Hàng trăm cây số về phía bắc của thủ đô Kinshasa của Cộng hòa Dân chủ Congo là ngôi làng nhỏ Gemena. Hầu hết người dân nơi đây kiếm sống từ nông nghiệp hoặc ngư nghiệp, số ít khác thì làm mộc hoặc buôn bán nhỏ.
Tuy nghèo, nhưng những gia đình nhỏ vẫn luôn ấm cúng, có cha, có mẹ, có con. Thế nhưng gần bốn năm nay, gia đình anh Abdula Libenge có rất ít niềm vui.
Abdula Libenge là một thợ may 34 tuổi và là một trong bốn người cha trong vùng đã gửi con mình đến Kinshasa để tham gia cắm trại nhân dịp lễ vào tháng 5/2015.
Đau lòng thay, con anh đã không bao giờ trở về. Không có bất kỳ đại diện pháp lý hay sự hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương, điều duy nhất họ có thể làm là chờ đợi và cầu nguyện.
Libenge cầm trên tay tấm ảnh của con gái mất tích cách đây bốn năm.
Những tia hy vọng đầu tiên
Khoảng hai năm sau khi con gái mất tích, Libenge mới có manh mối đầu tiên khi hai phóng viên người Bỉ bất ngờ ghé thăm.
Hai vị ủy viên công tố Kurt Wertelaers và Benoit de Freine dường như đã nhận thấy nhiều điều bất thường từ một trại trẻ mồ côi tại Bỉ, và quyết định đi tìm chân tướng.
Những manh mối đã đưa họ từ Brussels đến tiệm may của Abdula Libenge ở làng Gemena.
Người thợ may đưa hai vị khách vào nhà, lục tìm một vài tấm ảnh của con gái, ngậm ngùi kể lại: "Tấm này chụp vào hôm con bé đi Kinshasa…
Con bé vui ơi là vui. Chúng tôi không bao giờ có cơ hội đến Kinshasa, vì không đủ tiền mua vé máy bay. Nhưng con bé đã có cơ hội, nó khiến chúng tôi tự hào."
Libenge lấy ra thêm một chiếc giày ba-lê trắng tinh, nhỏ xíu rồi tiếp tục nghẹn lời: "Giờ tất cả những gì chúng tôi còn lại chỉ là một tấm ảnh và một chiếc giày."
Tại một ngôi nhà khác trong làng, Suriya Moyumbe đã chờ đợi suốt nhiều năm ròng trong nước mắt. Chị nắm chặt bức ảnh của cô con gái vừa mới tập tễnh biết đi đã phải xa mẹ. Thậm chí con bé còn chưa biết nói.
Chị rơi nước mắt nhớ về con gái và lời trách móc từ gia đình: "Nhà chồng đổ lỗi cho tôi vì đã cho con bé tham gia kỳ cắm trại đó. Đáng lẽ tôi không nên cho con đi. Nhưng lúc đó chúng tôi chỉ nghĩ đó là một cơ hội tốt."
Suriya Moyumbe - một bà mẹ mất con khác ở Gemena - cầm trên tay bức ảnh và chiếc áo của đứa con gái mất tích khi chỉ mới biết đi.
Có được bằng chứng và ADN trong tay, không quá khó khăn để Wertelaers và De Freine trở lại Brussels, nhằm cáo buộc trại trẻ mồ côi Tumaini ở Kinshasa về hành vi bắt cóc và buôn bán trẻ em.
Trại trẻ bị đóng cửa, người đứng đầu trại trẻ - luật sư Julienne Mpemba - hiện đang bị quản thúc và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, có khả năng bà chỉ bị truy tố ở Bỉ và được miễn truy tố tại Congo, trong khi những người có liên quan khác bị truy tố ở cả hai quốc gia.
Và trên hết, nỗ lực của Wertelaers và De Freine chỉ giúp những gia đình mất con ở làng Gemena có được tia hy vọng đầu tiên chứ chưa thể đảm bảo con cái họ sẽ được trở về.
Những cú "tát vào mặt" các gia đình nhận nuôi trẻ
Tuy kẻ phạm tội sẽ phải trả giá, nhưng nỗi đau không chỉ dừng lại ở các gia đình mất con, mà còn ở những người nhận con nuôi.
Tin tức ở Bỉ đã làm xáo trộn các gia đình. Họ đã mong mỏi có một đứa con. Thế nhưng niềm vui đó không kéo dài quá lâu.
Wertelaers và De Freine, hai phóng viên tìm ra chân tướng của những kẻ bắt cóc và buôn bán trẻ em.
Mọi thứ dường như đúng với những gì họ lo sợ. Nhiều cha mẹ nuôi tâm sự: "Khi nhận nuôi một đứa trẻ Congo, tôi đã rất lo lắng, tuy nhiên trại trẻ luôn khẳng định và trấn an với chúng tôi rằng mọi thứ đều hợp pháp."
"Khi nghe được tin tức, tôi có cảm giác như vừa bị tát vào mặt. Đây là điều tôi luôn muốn tránh. Thế mà bây giờ con tôi lại là một đứa trẻ bị bắt cóc."
Một bà mẹ khác cũng chia sẻ rằng trại trẻ thường lờ đi mỗi khi chị lên tiếng nghi ngại.
Cho tới một ngày, chị đau lòng nghe đứa con gái nuôi kể chuyện về gia đình thật sự của con bé, sau khi nó học được chút ít tiếng Pháp để giao tiếp. "Có hôm con bé còn bảo rằng "mẹ không phải là mẹ con".
Tôi đã lập tức hỏi trại trẻ này nhưng họ hoàn toàn phủ nhận. Tôi nghĩ rằng chắc con bé đang nhắc đến người mẹ nuôi trước khi con bé đến trại trẻ," - chị kể.
Khi mọi chuyện vỡ lở ở Bỉ, có bốn đứa trẻ Congo liên quan đến vụ việc, các gia đình nhận nuôi hơn 15 đứa trẻ tại trại trẻ này cũng đang lo lắng chờ kết quả xét nghiệm DNA.
"Những câu chuyện tương tự như việc trẻ em Congo bị bắt cóc và bán sang Bỉ không phải hiếm gặp," - chuyên gia bảo vệ trẻ em Nigel Cantwell cho biết.
Việc nhận nuôi trẻ em thuộc các quốc gia không tham gia Công ước Hague về việc nhận nuôi trẻ em quốc tế như Congo, Haiti, Guatemala, Việt Nam, Campuchia… luôn đem lại nhiều rủi ro.
Đó không chỉ là nỗi đau của các gia đình mất con, của những đứa trẻ bị bắt cóc, mà còn là nỗi đau của những cặp vợ chồng mong muốn được tận hưởng niềm vui làm cha mẹ, nhưng lại bị lợi dụng để trục lợi cho những kẻ buôn người, những kẻ "làm tiền" từ các trại trẻ mồ côi.
Nhiều em nhỏ tại các trại trẻ mồ côi có khả năng là nạn nhân của các vụ bắt cóc và buôn bán trẻ em.
Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ bị bắt cóc và các gia đình nhận nuôi?
Tòa án Bỉ sẽ sớm đưa ra phán quyết với những đứa trẻ này tùy vào từng trường hợp. Các gia đình dường như đang phải chịu áp lực lớn và đi vào bế tác khi chờ đợi quyết định từ tòa án.
Bàn luận về những yếu tố có thể ảnh hưởng đến phán quyết, ông Cantwell cho rằng tòa án và gia đình cần "dựa vào suy nghĩ của trẻ để đưa ra quyết định.
Chúng ta không thể cứ bắt con trẻ phải làm theo những gì chúng ta cho là tốt đối với con mà không quan tâm đến suy nghĩ của chúng."
"Mọi thứ sẽ rất khó khăn đối các gia đình trong thời gian tới. Cha mẹ nuôi cần phải chuẩn bị sẵn tâm lý," - ông Georges-Henri Beauthier, người đang giúp đỡ các gia đình liên quan trong vụ việc trên cũng lên tiếng.
Ông đau lòng kể thậm chí có người còn phản ứng bằng cách phủ nhận sự việc và đau khổ hét lên "Không, không. Đây là con tôi. Tôi không để nó đi đâu hết."
Một người cha nuôi khác cũng tỏ ra bế tắc, nghẹn ngào chia sẻ: "Chúng tôi luôn tự hỏi điều gì là tốt nhất cho con. Và chúng tôi không có câu trả lời. Không có câu trả lời thực sự nào cả. Chúng tôi sẽ thua trong vụ kiện này."
Trở lại Gemena, Abdula Libenge và Suriya Moyumbe có lẽ đã yên tâm hơn phần nào khi biết con gái không gặp gì nguy hiểm.
Thế nhưng người cha, người mẹ tội nghiệp có lẽ vẫn rất đau lòng khi cảm nhận được rằng con họ có rất ít hy vọng trở về nhà. "Tôi biết người ta sẽ nói rằng con bé ở Bỉ sẽ tốt hơn. Và có lẽ đúng là thế thật.
Tôi không thể có một cơ hội tham gia vào phán quyết. Thế nhưng tôi nghĩ những người khác cũng không có quyền đưa ra quyết định," - Libenge nghẹn ngào.
Dù tòa án có đưa ra phán quyết như thế nào thì họ - những đứa trẻ, cha mẹ nuôi và cha mẹ ruột của chúng - cũng đều phải chịu những tổn thương nhất định mà nguồn cơn là do những kẻ trục lợi trên sự đau khổ và mất mát của người khác.