Căn phòng số 19 Khoa Ngoại Chỉnh Hình bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (quận 8, TP.HCM) im ắng lạ thường. Ông Lê Sơn (SN 1960) nằm trên chiếc ghế bố dài, cố lim dim mắt nhưng chốc chốc lại hóng lên xem mẹ đã ngủ hay chưa.
Làm sao ngủ được, khi cơn đau âm ỉ trong người cứ hành hạ bà Đào Thị Loan (SN 1939) liên tục. Mắt bà trắng bệch, dõi thẳng lên phía trần nhà, kiếm tìm chút hi vọng mong manh giữa một trời tuyệt vọng.
Gương mặt không còn chút sinh khí của bà Đào Thị Loan.
Câu chuyện gia đình buồn
Năm 14 tuổi, cô nữ sinh Đào Thị Loan rời quê nhà ở huyện Phù Cát, Bình Định lên Sài Gòn, định bụng kiếm tiền mua sách vở trong mấy tháng hè.
Trớ trêu thay, ý định ấy không bao giờ thành hiện thực, bởi cuộc sống mưu sinh và tình cảnh chiến loạn của đất nước níu chặt cô vào chốn phồn hoa đô hội.
Không về quê nữa, cô ở lại kiếm sống bằng nghề buôn bán, rồi kết hôn luôn với một thanh niên địa phương năm 1959. Một năm sau, đứa con trai đầu lòng tên Lê Sơn ra đời.
Bà Loan nằm trong bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng (Q.8).
Nhưng bắt đầu từ đó, người chồng sanh tật, cặp kè hết người này đến người khác, bỏ bê vợ con. Năm lần bảy lượt níu kéo chồng không thành, điều gì đến cũng đến, năm 1965, hai vợ chồng bà Loan ly dị.
Người chồng mang hết của cải giá trị trong nhà ra đi, để lại mẹ con bà Loan trong tình cảnh cực kỳ túng quẫn. Cột mốc ấy in hằn vào tâm trí cậu bé 5 tuổi Lê Sơn, nó theo cậu đến tận những ngày khôn lớn.
Vì nghèo, đường học của cậu lận đận tứ bề, cậu tách biệt hẳn với bạn bè. Ngày mối tình đầu tiên tan vỡ cũng là lúc Lê Sơn khóa chặt cõi lòng, quyết chí ở vậy nuôi mẹ.
Ông Sơn và mẹ hiện sống bằng tiền trợ cấp xã hội.
Người con lo lắng cho bệnh tình của mẹ.
Sau khi học xong nghề tiện, Lê Sơn cắm đầu vào làm việc suốt ngày suốt đêm, mong kiếm thật nhiều tiền lo cho mẹ cuộc sống sung túc.
Nhưng đúng vào lúc hăng hái nhất, anh bất ngờ mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt vào năm 1989, khiến đầu óc chẳng còn bình thường. Gánh nặng bây giờ chuyển ngược lên vai người mẹ.
Làm đủ thứ việc nhưng chẳng thể lo việc chữa trị cho con, đường cùng, bà bấm bụng đi học lỏm nghề bói toán, mượn thần thánh để kiếm tiền giúp con tỉnh táo trở lại.
Người con đã 56 tuổi, mái đầu điểm bạc, râu ria xồm xoàm và không lập gia đình.
Ngày bà Loan bị phát hiện, cấm không cho hành nghề mê tín dị đoan cũng là lúc bệnh tình người con trai duy nhất dần hồi phục.
Lúc này, cả hai mẹ con đều đã già, đầu hai ba thứ tóc. Thời gian hai người cùng khỏe mạnh chỉ diễn ra đến năm 2004, khi bà Loan bắt đầu mắc căn bệnh tiểu đường.
“Mẹ chết rồi, con lấy vợ nghe Sơn”
Tám năm sau, bệnh tình người đàn bà trở nặng, từ tiểu đường chuyển qua xơ vữa động mạch, nhồi máu não, suy tim, ghẻ chàm nặng. Cuối năm 2012, để chữa bệnh cho mẹ, ông Sơn buộc phải bán nhà. Bệnh tật khiến bà Loan lở loét khắp người, nên đi đến đâu họ cũng bị xua đuổi.
Cực chẳng đã, ông Sơn phải dẫn mẹ qua đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), mướn một căn phòng lớn với giá 3 triệu đồng.
Gánh nặng ăn ở chưa biết tính sao thì đến tháng 3 năm 2016, do chỉ nằm một chỗ, đôi chân bà Loan bị hoại tử nặng. Đưa vào bệnh viện Gia Định, các bác sĩ buộc lòng phải cắt bỏ đôi chân.
Nhưng rồi họ cũng lắc đầu, bảo bệnh bà đã quá nặng, khó mà qua khỏi. Trong giây phút sinh tử ấy, ông Sơn khẩn thiết cầu nguyện Chúa trời, ngày đêm quỳ lạy trong nhà thờ mong cho mẹ mình được ở lại dương gian.
Kỳ diệu thay, bà Loan đột nhiên tỉnh táo lại trong sự bất ngờ của mọi người. Người mẹ được chuyển sang bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng sau một tháng hôn mê.
Người con chăm sóc mẹ từng chút một.
Giờ đây mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh của bà Loan đều do một tay đứa con trai tóc hoa râm gánh vác. Không thể đi đứng, da lại chảy xệ, nên thay vì tắm cho mẹ, mỗi ngày hai cữ, ông Sơn dùng khăn ướt lau khắp người cho bà Loan.
Mới một tháng trước, cơ thể bà Loan lại thêm một lần bị giày xéo, khi phần mông tiếp tục bị hoại tử, từng mảng thịt từ từ thối rữa. Không biết làm cách gì khi mẹ mỗi ngày một đau đớn, ông Sơn đành nghẹn ngào cho mẹ uống những viên thuốc cầm hơi.
Mấy mươi năm tồn tại trên cõi đời, đôi bàn tay hai mẹ con vẫn bấu víu vào nhau.
Tranh thủ lúc bà Loan còn tỉnh táo, chúng tôi hỏi mơ ước lớn nhất của bà hiện tại là gì. Cặp mắt mỏi mệt của người mẹ đột nhiên sáng quắc, bà Loan nói bằng giọng khẩn thiết:
“Chỉ muốn cho con có bạn tâm tình, sớm hôm thủ thỉ, chứ tôi chết rồi thì ai nấu cơm, săn sóc cho nó. Hồi còn trẻ khuyên hoài mà nó không chịu nghe. Sơn à, mẹ chết rồi, con phải lấy vợ nghe Sơn..”.
Mỏi mệt, ông Sơn nằm nghỉ ở chân giường.
Nhưng ánh mắt vẫn luôn dõi theo sự tồn vong của mẹ.
Ông Sơn nhoẻn miệng cười như để mẹ yên lòng, nhưng nét mặt thì ra chiều đau xót. Ông biết với hoàn cảnh hiện tại, tóc đã bạc, da đã mồi, lại không còn tỉnh táo hoàn toàn, mơ ước ấy là quá xa xăm. Vả lại, ông đã tự hứa với lòng sẽ mãi ở vậy để chăm sóc mẹ.
Bà Loan thiếp đi, trên cơ thể tàn tạ chỉ có chiếc mền cũ che tạm. Mấy chục năm hành nghề bói toán, có khi nào bà đoán được số mệnh mình lại ra nông nỗi này không?