Nhắc đến cái Tết miền Tây, xứ sở "của ngon vật lạ", không biết kể sao cho hết những đặc sản dân dã nơi đây. Thiên nhiên đã ưu đãi cho miền Tây cảnh sắc trù phú, hoa thơm trái ngọt quanh năm vì thế mà các loại mứt của người dân cũng đa dạng, nhiều màu sắc.
Thấy mứt là thấy Tết đã về trên khắp mọi nẻo đường...
Trong cái ấm áp của những ngày cuối năm, hương vị thơm nồng từ các lò nấu mứt càng khiến không khí ở miền Tây chộn rộn hơn. Bởi theo quan niệm của người Việt, nếu như "miếng trầu là đầu câu chuyện" thì mứt Tết chẳng khác nào món khai vị cho mọi chuyến viếng thăm, chúc tụng trong dịp đầu năm mới.
"Mứt nào như mứt trái me - Chua chua ngọt ngọt mà se lòng người"
"Cái me này nó chua chua ngòn ngọt, lúc trước chẳng ai chịu ăn ngày Tết đâu, giờ thì chuộng lắm rồi, cô làm không xuể luôn", cô Thu Ba cười nói.
Cô Thu Ba Bùi Văn Thẩm đã gắn cuộc đời mình với công việc làm mứt mấy chục năm qua.
Bén duyên với ẩm thực từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, hơn 30 năm qua, cô Thu Ba Bùi Văn Thẩm dành hết tâm huyết của mình để tìm tòi, cho ra những loại mứt đặc biệt nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân.
Những ngày cuối năm, căn nhà nhỏ của cô Ba (60 tuổi, ngụ phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) lúc nào cũng tràn ngập tiếng nói cười khi mọi người tất bật cùng nhau làm mứt Tết.
Để chế biến được mứt me có vị chua chua, ngọt ngọt, dai dai mà không nát phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ việc cắt cuống me, tách vỏ, bỏ hạt đến ngâm muối hột, sên, phơi nắng... được các thành viên trong nhà cô Ba làm một cách tỉ mỉ. Đặc biệt, tất cả các khâu sản xuất mứt me đều làm thủ công, không có bất kì chất bảo quản nào.
Từ các loại mứt truyền thống, cô Ba đã cho ra thị trường loại mứt me hoàn toàn đặc biệt.
Cô Ba cho biết để mứt me đến với người dân, cô phải trải qua quãng thời gian đầy khó khăn khi chẳng ai đón nhận loại mứt mới mẻ này.
"Thường Tết đến, đặc biệt là người miền Tây thường thích ăn đồ ngọt, bánh mứt cũng vậy. Khi cô làm mứt me đi mời, người ta chê quá trời. Bảo bà này khùng, Tết nhất mà ăn chua, không ai đón nhận cả. Lúc đó cô nản quá, không thèm đi mời nữa, cô mới làm xong đi cho. Xong 10 người thì cũng có 3 người thích, dần dần họ cũng nghiên cứu là chất chua trong me có lợi cho sức khỏe nên tin dùng", cô Ba tâm sự.
Chia sẻ về quyết định táo bạo làm ra một sản phẩm mứt Tết mới, cô Ba cho biết vì đam mê với thực phẩm nên cô muốn sáng tạo ra những loại bánh mứt mới. "Cô cảm thấy trái me có rất nhiều tác dụng nhưng thường mọi người không thích ăn me, cô mới nghĩ đến làm mứt me. Ban đầu cũng trầy trật lắm vì làm khó, lại không được ưa chuộng, giờ thì đỡ lắm rồi, nhắc đến mứt me ai ai cũng thích", cô Ba cười nói.
Chị Hai cho biết công việc phụ giúp làm mứt ở nhà cô Ba mang lại cho chị một thu nhập ổn định để lo cho gia đình.
Làm riết rồi quen với việc gọt vỏ me, chị Hai trở thành người gọt vỏ điêu luyện tại nhà cô Ba.
Vừa gọt vỏ me, chị Hai (49 tuổi, ngụ thị xã Bình Minh) cho biết cũng nhờ công việc này, gần 10 năm nay chị đã có thêm một nguồn thu nhập để lo cho gia đình. "Ngồi hoài cũng mỏi lưng với mệt lắm, mà vui, tay cứ thoăn thoắt làm hoài, riết được phong cho biệt danh "thánh gọt me" luôn", chị Hai cười ngặt nghẽo.
"Cô không có gia đình, làm riết rồi không dám lấy chồng..."
Ngồi trong căn nhà nhỏ, cô Ba cho biết dù đã gắn bó với nghề làm bánh mứt hơn 30 năm nhưng cô chỉ làm thủ công, không phát triển lên thành cơ sở sản xuất theo dây chuyền. Một phần cô muốn vừa làm, vừa tìm tòi ra những loại thực phẩm mới, biến công việc thành niềm vui, phần còn lại vì... "cô chẳng có ai để kế thừa".
Không lập gia đình, cô Ba quyết ở vậy để dành hết thời gian của mình cho việc làm mứt.
"Cô không có gia đình, nhà cô có 4 đứa cháu thôi, mà hỏi đứa nào nó cũng không chịu làm... Lúc trước mình cứ dành toàn tâm toàn ý cho công việc, cô đam mê nó rồi đâu còn thời gian nghĩ đến chuyện yêu đương", nói đoạn, cô Ba nghẹn giọng.
"Cũng có một người bạn tri kỉ, chú ấy chịu đợi cô, nhưng cô không cho phép bản thân mình vì sợ khổ chú ấy. Chú ấy mới lập gia đình thôi... Hỏi buồn không thì có lúc cô buồn thật, nhưng mình không hối hận bởi vì đó là sự lựa chọn của mình rồi".
Mứt vỏ tắc rất đặc biệt của cô Ba làm ra luôn thu hút người tiêu dùng.
Mứt gừng nguyên củ và mứt mãng cầu cũng được cô Ba làm hoàn toàn bằng thủ công.
Có lẽ ở cái tuổi xế chiều, điều mà cô Ba lo lắng nhất là "bí quyết" làm các loại mứt của mình sẽ không có ai kế thừa. Dành cả nửa cuộc đời cho ngành thực phẩm, cô Ba chỉ hi vọng một ngày nào đó, cô tìm được một người đủ tin tưởng để truyền lại tất cả những gì mình có.
"Mỗi loại mứt có một hương vị riêng chẳng "đụng hàng" với nhau nhưng lại luôn đem đến cho mình một cảm giác ấm áp. Hiện cô làm hơn 10 loại mứt khác nhau, mứt gừng thì cay nồng, mứt hạnh, mứt vỏ bưởi... tất cả đều là những đứa con tinh thần đặc biệt mà cô có được suốt mấy chục năm qua", cô Ba tâm sự.
Trong các loại mứt của mình, mứt me là điểm nhấn độc đáo mà cô Ba bỏ tâm huyết để thực hiện.
Nhắc đến một kỷ niệm trong quá trình làm mứt Tết, cô Ba cho biết có lần vì quên ghi lại người đặt mứt, đến lúc họ hỏi mới té ngửa vì không đủ mứt để giao. Khi ấy: "Người ta chửi mình quá trời luôn, vừa thấy có lỗi, vừa tự trách mình. Cứ xin lỗi người ta rồi hứa làm thật nhanh để kịp hàng, nguyên một tuần lễ không cho đứa nào về nhà cả, ăn ngủ tại chỗ để làm mứt. Mệt mà vui lắm, xong đợt đó ai cũng gầy hơn, đỡ phải giảm cân", cô Ba tủm tỉm cười.
Có lẽ không chỉ có cô Ba mà với nhiều người dân miền Tây, những ngày cuối năm là dịp đặc biệt nhất để mọi người quây quần bên nhau, cùng nhau làm mứt Tết. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng mỗi loại mứt đều có một hương vị, một vẻ đẹp riêng. Đằng sau tất cả hương vị ấy là những câu chuyện, những mảnh ghép ý nghĩa đầy thú vị trong cuộc sống.
Vì thấy mứt là thấy Tết miền Tây!
Hi vọng cô Ba sẽ sớm tìm được người kế cận mình để lưu giữ những nét văn hóa ẩm thực đặc biệt, mang hương vị truyền thống của cái Tết xưa cũ.