Nhiệm vụ lạ lùng
Ngày cuối cùng của chiến tranh tại châu Âu, và thủ đô Berlin bị tàn phá dữ dội.
Những gia đình người dân Đức trú ẩn trong những căn nhà đổ nát, trong khi quân đội Liên Xô reo hò chiến thắng trên đường phố.
Đôi lúc, tiếng súng vẫn vang lên. Nhiều lính Đức Quốc xã vẫn cố thủ, chưa chịu đầu hàng.
Sau cuộc chiến dai dẳng, tương lai hòa bình là điều mà nhiều người dân Liên Xô và Đức đều mong đợi.
Nhưng đối với nhiều đơn vị quân sự của Liên Xô, công việc vẫn chưa dừng lại. Các cuộc điều tra tiếp tục được tiến hành trên diện rộng.
Yelena Rzhevskaya, một nữ phiên dịch viên Liên Xô 25 tuổi, cũng nằm trong số những điều tra viên. Công việc thường nhật của cô là tham gia thẩm vấn những người lính Đức.
Một buổi chiều, Đại tá Gorbushin, chỉ huy của Rzhevskaya, bất ngờ triệu cô tới văn phòng và trao cho cô một chiếc hộp bí ẩn.
Nữ phiên dịch viên Liên Xô Yelena Rzhevskaya. Ảnh: Daily Mail
"Đó là một chiếc hộp cũ màu đỏ, có lớp lót mềm mại và được phủ bằng vải sa tanh," cô Yelena sau này nhớ lại.
Nữ phiên dịch viên hỏi ông Gorbushin bên trong hộp có gì.
"Răng của Hitler. Và nếu cô đánh mất nó, hãy liệu mà giải trình," ông Gorbushin đáp.
Thời điểm ấy, cô Yelena không hay biết rằng mình vừa tiếp nhận một trong những nhiệm vụ kì lạ nhất toàn bộ Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Công cuộc tìm kiếm gian nan
Mặc dù đài phát thanh Đức chính thức công bố rằng Adolf Hitler đã tự sát vào ngày 30/4/1945, chưa bên nào khác xác nhận thông tin này.
Nhiều người nghi ngờ rằng trùm phát xít Hilter có thể đã tẩu thoát khỏi Berlin và đang trốn đâu đó trên dãy Bavaria, hoặc thậm chí dưới một tàu ngầm dưới vùng Atlantic trên tuyến đường biển tới Nam Mỹ.
Đơn vị cô Yelena chịu trách nhiệm phải xác nhận xem liệu hàm răng phát hiện tại tòa nhà Reich Chancellery (Văn phòng Thủ tướng) có thực sự thuộc về Hitler hay không.
Trong bản hồi kí, cô Yelena kể lại sự bất ngờ khi được giao trọng trách và hỏi lại tại sao cô lại là người được chọn.
Bản chụp X-quang nha khoa của Adolf Hitler.
"Bởi vì chúng ta không có cái két nào ở đây cả. Và phụ nữ thì cẩn thận hơn nam giới," Đại tá Gorbushin trả lời.
Mục tiêu đầu tiên của cô Yelena là tìm ra nha sĩ riêng của Hitler - một nhiệm vụ không hề dễ dàng trong tình cảnh hỗn loạn hậu chiến tranh tại thủ đô nước Đức.
Cùng hai sĩ quan khác, nữ phiên dịch viên tiến về trung tâm Berlin.
"Khói bốc lên ở mọi nơi, bầu không khí tràn ngập mùi chiến tranh. Những rào chắn bị nghiền nát bởi xe tăng, chưa được dọn dẹp," cô viết trong hồi kí. Sau nhiều giờ, nhóm nghiên cứu có mặt tại bệnh viện và bắt đầu dò hỏi về nha sĩ của Hitler.
Bác sĩ trực tại bệnh viện không hay biết về người này, và ông chỉ có thể cung cấp tên một người từng chăm sóc sức khỏe cho Hitler, đó là bác sĩ, giáo sư nổi tiếng thế giới Carl von Eicken.
Đó là đầu mối duy nhất. Sau nhiều ngày tìm kiếm trong tuyệt vọng, cuối cùng cả nhóm đã gặp được bác sĩ Eicken và được giới thiệu tới Kathchen Heusermann, một nữ y tá Đức từng tiếp xúc với Hitler.
Đại tá Gorbushin nhờ Yelena hỏi liệu cô Heusermann có giữ hồ sơ nha khoa của Hitler hay không. Nữ y tá nói có, và cô lấy ra một hộp tài liệu.
Lời xác nhận mang tính lịch sử
"Chúng tôi nín thở chờ đợi khi cô ấy soát qua tập hồ sơ. Chúng tôi thấy cái tên Himmler, Goebbels (những quan chức cấp cao của chính quyền Hitler), vợ và con cái ông ta. Cuối cùng hồ sơ của Hitler cũng xuất hiện," cô Yelena miêu tả.
Có trong tay hồ sơ và bản chụp X-quang răng của Hitler, nhóm sĩ quan Liên Xô cùng y tá Heusermann bắt đầu so sánh, đối chiếu.
Bộ răng của Hitler. Ảnh: Reuters
Gánh trên vai trọng trách thế kỉ, Yelena chăm chú dịch và ghi chép lại. Cô yêu cầu nữ y tá người Đức không dùng thuật ngữ chuyên môn về răng để tránh trường hợp dịch sai. Thay vào đó, họ đánh số các răng.
Khoảnh khắc quan trọng đã tới, nhóm sĩ quan Liên Xô lấy ra chiếc hộp chứa răng của Hitler, trao cho cô Heusermann. Run rẩy mở hộp, kí ức về lần tiếp xúc với trùm phát xít quay trở lại, nữ y tá hít một hơi sâu và thốt lên: "Đây đúng là hàm răng của Adolf Hitler".
Đối với Yelena và các cộng sự, đây là bằng chứng không thể chối cãi. "Tôi tin rằng tất cả những lời đồn đại vô nghĩa về việc Hitler còn sống đều là giả mạo. Sự thật là ông ta đã chết".
Khi ấy, cô Yelena tin rằng cả nhóm sẽ quay trở lại Moskva với bằng chứng và nhân chứng khẳng định Hitler đã thiệt mạng.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin không muốn công nhận điều này bởi ông cho rằng việc Hitler còn sống sẽ tạo điều kiện đàm phán tốt hơn với phe Đồng minh về thế giới thời hậu chiến.
Sau nhiều năm lưu lạc, tới năm 2000, chính quyền Nga đã đưa hàm răng của Hitler tới bảo tàng trưng bày kỉ niệm 55 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Sau chiến tranh, nữ phiên dịch viên Yelena trở lại Moskva và trở thành nhà văn. Bà mất ngày 25/4/2017, để lại cho thế giới những dòng hồi kí hé lộ chuyện ít người biết về cái chết của trùm phát xít Adolf Hitler.