Là dân công sở, dường như chúng ta có rất nhiều vấn đề và lý do thúc đẩy bản thân tìm kiếm công việc mới. Ấy thế, bên cạnh những lý do khá “sớm nắng chiều mưa” như “chán thì nghỉ”, “thích thì nhảy”, “môi trường làm việc không vui”,... dân công sở cần xét đến các yếu tố quan trọng hơn bởi chúng có thể ảnh hưởng đến cả sự nghiệp sau này.
Đơn cử như mới đây, trên trang fanpage có hơn 1 triệu lượt theo dõi của mình, Shark Linh đã thẳng thắn vạch ra 3 câu hỏi với đại ý nhắn nhủ: Chỉ cần trả lời “có” cho bất kỳ câu nào, dân công sở nên mau chóng nhảy việc.
Tất nhiên, cũng như bao lần san sẻ bí kíp công sở khác, 3 câu hỏi của Shark Linh đủ sâu sắc để dân công sở phải soi xét và nhìn nhận lại tình cảnh công việc hiện tại của mình.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, nhảy việc là một quyết định khá khó khăn đối với nhiều người, nhất là trong tình hình khủng hoảng kinh tế hậu Covid-19 và việc đánh giá rõ nét bản thân để đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho 3 câu hỏi của Shark Linh thậm chí còn khó khăn hơn. Đánh giá người khác thì dễ nhưng nhìn nhận rõ chính mình, mấy ai làm được?
Cho nên, nếu không may phải đưa ra đáp án “có” cho 1 trong 3 câu hỏi, Shark Linh khuyên dân công sở phải làm thêm một bước quan trọng khác nữa để hỗ trợ tâm lý trong việc lựa chọn “đi” hay “ở”. Vậy đó là 3 câu hỏi gì và bước quan trọng kia ra sao, xin mời tất cả cùng đọc trọn vẹn bài viết của sau đây của Shark Linh:
- Bạn có khi nào cảm thấy những kỹ năng của mình đã phát triển hơn so với những yêu cầu của công ty?
- Bạn có cảm thấy nhàm chán trong công việc?
-Bạn có cảm thấy như bạn đã sẵn sàng được lên chức nhưng không ai nhìn thấy khả năng của bạn?
Nếu câu trả lời của bạn là CÓ ở bất kỳ câu hỏi nào phía trên, thì có lẽ bạn cần tìm một công việc mới. NHƯNG KHOAN. Trước khi bạn quyết định ra đi, hãy nhìn lại để đảm bảo rằng bạn đã thực sự xứng đáng hơn vị trí công việc hiện tại.
Trước tiên, hãy bắt đầu với định nghĩa của từ “học hiểu”. Khi nói đến việc học hiểu tại nơi làm việc, bạn cần học và sau đó dành thời gian để trở nên chuyên nghiệp trước khi có thể nói rằng bạn đã “học” được rồi. Sự thật là hầu hết chúng ta đều đánh giá quá cao về trình độ và giá trị của bản thân khi tự đánh giá các kỹ năng của mình.
Đây là vài cách bạn nên làm trước khi quyết định ra đi. Các cách này sẽ giúp bạn phân tích các kỹ năng của mình để xác định xem mình có thực sự đã “học” được mọi thứ cho vị trí của mình chưa. Một món khác cũng rất quan trọng mà bạn nên biết là những yêu cầu của thị trường bạn đã đáp ứng được chưa, nhờ đó bạn sẽ dễ thành công hơn trong việc tìm công việc mới.
1. Nghiên cứu
Tìm kiếm trên bất kỳ trang web tìm việc nào cho vị trí công việc hiện tại của bạn. Xem qua một số danh sách và tự tạo một danh sách trách nhiệm và kỹ năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
2. Danh sách
Đi qua từng mô tả công việc và viết ra tất cả những kinh nghiệm bạn có trong mỗi mục. Và nhớ là càng chi tiết càng tốt.
3. Đánh giá
Bước này là để xác định trình độ của bạn đã “học” được tới đâu. Hãy tự hỏi: trong danh sách công việc đó, bạn đã làm được bao nhiêu món? Bạn đã làm bao nhiêu lần? Bạn có thể làm những công việc đó mà không cần sự giúp đỡ không? Có bao nhiêu mục mà bạn tin chắc rằng mình là chuyên gia về nó?
4. Nhận thức về bản thân
Trong bước này, bạn đang tìm kiếm bằng chứng cho thấy nhận thức về kỹ năng của bạn là chính xác. Hỏi đồng nghiệp và bạn bè có cùng vị trí công việc - cố gắng tìm khoảng 10 người để khảo sát. Hỏi thử xem họ đã mất bao lâu để hoàn thành mỗi nhiệm vụ này? Khi họ đang làm việc cho các dự án, họ đã lãnh đạo hay hỗ trợ dự án? Và sau đó là thử so sánh với bản thân.
Sau khi so sánh khảo sát, các câu trả lời của bạn nên tốt hơn họ ít nhất 90% về năng suất, kỹ năng và hiệu quả. Nếu bạn chưa đạt được, thì bạn chưa thực sự “học” được những kỹ năng này và cần phải cải thiện nhiều hơn. Hãy tiếp tục thực hành và tìm cách để làm mọi thứ nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính xác hơn!