Mới đây, Tiến sĩ Muiz Murad ở Malaysia đã chia sẻ lại câu chuyện một em bé suýt bị đuối nước vì mẹ mải xem điện thoại. Theo lời kể, hôm đó người mẹ cho các con gái xuống chơi ở bể bơi khách sạn. Trong lúc chơi, bé gái nhỏ nhất không may bị tuột khỏi chiếc phao lớn và rơi xuống nước, vùng vẫy rồi chìm dần.
Lúc này, người mẹ ngồi trên bờ vẫn đang chăm chú nhìn vào điện thoại, hoàn toàn không phát hiện tính mạng con gái đang bị đe dọa. Các cô chị tưởng em gái đã mặc áo phao an toàn nên cũng không chú ý tới em.
May mắn, cậu bé tên Ali (11 tuổi, con trai Tiến sĩ Muiz Murad) đã phát hiện ra sự việc, lập tức bơi thật nhanh đến chỗ bé gái và đưa em lên bờ an toàn. Khi Ali kéo cô bé lên, em bị hoảng sợ vì ngộp thở. Tiến sĩ Muiz Murad cho biết chỉ cần 10 giây nữa là hậu quả tồi tệ nhất đã có thể xảy ra.
Con gái vùng vẫy rồi chìm dần xuống bể bơi nhưng mẹ không phát hiện vì đang mải dùng điện thoại. Ảnh minh họa
"Các bậc cha mẹ, xin hãy chú ý kỹ đến con cái mình ở bể bơi của khách sạn. Hầu hết các bể bơi ở khách sạn không có cứu hộ túc trực sẵn đâu. Cũng may là lúc ấy Ali rất bình tĩnh", Tiến sĩ Muiz Murad đưa ra lời khuyên sau khi kể lại câu chuyện.
Ngay sau khi được chia sẻ, sự việc lập tức thu hút sự quan tâm của cư dân mạng Malaysia, đa số mọi người đều hết lời khen ngọi Ali vì có khả năng quan sát tốt và rất can đảm. Chị gái của em bé được Ali cứu cũng muốn kết bạn với "người hùng nhỏ tuổi".
Trước đó, có không ít trường hợp trẻ đuối nước do cha mẹ mải mê xem điện thoại. Các bé không chỉ có nguy cơ bị đuối nước khi ở gần ao hồ, sống suối, biển mà có thể gặp nguy hiểm ngay tại nhà, với những vật dụng quen thuộc như thùng nước, xô nước… Để bảo vệ con, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý những điều sau:
Đặt điện thoại xuống khi trẻ chơi nước
Kiểm tra một tin nhắn hoặc xem một tấm hình có thể chỉ tốn 5 giây nhưng đủ để trẻ bị ngộp chìm trong nước. Do đó, cha mẹ nên cất điện thoại đi và chú ý quan sát khi con để kịp thời xử lý nếu tình huống bất ngờ xảy ra.
Không được rời mắt khi con đang ở quanh ao, hồ, biển
Bác sĩ Lois Lee, chuyên gia cấp cứu tại Bệnh viện nhi Boston cho biết trẻ có thể bị chết đuối chỉ trong vòng 25 giây. Khi trẻ chưa biết bơi và không thể tự xử lý các sự cố dưới nước, cha mẹ cần giám sát bé cẩn thận, đặc biệt là khi bé lại gần ao, hồ, biển.
Ngay cả khi bé đã có thể bơi đường dài, tự nổi trên mặt nước, cha mẹ vẫn phải chú ý theo dõi con vì không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra khi trẻ ở dưới nước.
Đăng ký cho con học bơi
Cha mẹ nên đăng ký cho con học bơi từ sớm. Thông thường, các bé từ 5 tuổi đã có thể tham gia vào các lớp học bơi cơ bản. Khi tham gia các lớp học bơi, trẻ sẽ được dạy các kỹ năng bơi lội, cách khởi động trước khi xuống nước.
Không chỉ vậy, trẻ cũng được học cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy hay cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi. Đây đều là những bài học bổ ích và rất cần thiết đối với các bé.
Cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước
Những khu vực có nước như ao, hồ, sông, suối vốn là nơi các bé rất thích chơi, đặc biệt là vào mùa hè nóng nực nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất lớn, ngay cả khi trẻ biết bơi hoặc bơi rất giỏi. Cha mẹ nên nhắc nhở, giải thích cho các bé hiểu về những nguy cơ tiềm ẩn để trẻ có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình.
Nhắc trẻ không bơi ở khu vực gần vùng nước nguy hiểm
Ngoài biển và ở bể bơi đều có những vùng nước sâu, khu vực được cảnh báo nguy hiểm. Cha mẹ cần giúp trẻ nhận biết được các biển báo nguy hiểm, dặn trẻ không được bơi gần khu vực đó.
Khi ra biển bơi, cha mẹ không nên để trẻ nằm trên phao. Nước biển có thể cuốn trẻ ra xa mà không biết. Trẻ cũng có nguy cơ bị sóng đánh úp, rơi vào cảnh nguy hiểm. Ngay cả khi trẻ đi bơi ở sông, cha mẹ cũng nên lưu ý con chỉ nên bơi gần bờ.
Không tích trữ nước trong các thùng, xô, lu
Các gia đình có trẻ nhỏ không nên tích trữ nước trong các thùng, xô hay lu để tránh việc các bé tò mò nghịch và gặp nguy hiểm. Nếu bắt buộc phải tích trữ nước để dùng cho sinh hoạt, gia đình nên đậy nắp thật chặt để trẻ không thể mở nắp ra nghịch.
Trang bị kiến thức sơ cứu phòng trường hợp trẻ đuối nước
Tình huống bất ngờ có thể xảy ra ngay cả khi cha mẹ giám sát con cẩn thận nhất nên các phụ huynh nên tham gia các lớp học sơ cứu. Nắm chắc các bước sơ cứu sẽ giúp cha mẹ bình tĩnh xử lý đúng cách nếu con gặp chuyện không may.