Hôm 25/3 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn "ngay lập tức" trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Đây là lần đầu tiên hội đồng Bảo an thông qua được nghị quyết này kể từ khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát, do sự bất đồng quan điểm trước đó của các thành viên thường trực.
Dự thảo nghị quyết do 10 nước Uỷ viên không thường trực đề xuất và nhận được 14/15 phiếu thuận. Mỹ là thành viên duy nhất bỏ phiếu trắng.
Xung đột ở Gaza có thể vẫn tiếp diễn
Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt và ủy quyền cho lực lượng quân sự duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế ở mọi vùng chiến sự. Để thực thi hành động đó, cần phải thông qua một nghị quyết có sự đồng thuận của ít nhất 9 thành viên và không có sự phủ quyết nào đến từ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp hoặc Anh.
Do vậy, phiếu trắng của Mỹ không ảnh hưởng đến quyết định chung của hội đồng.
Tuy nhiên, ít có khả năng nghị quyết này được thực hiện khi cả Israel và Hamas không chịu ngừng bắn. Hội đồng cũng khó lòng đem quân vào Gaza trước bối cảnh chiến sự đang ở giai đoạn căng thẳng và các con tin bị giam giữ trong đường hầm bên dưới lòng đất, khiến nhiều cuộc giải cứu trước đó “đi vào ngõ cụt”.
Ông Richard Gowan, chuyên gia cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của Liên Hợp Quốc, cho biết: “Trên thực tế, nhiều nghị quyết của hội đồng không được thực hiện dù đã được thông qua. Các bên tham chiến phớt lờ hoặc chỉ nói suông về việc ngừng bắn”.
Theo con số thống kê mới nhất của Liên Hợp Quốc, có hơn 32.000 người thiệt mạng trong gần 6 tháng giao tranh. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng trầm trọng. Khoảng 1,1 triệu người dân tại khu vực này đang phải đối mặt với nạn đói trong khi nguồn viện trợ lương thực trở nên khan hiếm.
Các quốc gia thành viên mất đoàn kết
Trong cuộc họp hôm 25/3, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng nghị quyết kêu gọi ngừng bắn và thả tự do cho các con tin của Liên Hợp Quốc “không có tính ràng buộc”. Bà Thomas-Greenfield ủng hộ “một số mục tiêu quan trọng” trong nghị quyết, nhưng không đồng ý hoàn toàn.
Phát ngôn này của Mỹ đã nhận được sự phản đối dữ dội từ các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an, các quốc gia và nhóm nhân quyền của Liên hợp quốc; đồng thời làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu Washington có đang thực sự nỗ lực giải quyết khủng hoảng toàn cầu tại Liên Hợp Quốc hay không.
Nhiều quốc gia đã viện dẫn Điều 26 trong Hiến chương Liên Hợp Quốc để phản bác lại Mỹ. Theo đó, các thành viên Liên hợp quốc đồng ý chấp nhận và đồng ý thực thi các quyết định của Hội đồng Bảo an", khẳng định tính ràng buộc của nghị quyết này.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho rằng với phát ngôn này, phải chăng Mỹ đang cho rằng bản thân “không còn bị ràng buộc bởi các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc?".
“Nếu đúng như vậy thì các cuộc thảo luận của chúng tôi tại phòng này chẳng có ý nghĩa gì cả. Một trong những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an về cơ bản đã tuyên bố công khai rằng họ không chấp nhận điều lệ của tổ chức chúng tôi”, ông Nebenzia nói.
Theo ông Louis Charbonneau, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, quan điểm của Mỹ "có nguy cơ khiến các quốc gia thành viên khác ít có khả năng tuân thủ bộ luật chung hơn", khởi đầu cho sự rạn nứt bên trong tổ chức quốc tế này.
Quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Israel trở nên căng thẳng
Mối quan hệ đồng minh Mỹ-Israel đã chạm đáy sau lá phiếu trắng của Washington hôm 25/3. Israel tuyên quyết định bỏ phiếu trắng là một "sự thay đổi rõ ràng quan điểm nhất quán của Mỹ" kể từ khi chiến sự bùng phát từ hồi 7/10 năm ngoái.
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng động thái của Mỹ đã “làm tổn hại đến nỗ lực chiến đấu và nỗ lực giải phóng con tin của quân đội Israel, vì nó mang lại cho Hamas hy vọng rằng áp lực quốc tế sẽ dẫn tới việc ngừng bắn”. Thủ tướng Israel sau đó cũng hủy chuyến thăm tới Washington, tỏ rõ sự không hài lòng đối với Mỹ.
Nhà Trắng bày tỏ sự thất vọng trước quyết định này của Israel và nhanh chóng tổ chức cuộc gặp mặt giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Israel Yoav Gallant để xoa dịu tình hình và tiếp tục thảo luận về các vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở Gaza.
Trong những tháng qua, Mỹ và Israel đã nhiều lần thể hiện sự bất đồng trong việc giải quyết xung đột Israel-Hamas. Ví dụ, hôm 24/3, ông Netanyahu nhấn mạnh rằng Israel sẽ tấn công Rafah ngay cả khi họ phải làm như vậy mà không có sự trợ giúp của Mỹ.
"Điều đó sẽ xảy ra ngay cả khi Israel buộc phải chiến đấu một mình. Ngay cả khi cả thế giới, trong đó có Mỹ, quay lưng với Israel, chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến khi chiến thắng", ông Netanyahu nói.
Lá phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc có khả năng làm sâu sắc hơn sự bất đồng giữa hai quốc gia. Khả năng đánh mất đồng minh lâu năm tại khu vực Trung Đông sẽ là tổn thất lớn đối với Mỹ và chính quyền ông Biden trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt khi cuộc tổng tuyển cử tháng 11 đang đến gần và cử tri Mỹ đang bất bình trước thái độ của Nhà Trắng với cuộc chiến tại Gaza.