Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc này bạn đến sống tại "Vùng đất chết" Chernobyl?

J.D |

Vùng đất nơi xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất lịch sử giờ ra sao? Liệu có sống được ở đó không?

Nơi khai sinh "vùng đất chết"

26/4/1986, lò phản ứng số 4 tại nhà máy năng lượng Chernobyl đột nhiên phát nổ, để rồi gây ra sự kiện được đánh giá là "thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất lịch sử loài người".

Vụ nổ đẩy vào không trung một cột bụi toàn độc tố phóng xạ, lan tỏa ra nhiều khu vực xung quanh, hướng về Belarus và một số khu vực thuộc Anh Quốc. 

Ước tính, hơn 116.000 người đã phải di tản gần như ngay lập tức, và tổng cộng 250.000 người tại các khu vực xung quanh cũng phải dời đi. Toàn bộ 30km xung quanh nhà máy Chernobyl sau đó bị cách ly, trở thành "vùng đất chết".

Các tài liệu lịch sử cho thấy 31 công nhân đến thu dọn tàn tích của thảm họa đã chết vì nhiễm phóng xạ. 

Theo số liệu từ WHO, ít nhất 4000 người đã chết vì tác động của phóng xạ trong những năm kế tiếp, và đó chỉ là những con số ước tính mà thôi.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc này bạn đến sống tại Vùng đất chết Chernobyl? - Ảnh 1.

Gọi Chernobyl là thảm họa phóng xạ nghiêm trọng nhất lịch sử không chỉ vì hậu quả nó gây ra, mà còn đến từ những con số khoa học. 

Theo WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), lượng phóng xạ trong thảm họa này lớn gấp 400 lần quả bom nguyên tử Little Boy mà Mỹ từng thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) trong Thế chiến II.

"Phơi nhiễm phóng xạ, da ửng đỏ, bỏng rát là những gì đã xảy ra, nhưng không hề được nhắc đến." - trích lời Oleksiy Breus, một vị kỹ sư có mặt tại hiện trường chỉ vài giờ sau khi thảm họa xảy ra.

"Khi kết thúc ca làm việc, da của tôi chuyển sang màu nâu, giống như bị rám nắng toàn thân vậy. Những phần không được che phủ bằng quần áo bảo hộ - mặt, cổ, bàn tay... thì có màu đỏ,"

Vùng đất chết trở thành địa điểm du lịch hút khách, nhưng có nguy hiểm gì không?

Nhưng đó là chuyện xảy ra từ 33 năm trước. Còn ở thời điểm hiện tại, Chernobyl bỗng dưng trở thành một địa điểm rất thu hút khách tham quan. 

Hành khách hiếu kỳ và những hot Instagramer đã đến đây để được chứng kiến vẻ đẹp của một sự kiện lịch sử bi thảm, kỳ bí và cực kỳ phù hợp để... chụp ảnh. 

Có ít nhất 2 khách sạn cũ tại đây để khách tham quan nghỉ chân một cách khá thoải mái, trong khi chính phủ Ukraine cũng bắt đầu lên kế hoạch biến Chernobyl thành một địa điểm du lịch tiềm tiềm năng.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc này bạn đến sống tại Vùng đất chết Chernobyl? - Ảnh 2.

Vậy chuyên gì sẽ xảy ra với những người ghé thăm "vùng đất chết" này? Thực ra sẽ không có hậu quả xấu nào xảy ra ngay lập tức với sức khỏe của khách tham quan - theo Jim Smith, giáo sư môi trường từ ĐH Portsmouth. 

Dù một số địa điểm vẫn còn biển cách ly (như khu rừng Đỏ và chính bản thân nhà máy), thì phần lớn các khu vực cũng không còn nhiều phóng xạ, với nồng độ chỉ bằng mức tự nhiên mà thôi.

"Trong tự nhiên cũng có phóng xạ, và nồng độ khác nhau trên toàn thế giới. Nếu bạn sống ở các vùng vĩ độ cao, bạn sẽ dễ phải nhận bức xạ từ vũ trụ hơn." - Smith cho biết.

"Tại Chernobyl, hầu hết các khu vực xung quanh có nồng độ phóng xạ tương đương với nhiều khu vực bình thường khác trên thế giới."

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc này bạn đến sống tại Vùng đất chết Chernobyl? - Ảnh 3.

Cụ thể hơn, chúng ta sẽ cùng đến với một số tính toán do BBC công bố. Vào năm 1986, những người đầu tiên đến thu dọn hiện trường vụ nổ đã phải chịu đựng luồng phóng xạ có nồng độ lên khoảng 160.000 - 800.000 microsievert (µSv). 

Đây là con số cực cao, đủ để gây phản ứng nhiễm độc ngay tức thì như nôn mửa, xuất huyết nội, và khiến nạn nhân tử vong sau vài tuần.

Còn ở thời điểm hiện tại, nồng độ chỉ còn khoảng 1.000 µSv, thậm chí còn thấp hơn lượng phóng xạ bạn phải nhận khi đi chụp X-quang (nồng độ khoảng 10.000 µSv).

Tuy nhiên, không phải khu vực nào ở Chernobyl cũng như vậy. Có rất nhiều điểm nóng vẫn đang sở hữu nồng độ phóng xạ cực cao. Chẳng hạn nếu tới sống ở khu Rừng Đỏ (Red Forest), bạn sẽ hứng chịu một luồng phóng xạ tích tụ khoảng 350,000 µSv mỗi năm.

"Con số này không đủ để gây chết người luôn. Nhưng nếu bạn sống tại đó, lượng phóng xạ này có thể gây ra ung thư qua thời gian." - Smith cho biết. 

Ông cũng dự đoán rằng phải mất ít nhất 300 năm, nồng độ phóng xạ tại đây mới trở lại bình thường.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lúc này bạn đến sống tại Vùng đất chết Chernobyl? - Ảnh 4.

Ngoài ra, vấn đề không chỉ nằm ở nồng độ, mà còn là loại phóng xạ nào đang ở đó. Thời điểm vụ nổ diễn ra, có hơn 100 loại vật liệu phóng xạ bị thổi vào không khí, nhưng may mắn là phần lớn có tốc độ phân hủy rất nhanh.

Chẳng hạn như Iodine-131 là một trong những chất độc hại bậc nhất, có thể gây ung thư tuyến giáp, nhưng đổi lại thì chu kỳ bán rã chỉ trong vòng 8 ngày.

Hầu hết các trường hợp mắc ung thư tuyến giáp có liên quan đến Chernobyl (khoảng 5000 trường hợp) đều tiếp xúc với Iodine-131 nồng độ cao. 

Nó ngấm xuống nước, lọt vào chuỗi thức ăn, đầu độc đất trồng và khiến các sinh vật xung quanh yếu đi nhanh chóng.

Tuy Iodine-131 đã biến mất hoàn toàn, nhưng một số loại vật liệu phóng xạ khác như strontium-90 và cesium-137 có chu kỳ bán rã lên tới 30 năm. 

Hay nói cách khác sau 33 năm kể từ ngày thảm họa xảy ra, các loại phóng xạ này vẫn còn rất nhiều tại Chernobyl.

Đặc biệt nhất có thể kể đến đồng vị Plutonium-239, với chu ky bán rã lên tới 24.000 năm. May mắn là theo Smith, loại phóng xạ này ít có khả năng xâm nhập vào cơ thể sinh vật sống.

Tóm lại, nếu như bạn muốn đến sống tại "vùng đất chết" Chernobyl ở thời điểm hiện tại, nhiều khả năng sẽ chẳng có chuyện gì xấu xảy ra.

Mà trên thực tế cũng đã có người sống ở đây rồi. Theo số liệu thống kê vào năm 2000, có khoảng 200 người vẫn đang sinh sống ngay trong khu vực bị cách ly trước kia mà chẳng sao cả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại