, hệ thống sông, ngòi của Ukraine khá dày đặc cũng gây khó khăn đối với việc tiến công cũng như phòng ngự, rút lui và hỗ trợ hậu cần của quân đội Nga. Vào tháng 5/2022, Quân đội Nga từng thực hiện nỗ lực vượt qua con sông Siversky Donets nhưng không thành công.

Chuyên gia bất ngờ về cách Nga thay đổi chiến thuật ở Ukraine - Ảnh 2.

Một cầu phao của Nga bắc qua sông bị phía Ukraine đánh phá. Ảnh: Telegram.

Sau đó, Nga dường như đã rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm. Việc quân đội nước này rút khỏi Kherson vào tháng 10 và 11/2022 cho thấy họ đã có sự thích nghi với hoàn cảnh chiến đấu. Quân đội Nga đã thực hiện một chiến dịch vượt sông quy mô lớn, tiến về phía bờ đông con sông Dnieper và rút một phần lực lượng được triển khai ở phía Nam Ukraine.

Ngoài ra, Nga cũng có sự điều chỉnh các hoạt động chiến đấu tại Donbass. Thay vì cơ động hơn trên chiến trường, các lực lượng Nga đã áp dụng chiến thuật làm tiêu hao sinh lực của đối phương bằng cách liên tiếp tiến hành cuộc tấn công bằng pháo binh và sử dụng máy bay không người lái thả chất nổ vào cứ điểm của Ukraine. Điều này khiến Nga đạt được rất ít bước tiến trên chiến trường nhưng đổi lại, họ sẽ bảo toàn được lực lượng và các tuyến hậu cần.

Thứ hai, sự kết hợp giữa quân đội chính quy và lực lượng quân sự tư nhân cũng đóng vai trò rất quan trọng. Lực lượng Wagner đã sát cánh cùng quân đội chính quy Nga trong nhiều chiến dịch giành quyền kiểm soát nhiều thành phố ở Ukraine, đặc biệt là ở Bakhmut – nơi giao tranh diễn ra dữ dội suốt nhiều tháng qua. Dưới sự yểm trợ của pháo binh Nga, lực lượng Wagner đã kiểm soát phần lớn thành phố này.

Các đơn vị Wagner là nguồn bổ sung kịp thời để quân đội Nga tiếp tục tiến công không chỉ ở Bakhmut, mà còn các mặt trận khác tại Donbass. Điều này đặc biệt quan trọng khi quân đội Nga bị tổn thất đáng kể sau thời gian dài chiến đấu và buộc phải lui về phòng thủ tại một số khu vực quan trọng.

Một ví dụ khác cho thấy sự điều chỉnh về chiến thuật là việc Nga thành lập các đội xung kích để thâm nhập vào cứ điểm của Ukraine. Chiến thuật này từng được sử dụng trong Thế chiến thứ nhất. Theo đó, các đội xung kích có nhiệm vụ nhanh chóng di chuyển vào sân sau của đối phương, phá hủy các khu dự trữ, hậu cần, pháo binh và sở chỉ huy của đối phương.

Nga cũng đã cải tiến cách thức hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất. Để tránh mạng lưới phòng không và tên lửa của Ukraine, Nga đã điều chỉnh chiến thuật trên không với việc sử dụng vũ khí tầm xa hơn. Vào tháng 3/2023, một số nguồn tin tiết lộ, Nga đã lần đầu tiên sử dụng bom lượn UPAB-1500B nặng 1,5 tấn, có tầm hoạt động lên tới 40km trong chiến đấu. Điều này không chỉ làm tăng khả năng sống sót của máy bay mang bom mà còn khiến hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn.

Chưa kể, các lực lượng Nga đã điều chỉnh chiến thuật phòng thủ. Moscow đã xây dựng các công sự, mạng lưới chiến hào dày đặc, lập rào chắc chống tăng, gia cố các bãi mìn và lắp đặt thêm nhiều chướng ngại vật và mở rộng khu vực phòng thủ ở phía Đông và phía Nam Ukraine, gây ra thách thức đáng kể đối với các cuộc tấn công của Ukraine./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại