Đứng núi này trông núi nọ là tật của nhiều người
Đối với người trẻ làm việc trong môi trường công sở mà nói, nhảy việc là tình trạng không mấy lạ lẫm. Bất mãn với công ty, mệt mỏi với đồng nghiệp, không nể phục sếp, khó hòa nhập với môi trường cũng như văn hoá… và vô vàn những lý do khách quan cũng như chủ quan khác khiến người trẻ chẳng thể gắn bó với tổ chức trong thời gian dài.
Cứ dăm bữa nửa tháng lại nhảy một công ty, vài ngày lại cảm thấy chán nản rồi đi tìm bến đỗ mới cho bản thân mình. Cứ mãi loay hoay trong những lần đi và ở để rồi một vài năm nhìn lại, thứ người trẻ có trong tay không phải là kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc mà là những lần nhảy việc khiến CV dày đặc danh sách công ty đã làm qua nhưng chẳng cái nào chất lượng.
Nguyên nhân của câu chuyện này bắt nguồn từ đâu? Nguyên nhân có thể kể đến thì rất nhiều, nhưng điểm cốt yếu nhất có thể nói đến đó chính là sự chẳng chịu kiên tâm hài lòng với thực tại và tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ” của người trẻ. Cỏ bên kia ngọn đồi lúc nào cũng xanh hơn là điều mà ai cũng biết nhưng không mấy người chịu hiểu tường tận để kiểm soát ham muốn của bản thân mình.
Chuyện bầy dê 99 con của phú hộ
Có 9 thì muốn tròn cho 10, có 99 thì muốn tròn 100 - điều này cứ vô tình thôi thúc con người ta nảy sinh dục vọng để khao khát có thêm, chạy theo những giá trị về mặt con số. Để rồi thứ bản thân mình nhận lại cuối cùng là những mệt nhoài của việc mong cầu quá độ. Câu chuyện đàn dê của phú ông bên dưới đây chắc chắn sẽ để lại nơi dân công sở, những ai luôn chưa hài lòng với thực tại, bài học thấm thía về sự mong cầu:
Xưa kia, có một phú ông nọ, mặc dù có trong tay cả gia tài nhưng chưa bao giờ thấy thỏa mãn. Trong nhà ông có một đàn dê gồm 99 con béo tốt, nhưng ông cho rằng như thế vẫn chưa đủ, nhất định phải có thêm một con nữa thì mới thấy vẹn tròn.
Vì quá sốt sắng làm sao để có thêm một con dê, ngày nào phú ông cũng trằn trọc mãi không ngủ được. Cho đến một ngày, vào lúc đêm hôm khuya khoắt, phú ông bỗng nhớ ra, trong ngôi chùa trên ngọn núi sau thôn có nuôi một con dê. Thế là sáng sớm ngày hôm sau, ông đến khẩn cầu thiền sư từ bi hãy cho ông đem con dê đó về nuôi. Lúc đó thiền sư đang nhắm mắt đả tọa, nhưng cũng nói nhẹ nhàng rằng: “Dắt nó đi”.
Một tháng sau, phú ông lại đến cầu kiến thiền sư. Thiền sư thấy phú ông mặt mày nhăn nhó, sắc mặt tiều tụy, bèn hỏi tại sao lại rầu lòng như vậy? Phú ông tỏ ra khổ sở nói: “Bây giờ con đã có 105 con dê rồi”. Thiền sư ngỡ ngàng không hiểu: “Nếu vậy thì ông nên vui mừng mới phải chứ?”.
Phú ông lắc đầu: “Nhưng đến bao giờ con mới có đủ 200 con dê đây?”. Thiền sư lặng yên không nói mà chỉ quay người bước đi, lát sau thiền sư mang một chén trà để vào tay phú ông. Phú ông vừa uống một hớp liền nói: “Sao chén trà này lại mặn như vậy?”.
Thiền sư không thay đổi nét mặt, chỉ bình thản đáp: “Chén trà mặn là vì có muối ở trong đó. Người đời chẳng ai thích trà muối, còn ngài thì ngày nào cũng tự pha cho mình chén trà muối, nên càng uống mới càng khát, càng có thì lại càng mong cầu có được nhiều hơn. Chẳng phải như vậy sao?”.
Kết
Cuộc đời về cơ bản là như vậy, ai ai cũng có, cũng ham muốn, cũng truy cầu. Nhưng nếu biết cách tiết chế thì cũng giống như uống một chén trà không muối, vị thanh nhạt nhưng tao nhã, nhuận mát tâm can, nuôi dưỡng sinh mệnh. Còn truy cầu, mong ngóng quá độ thì như chén trà mặn, vị đậm đà nhưng càng uống càng khát, mà càng khát lại càng phải uống nhiều hơn, dù có uống cạn cả một đại dương thì cũng không thể giải hết cơn khát trong lòng.
Tương tự như môi trường công sở, chẳng có nơi nào không có những tồn tại mà người ngoài cuộc không biết. Chúng ta chỉ nhìn vào những hào nhoáng được tô vẽ để khao khát chứ chẳng hề biết được nội tình bên trong rắc rối đến nhường nào. Để rồi từ đó, bản thân chúng ta mang ra so sánh, cân đo, đong đếm với những gì mình có mà so sánh và khát khao. Tuy nhiên, chúng ta đâu hay rằng, nơi mình đang làm việc cũng gần như toàn vẹn, đủ đầy.
Đối với người trẻ, việc cần làm đó chính là tập trung vào công việc của bản thân. Mong muốn chinh phục những đỉnh cao mới và hướng đến sự hoàn thiện là điều quá đỗi tốt đẹp. Tuy nhiên, đừng để những ước huyền ảo về mặt con số và những giá trị vật chất dẫn dắt tôn chỉ và mục đích chúng ta làm việc.