Rao một đằng, dạy một nẻo
Sáng 17/1, hàng trăm học viên đang theo học bằng lái xe ô tô hạng B2, hạng C có mặt tại Văn phòng tuyển sinh của Trung tâm Dạy nghề, đào tạo và thi sát hạch lái xe ở số 263 Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột kêu cứu.
Theo các học viên phản ánh, sau một thời gian đóng tiền, theo học tại đây, đến ngày thi thì trung tâm này đã tìm cách khất nhiều lần không tổ chức. Trung tâm đã đóng cửa, người quản lý có dấu hiệu ôm tiền bỏ trốn.
Trước đó, đầu tháng 9/2018, trên mạng xã hội Facebook đăng tải với nội dung: “Trường dạy lái xe ô tô uy tín, giá rẻ nhất Đắk Lắk” cùng những lời mời chào “có cánh” như: Khuyến mãi, giảm học phí chỉ duy nhất khoá cuối năm với học phí lấy bằng B2 chỉ từ 6 đến 8 triệu, bằng C chỉ từ 8 đến 10 triệu; cam kết học phí trọn gói không phát sinh đến khi lấy bằng; học viên có thể đóng học phí nhiều lần trong khoá học; có xe đời mới cho học viên tập lái; giáo viên dạy nhiệt tình và đặc biệt học viên theo học tại đây sẽ được “bao đậu” 100%…
Ngoài ra, để tạo lòng tin cho các học viên, tại trụ sở của trung tâm còn mạo danh treo bảng hiệu mang tên “Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Đại học PCCC - Bộ Công an”. Tin tưởng hàng trăm học viên đã đến đóng tiền để theo học.
Anh Hồ Viết Nam (28 tuổi, ở TP. Buôn Ma Thuột) có nhu cầu đi học bằng lái xe hạng C để kiếm việc làm. Đầu tháng 9/2018 anh đã đóng hơn 6 triệu đồng để theo học tại trung tâm này. “Sau khi đóng tiền, các học viên vào học thực tế không như những lời mời chào.
Đi học lý thuyết chỉ được 2 tiếng đồng hồ, học thực hành thì không có xe… Nhiều hôm bị học viên phản ánh, trung tâm đã cho 8 người học chung một xe. Chỉ vì mình tin tưởng vào lời rao đây là trường của Bộ Công an nên mới ra nông nỗi này”, anh Nam nói.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc không có đủ điều kiện cơ sở vật chất, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học mà trung tâm còn tìm cách lừa dối học viên trong việc thi sát hạch lấy bằng.
Anh Nguyễn Văn Lam (32 tuổi, ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), là một trong những học viên theo học khoá đầu tiên của trung tâm. “Sau gần 3 tháng theo học, đến đầu tháng 1/2019, trung tâm thông báo lịch thi sát hạch để cấp bằng.
Theo thông báo thì học viên sẽ được thi tại một trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, nhưng sau đó trung tâm báo các học viên sẽ sang tỉnh Gia Lai để thi, rồi lại bảo ra Hà Nội thi”, anh Lam cho hay.
Theo anh Lam, trung tâm hứa sẽ mua vé máy bay khứ hồi cho học viên ra Hà Nội thi, học viên không phải đóng thêm bất kỳ một khoản chi phí nào. “Ngày 9/1 vừa qua, gần 20 học viên theo học khoá đầu được trung tâm mua vé máy bay ra Hà Nội thi.
Khi ra đến Hà Nội, trung tâm lại thông báo các học viên phải xuống tận trường Đại học PCCC - Bộ Công an đóng tại tỉnh Hoà Bình thi. Sau khi thi xong, các học viên đều phải tự mua vé máy bay quay về TP Buôn Ma Thuột.
Khi được mọi người phản ánh thì trung tâm hứa sẽ trả lại số tiền này nhưng đến nay, người của trung tâm đã đóng cửa bỏ trốn”, anh Lam cho biết.
Mạo danh để lừa đảo?
Chiều 17/1, ông Phan Trọng Tùng - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Tháng 11/2018, Sở nhận được thông tin phản ánh có một trung tâm dạy lái xe mở địa điểm ghi danh tại số 263 Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột (có website: www.truongdaylaixeuytin.vn) có dấu hiệu mạo danh thuộc trường Đại học PCCC - Bộ Công an.
Trên website của trung tâm này ghi trung tâm trực thuộc trường Đại học PCCC, có văn phòng tuyển sinh đặt tại thị xã An Khê, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) và TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
Ngay sau đó, Sở đã gửi công văn cho trường Đại học PCCC để phối hợp xác minh thông tin về trung tâm này.
“Nhưng theo công văn trả lời ngày 21/11/2018 của Trung tâm Dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe - trường Đại học PCCC, Trung tâm chưa đăng kí bất kỳ website nào trên hệ thống truyền thông cả nước, không có trang website: www.truongdaylaixeuytin.vn và có đăng kí văn phòng hoạt động ghi danh tại số 263 Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột.
Vì có yếu tố mạo danh, Trung tâm đề nghị Sở phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện chúng tôi đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH TP Buôn Ma Thuột kiểm tra, xử lý và phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra, xử lý vì có yếu tố hình sự mạo danh”, ông Tùng cho hay.
Cũng theo ông Tùng, khi cán bộ Phòng LĐ-TB&XH TP. Buôn Ma Thuột đến trung tâm này kiểm tra thì chỉ gặp được nhân viên chứ không gặp được quản lý. Nhân viên trung tâm này cũng không hợp tác làm việc.
Vì vụ việc có yếu tố hình sự nên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk chưa thể xử lý về mặt hành chính, phải đợi kết quả điều tra từ Công an tỉnh Đắk Lắk.
Từ đầu tháng 9/2018 đến nay, trung tâm dạy lái xe ở 263 Phan Chu Trinh đã có 3 đợt tuyển sinh với hơn 400 học viên đã nộp tiền theo học.
Mỗi học viên theo học trung bình đóng số tiền từ 6 đến 8 triệu đồng. Như vậy, trung tâm này đã thu số tiền của hơn 400 học viên có thể lên tới gần 3 tỷ đồng.
Để tìm hiểu, ngày 17/1, PV đã nhiều lần tìm cách liên lạc với các số điện thoại ghi trên bảng hiệu thì tất cả số máy này đều nằm “ngoài vùng phủ sóng” hoặc không liên lạc được. Hiện văn phòng trung tâm tại số 263 Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột thì trong tình trạng “cửa đóng, then cài”.
Không đăng kí hoạt động Ông Phan Trọng Tùng - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Hiện văn phòng Trung tâm dạy nghề, đào tạo và thi sát hạch lái xe tại số 263 Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột chưa hề có đăng kí, hay thông báo hoạt động với Sở. Sau khi kiểm tra tại cơ sở này, Phòng LĐ-TB&XH TP.
Buôn Ma Thuột cũng đã có báo cáo văn phòng trung tâm này hoạt động tuyển sinh dạy lái xe công khai và không hợp tác cung cấp thông tin có liên quan đến hoạt động của đơn vị. Phòng cũng đã đề nghị sở xử lý hành vi vi phạm hành chính trong việc không đăng kí hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trong lúc đó, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cũng xác nhận chưa hề nhận được thông báo đăng kí hoạt động dạy nghề lái xe theo quy định.