Chuyện cầu duyên ở Đài Loan

Minh Thư |

Trong thời hiện đại, nhiều người vẫn muốn tìm tình yêu theo cách truyền thống.

Theo người Trung Quốc, Nguyệt Lão - vị thần cai quản tình yêu - có một quyển sách ghi tên những người được trời chỉ định lấy nhau.

Vị thần này xuất hiện từ tích sau:

Đời nhà Đường (618-907 sau Công nguyên), một người tên Vi Cố đi kén vợ và gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. 

Thấy lạ, chàng hỏi và ông cụ bảo sách chép tên những người lấy nhau vào cùng một túi đựng những sợi chỉ hồng để buộc chân 2 người, không sao gỡ ra được nữa. 

Vi Cố hỏi chàng phải lấy ai; ông cụ chỉ một bé gái 3 tuổi nằm trong lòng một bà lão chột mắt đang bán rau ở chợ. 

Vi Cố giận, sai người đâm làm cô bé bị thương. Mười bốn năm sau, Vi Cố lấy vợ và phát hiện nàng có vết sẹo đúng chỗ đâm khi xưa. Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra.

Chuyện cầu duyên ở Đài Loan - Ảnh 1.

Tượng Nguyệt Lão. Ảnh: CNN.

Từ đó, nhiều người bắt đầu tin vào Thần tình yêu - còn được gọi là "Ông mai " hay "Ông già dưới trăng" (Nguyệt Hạ Lão Nhân) - bắt đầu từ thời nhà Thanh (1644 đến 1912), phó giáo sư Isaac Yue của Đại học Hong Kong cho biết.

Miếu Thành Hoàng Hà Hải

Ngày nay, khách thập phương vẫn cầu nguyện tại tượng Nguyệt Lão trên khắp châu Á. 

Mặc dù nhiều nơi có những tác phẩm lớn, rực rỡ hơn trong khu vực, bức tượng trong Miếu Thành Hoàng Hà Hải của Đài Bắc, Đài Loan vẫn nổi tiếng nhất.

Khoảng 500 du khách đổ về miếu mỗi ngày để cầu tình duyên, hướng dẫn viên Naomi Lee ước tính. Vào những ngày như Lễ Tình nhân (Valentine's Day) hoặc Tết Nguyên đán, nơi này đón hơn 1.000 người.

Chuyện cầu duyên ở Đài Loan - Ảnh 2.

Miếu Thành Hoàng Hà Hải trong những năm 1910 và ngày nay. Ảnh: CNN

Các cặp vợ chồng nên duyên có nghĩa vụ phải mang bánh cưới đến tạ lễ. Nhìn vào những chồng hộp bánh cao ngất, có lẽ nhiều người đã tìm được hạnh phúc sau khi đến đây. 

Năm 2014 có khoảng 5.000 cặp thành công, Bob Chen, một hướng dẫn viên của công ty lữ hành Taipei Walking Tour, chia sẻ.

Cách trung tâm Đài Bắc khoảng 40 phút chạy xe, Miếu Thành Hoàng Hà Hải được xây dựng vào năm 1859, nhưng tượng Nguyệt Lão chỉ được thêm vào năm 1971. 

Chỉ cao 43 cm nhưng vị thần này mạnh hơn những người khác vì ông đang đứng và sẵn sàng ban phép, Chen giải thích.

Chuyện cầu duyên ở Đài Loan - Ảnh 3.

Nguyệt Lão là bức tượng nhỏ thứ 2 từ bên trái. Ảnh: CNN

Có thờ có thiêng

"Tôi không thể hứa bất cứ điều gì, nhưng nếu bạn tin, bạn sẽ thành công", Lee nói.

Quá trình cầu khấn khá phức tạp và người đi lễ có thể mất hơn 30 phút để hoàn thành đủ 12 bước, được ghi rõ trên bảng hiệu. 

Đầu tiên, khách phải mua một bộ lễ vật với giá khoảng 9 USD, sau đó thắp nhang, cầu vợ chồng thần Thổ địa và Nguyệt Lão, cộng với việc ăn bánh do các cặp vợ chồng kết duyên thành công để lại.

Chuyện cầu duyên ở Đài Loan - Ảnh 4.

Bùa Nguyệt Lão. Ảnh: Getty Images

Khi khấn, Lee cho rằng càng chi tiết càng tốt, từ giới thiệu bản thân bao gồm tên, tuổi và địa chỉ rồi cung cấp thông tin về người “thầm thương trộm nhớ”, thậm chí cả đặc điểm tính cách.

Ra về, khách sẽ nhận một sợi chỉ đỏ và bùa hộ mệnh của Nguyệt Lão, và phải giữ trên người hoặc trong ví cho đến khi chuyện tình thành công.

Tìm được bạn gái nhờ Nguyệt Lão

Đối với Omi Chen, vị thần tình yêu là phương sách cuối cùng. "Tôi theo đuổi cô ấy trong 2 năm", chàng trai 32 tuổi nhớ lại. Hai tháng sau khi Chen đến miếu, cô đã trả lời.

"Tôi nghĩ anh ấy không hiểu tôi, rằng anh ấy không nghiêm túc về tình yêu", Yuli Cheng nói. Cô gái 33 tuổi là đồng nghiệp cũ và giờ là vợ của Chen. 

2 người mở một cửa hàng trà sữa gần miếu để giúp những cặp đôi khác. Mỗi chai trà sữa chứa đựng một tờ giấy ghi lời khuyên tình yêu. Ví dụ, "Tìm được một người thực sự yêu bạn quan trọng hơn là được nhiều người theo đuổi".

Chuyện cầu duyên ở Đài Loan - Ảnh 5.

Omi Chen và Yuli Cheng. Ảnh: CNN

"Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đến đây và xin lời khuyên. Nhưng chúng tôi bảo họ đến miếu để khấn", Cheng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại