Chuyện chiến sĩ công an bật khóc tại điểm tiêm vaccine: Khoa học đã “nói đỡ” cho chàng trai đáng yêu này ra sao?

Karry Trần |

Chiến sĩ công an cho biết mình mắc hội chứng sợ kim tiêm từ khi còn nhỏ, do nhiều lần đi tiêm bị vỡ ven nên anh ám ảnh đến mãi bây giờ. Thực hư về nỗi sợ kim tiêm này ra sao?

Ngày hôm qua 17/8, đoạn clip chia sẻ câu chuyện thú vị về anh công an "khóc thét" khi đi tiêm đã khiến cho cộng đồng mạng vô cùng thích thú. Chia sẻ với Soha, chiến sĩ công an cho biết mình mắc hội chứng sợ kim tiêm từ khi còn nhỏ, do nhiều lần đi tiêm bị vỡ ven nên anh ám ảnh đến mãi bây giờ.

Tuy là một người "thét ra lửa" khi gặp tội phạm nhưng lại co ro, sợ hãi khi gặp một vật thể nho nhỏ như kim tiêm, nỗi ám ảnh tâm lý của anh công an cũng không mới dưới góc nhìn khoa học.

Hội chứng sợ kim tiêm

Hội chứng sợ kim tiêm (trypanophobia) là nỗi ám ảnh với một loạt các thủ thuật y tế, bao gồm tiêm chủng, lấy máu, truyền dịch qua đường tĩnh mạch và gây mê, đôi khi nó biến thành một nỗi ám ảnh tột độ.

Chuyện chiến sĩ công an bật khóc tại điểm tiêm vaccine: Khoa học đã “nói đỡ” cho chàng trai đáng yêu này ra sao? - Ảnh 1.

Trẻ em là đối tượng sợ kim tiêm nhiều nhất. Ảnh minh họa (Internet)

Trẻ em đặc biệt sợ kim tiêm vì chúng không quen với cảm giác da bị kim nhọn đâm vào. Khi hầu hết mọi người đến tuổi trưởng thành, họ có thể chịu đựng kim tiêm một cách dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, đối với một số người, nỗi sợ kim tiêm vẫn tồn tại với họ khi trưởng thành. Đôi khi nỗi sợ hãi này có thể cực kỳ dữ dội.

Vì sao sợ kim tiêm?

Các nhà khoa học chưa thống nhất về nguyên nhân dẫn đến hội chứng sợ kim tiêm và tại sao một số người sợ còn số khác thì không.

Song có nhiều giả thuyết được đưa ra, trong đó giả thuyết nhận được sự đồng tình lớn trong giới khoa học là hội chứng sợ kim tiêm có liên quan tới bản năng sinh tồn của con người, khi họ không muốn cơ thể bị đâm bởi một vật thể lạ, hoặc sợ có một thứ nào đó được đưa vào cơ thể mình. Đó là phản ứng tự nhiên của não nhằm bảo vệ cơ thể khỏi tác động từ bên ngoài.

Hội chứng sợ kim tiêm không chỉ tới từ những trải nghiệm của bản thân (hồi nhỏ bị tiêm) mà cũng có thể đến từ yếu tố di truyền (người thân sợ kim tiêm) hoặc những trải nghiệm mà con người nhìn thấy từ những người xung quanh.

Các triệu chứng của hội chứng này có thể khác nhau, nhưng thường bao gồm một số biểu hiện sau: Nhịp tim và huyết áp tăng đột ngột khi nhìn thấy kim; ngay lập tức tim đập chậm lại và giảm huyết áp; ngất xỉu; lo lắng tột độ không giải thích được; băn khoăn với một thủ thuật liên quan đến kim tiêm; hoảng loạn...

Độ phổ biến của hội chứng sợ kim tiêm ra sao?

Trên thực tế, hội chứng sợ kim tiêm phổ biến một cách "đáng ngạc nhiên". Khoảng 20 – 50 % thanh thiếu niên sợ kim tiêm, trong khi đó, nỗi sợ này ảnh hưởng đến khoảng 25% người trưởng thành. Có tới 7% người lớn thực sự tránh tiêm chủng vì hội chứng này.

Chuyện chiến sĩ công an bật khóc tại điểm tiêm vaccine: Khoa học đã “nói đỡ” cho chàng trai đáng yêu này ra sao? - Ảnh 3.

Hội chứng sợ kim tiêm rất phổ biến trên thế giới (Ảnh minh họa: Internet)

Ngay cả với những người không sợ kim tiêm, hầu hết mọi người đều không thích kim tiêm vì chúng gợi nhắc tới ốm đau và bệnh viện.

Làm sao để vượt qua nỗi sợ kim tiêm?

Nỗi sợ kim tiêm luôn tồn tại và cũng sẽ không mất đi ngay cả khi đã trải qua việc tiêm chủng nhiều lần, đây là một thực tế với những người sợ kim tiêm. Do đó cách hiệu quả nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là chấp nhận đối mặt với nó, hơn nữa việc tiêm sẽ diễn ra rất nhanh, thông thường khoảng vài giây.

Tuy nhiên, hãy làm cho bản thân mình có một tâm thế thật thoải mái trước khi đi tiêm, ví dụ như nói cho các bác sĩ biết bản thân sợ kim tiêm, để họ chuẩn bị trước các tình huống và tiến hành các thủ thuật một cách nhẹ nhàng, hay nói chuyện với người thân để quên đi việc bị tiêm,…

Trong bất cứ trường hợp nào, hãy nhớ rằng tiêm chủng là một trong những biện pháp bảo vệ bản thân, việc nào tốt thì nên ưu tiên làm, vì trước sau cũng sẽ phải làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại