Rừng Amazon có diện tích khoảng 56,7 triệu ha, trải rộng qua chín quốc gia Nam Mỹ. Con sông Amazon hùng vĩ chảy xuyên qua trung tâm khu rừng, đổ 14,2 tỷ mét khối nước vào Đại Tây Dương mỗi ngày.
Các cánh rừng nhiệt đới đã xuất hiện ở khu vực này từ hơn 10 triệu năm trước. Ngày nay, rừng Amazon bao gồm nhiều hệ sinh thái khác nhau, là nhà của khoảng 10% số loài động vật trên hành tinh.
Rừng Amazon đang bị tàn phá mỗi ngày. Tốc độ chặt phá rừng trung bình hàng năm từ 2000 tới 2005 (22.392 km²/năm) cao hơn 18% so với 5 năm trước đó (19.018 km²/năm).
Thảm thực vật của rừng Amazon có thể sẽ biến mất.
Khoảng 17% diện tích rừng đã mất trong vòng 50 năm trở lại đây, chủ yếu do biến đổi đất rừng thành bãi chăn thả gia súc. Với tốc độ hiện tại, Rừng Amazon có thể sẽ biến mất hoàn toàn chỉ sau vài thập niên nữa.
Rừng góp phần quan trọng vào vòng tuần hoàn nước. Hơi nước giải phóng từ lá cây, bốc lên khí quyển rồi tạo thành mây và gây mưa.
Nếu thảm thực vật bị phá hủy, nghĩa là khu vực xung quanh rừng mưa Amazon, mà hoạt động kinh tế ở đây phụ thuộc 70% vào nguồn nước từ rừng Amazon, sẽ bị khô hạn.
Năm 2005, một số phần của lưu vực Amazon đã trải qua thời kỳ khô hạn tệ hại nhất trong vòng 100 năm. Theo WWF, sự kết hợp của biến đổi khí hậu và chặt phá rừng làm tăng hiệu ứng khô đi của các cây đã chết và làm tăng các vụ cháy rừng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton cũng phát hiện ra sự thu nhỏ diện tích rừng nhiệt đới, khiến lượng mưa giảm đáng kể ở ven biển Tây Bắc của Bắc Mỹ, và tuyết rơi ít hơn ở vùng núi Sierra Nevada.
Điều này đồng nghĩa với việc giảm lượng nước cho hoạt động sinh hoạt và nông nghiệp ở các khu vực này.
Rừng Amazon là "lá phổi xanh" của Trái Đất. Rừng mưa biến mất sẽ làm tăng lượng khí cacbonic thải ra khí quyển, sẽ có ít khí oxi được tạo ra hơn. Ít cây hơn đồng nghĩa với sự ấm lên toàn cầu diễn ra nhanh chóng hơn.
Rừng Amazon là môi trường sống cho rất nhiều sinh vật.
Cùng với sự giải phóng cacbon, các nhà môi trường e ngại về sự mất đi tính đa dạng sinh học từ việc phá hủy rừng. Rừng Amazon là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất của loài người.
Gần đây, Tạp chí Báo cáo khoa học của Mỹ cho biết phải cần tới hơn 300 năm nữa mới có thể thống kê và kiểm chứng đầy đủ và chính xác toàn bộ các loài thực vật trong rừng Amazon.
Nếu rừng Amazon biến mất, kéo theo sự diệt chủng của rất nhiều loài động, thực vật. Điều này sẽ làm thế giới mất đi nguồn gien quan trọng, tác động mạnh mẽ đến chuỗi thức ăn, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực thế giới.
Chưa kể đến sự tàn phá rừng làm thu hẹp địa bàn sinh sống của các cộng đồng người bản xứ trong khu vực rừng Amazon.
Sự biến mất của các tộc người này làm giảm sự đa dạng văn hóa, một phần lịch sử quan trọng của nhân loại.
Tác động môi trường chưa là hết, nếu rừng nhiệt đới biến mất sẽ lập tức ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Ví dụ, rừng Amazon hiện đang cung cấp 25% loại thực vật dùng trong y học hiện đại.