Có dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản thổ cư đang khá sôi động, đó là lượng giao dịch trong tháng Ngâu (tháng 7 Âm lịch) đạt 3.300 giao dịch, chỉ giảm nhẹ so với các tháng trước - theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing. Điều này đi ngược với thực trạng chung “điểm rơi" của thị trường, thường vào tháng Ngâu hàng năm.
Theo phân tích của các chuyên gia, một trong những lý do của việc này là sự thay đổi trong quan niệm tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, tháng Ngâu năm nay trùng với thời điểm Luật bất động sản bắt đầu có hiệu lực, những quy định mới về việc chuyển nhượng, khung giá đất theo giá thị trường, quy định hạn chế tách thửa, tách sổ… phần nào ảnh hướng tới tâm lý khách hàng về việc giá đất có thể tăng trong thời gian tới nên khách hàng ra quyết định nhanh hơn.
Thêm vào đó, những cuộc đấu giá đất ở vùng ven cũng diễn ra vào tháng 7 âm, kéo theo nhiều thông tin về việc tăng giá, cũng đã tác động không nhỏ tới tâm lý khách mua.
Trong sự sôi động chung của thị trường thì loại hình nhà trong ngõ với phân khúc giá 3-4 tỷ đồng tại nội thành lại rất khan hiếm, thậm chí đang dần biến mất khi mức giá đất trung bình đã trên 100 triệu đồng/m2.
Báo cáo của Onehousing cho biết, trong những tháng gần đây, để tìm kiếm một căn nhà khoảng 3-4 tỷ đồng ở nội thành Hà Nội không dễ, thậm chí khan hiếm. Với một căn nhà ngõ vừa phải, xe máy tránh nhau, công năng vừa đủ ở có diện tích từ 30m2, 2 - 3 phòng ngủ, nếu tính riêng giá đất đã khoảng hơn 100 triệu đồng/m2, cộng thêm chi phí xây dựng giá giao dịch sẽ trên 4 tỷ đồng.
Vì thế, những căn nhà khoảng 3-4 tỷ nếu có rao bán thì hoặc là lỗi về mặt phong thủy (thóp hậu, đường đâm); nhà trên đất đã cũ, chủ nhà chỉ xác định bán đất; hoặc là ngõ rất sâu, ngõ vào đến nhà nhỏ…
Trong khi đó, ở ngoại thành, các căn nhà trong ngõ đang giao dịch mức giá khoảng 70-80 triệu đồng/m2, thậm chí có những căn lô góc, lô đẹp, giá sẽ khoảng hơn 100 triệu đồng/m2.
Cũng theo dữ liệu của OneHousing, xét về khu vực, khu Đông và Tây đang là tâm điểm của thị trường BĐS Hà Nội, với giao dịch thổ cư tại hai khu này chiếm tới 66% thị trường Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2024.
Chỉ tính riêng tháng 8, khu Tây (Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông) dẫn đầu thị trường khi có khoảng 1.200 giao dịch (chiếm 36% thị phần), tiếp sau là khu (Gia Lâm, Long Biên) với khoảng 1.100 giao dịch (33% thị phần).
Sở dĩ giao dịch khu Tây sôi động giao dịch thổ cư nhờ thu hút lượng lao động và việc làm gần tương đương với các quận nội thành, khiến cho nhiều người lựa chọn mua nhà ở đây để thuận tiện trong việc đi làm. Trong khi đó, khu Đông ngày càng được lựa chọn nhiều hơn nhờ hạ tầng phát triển và các điều kiện sống tốt hơn.
Theo dự báo từ Trung tâm này, 6 tháng cuối năm 2024, thị trường thổ cư dự kiến ghi nhận khoảng 23.000 giao dịch, vẫn tập trung chủ yếu tại khu Đông và khu Tây.
Các chuyên gia cho rằng, theo tình hình chung của thị trường nhà thổ cư cũng có phần tăng giá, nhưng không có dấu hiệu tăng nóng trong một vài tháng mà tăng đều đặn và ổn định hơn.
Với nhà thổ cư, việc dừng mua không tác động tới việc chủ nhà sẽ giảm giá, chủ nhà chỉ giảm giá khi họ đang rất cần tiền để đầu tư cho một việc khác.