Với 5000 năm lịch sử từ nhà Hạ đến nhà Thanh, trải qua 20 triều đại bao gồm cả nhà Tân, Tây Chu, Trung Quốc có hơn 400 vị hoàng đế, hàng nghìn phi tần cung nữ, họ đã để lại vô số bảo vật quý hiếm trong các khu mộ táng của mình. Thế nên thật không ngoa khi nói rằng ở các cố đô xưa, chỉ cần hạ cái xẻng xuống là đâu đâu cũng xuất hiện "bảo bối".
Ngôi mộ trong ký túc xá sinh viên
Lần khai quật này cũng không ngoại lệ, trong quá trình Đại học Giao thông Đông Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây mở rộng và cải tạo khu ký túc xá dành cho sinh viên, một chiếc máy xúc bất ngờ đào đến một ngôi mộ cổ. Theo phán đoán ban đầu, các chuyên gia khẳng định đây là một ngôi mộ hoàng thất và chủ nhân ngôi mộ là một người phụ nữ.
Khung cảnh khai quật mộ tại trường Đại học Giao thông Đông Trung Quốc. Hình ảnh: Net Ease
Theo tấm văn bia, chủ nhân ngôi mộ mang họ Ngô, bà là trắc phi của Ninh Tịnh vương Chu Thuật Quế. Phi tần này qua đời ở tuổi 63 và được chôn cất tại đây. Chu Thuật Quế là cháu đời thứ 8 của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và là hậu duệ của hoàng tử thứ 15 Chu Thực, được phong hiệu là Ninh Tịnh vương.
"Mẹ quý nhờ con", vị trắc phi này nhờ sinh hạ được con trai cho Chu Thuật Quế nên được tùy táng rất nhiều di vật quý giá trong lăng mộ.
Điều khiến các chuyên gia ngạc nhiên là số lượng lớn vật phẩm làm từ vải lụa đắt giá được khai quật trong lăng mộ, bao gồm cả đại sam, khăn quàng vai, cúc y… Những di vật này có ý nghĩa rất lớn đối với việc nghiên cứu trang phục thời nhà Minh.
Tấm áo đại sam thêu hình phượng được tìm thấy trong ngôi mộ. Hình ảnh: Net Ease
Ngoài ra, trên người bà còn mặc đầy đủ 10 lớp quần áo theo truyền thống Minh triều, tất cả đều được may rất tỉ mỉ và tinh xảo.
Miệng bà ngậm rất nhiều vàng bạc, trên đầu cũng phủ kín trâm cài và cặp tóc bằng vàng, đặc biệt là chiếc vương miện phượng hoàng ngọc trai, đôi bông tai bằng đá quý và 5 chiếc nhẫn lớn màu đỏ sapphire trên ngón tay, mọi thứ thật sự rất chói mắt!
Có thể thấy, vị trắc phi họ Ngô này dù chỉ là thiếp nhưng nhận được sự sủng ái và cưng chiều của Ninh Tịnh vương.
Khôi phục dung mạo chủ mộ
Bất ngờ hơn cả là do môi trường chôn cất tốt, quan tài gần như không bị hư hại gì. Thậm chí các chuyên gia có thể nhìn rõ da và tóc của thi thể. Cũng bởi được bảo quản tốt, nên các chuyên gia đã nhanh chóng xử lý và thực hiện công tác phục dựng khuôn mặt chủ mộ bằng công nghệ AI.
Với số lượng trang sức và độ tinh xảo cao quý của trang phục được tìm thấy trong lăng mộ nên ai ai cũng vô cùng tò mò và háo hức muốn được nhìn thấy nhan sắc của vị thê thiếp được Ninh Tịnh vương hết mực cưng chiều này. Chắc hẳn bà phải có dung mạo kiều diễm lắm!
Khuôn mặt Trắc phi Ngô thị của Ninh Tịnh vương sau khi được khôi phục. Hình ảnh: Net Ease
Rất nhiều các chuyên gia và cư dân mạng đều phản ứng rằng: "Không thể nhìn thẳng được, gương mặt này thật gây ám ảnh!"; "dung mạo cũng bình thường thôi mà, cứ tưởng là một bậc đại mỹ nhân cơ chứ". Nhiều người còn cho rằng hình ảnh phục dựng nhan sắc Ngô thị gây khó chịu khi phải nhìn lâu.
Song cũng không ít người nhận xét rằng "đây là gương mặt không quá xinh đẹp nổi bật nhưng trông rất phúc hậu và cát tướng đó chứ!"
Vẻ đẹp của người con gái ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn đều có những chuẩn mực riêng nên có lẽ đối với Ninh Tịnh vương, trắc phi Ngô thị quả là "vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình".