'Chuyến bay có lãnh đạo không delay, người dân bị delay nhiều lắm'

Thu Hằng |

'Chúng ta delay vài tiếng là chuyện bình thường. Chuyến bay có lãnh đạo đi không delay đâu, nhưng người dân thì delay nhiều lắm', Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói.

Kết luận buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng với 3 tổng công ty ngành hàng không ((Hàng không Việt Nam - VNA, Quản lý bay Việt Nam - VATM và Cảng hàng không Việt Nam - ACV) sáng nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý ngành phải tính toán để nâng tầng suất bay cao hơn nữa.

Ông yêu cầu các công ty hàng không phải có sự bảo đảm máy bay dự phòng, nếu không bảo đảm thì cắt giảm giờ vàng.

"Chúng ta delay vài tiếng là chuyện bình thường. Chuyến bay có lãnh đạo đi không delay đâu, nhưng người dân thì delay nhiều lắm. Ngành hàng không phải nghiêm khắc với vấn đề liên quan đến chậm, hủy chuyến và xem đó là kỷ luật số 1", Bộ trưởng lưu ý.

Chậm chuyến do hàng không giá rẻ dây chuyền

Giải trình với tổ công tác về tình trạng hoãn, hủy chuyến bay, Tổng giám đốc VNA Dương Trí Thành cho cho biết theo bộ chỉ số phân loại 10 loại nguyên nhân của quốc tế, phần lớn là nguyên nhân chủ quan.

"Hãng hàng không giỏi nhất trên thế giới cũng chỉ đạt tỷ lệ đúng giờ 95%. Đối tác chiến lược của VNA là ANA đạt 93%. VNA đã đạt được 92-93% là một nỗ lực rất lớn, nếu xếp hạng của hàng không thì đạt 4 sao", ông Thành nói.

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho hay, từ 2012 đến 2015, tổng sản lượng hành khách đã tăng gấp đôi. Năm 2017 dự báo có 95 triệu hành khách, vừa là sự phát triển nhưng cũng đặt gánh nặng lên kết cấu hạ tầng, vì tổng công suất thiết kế của 21 cảng hàng không chỉ đáp ứng khoảng 81 triệu khách.

Ông nhận định việc chậm, hủy chuyến chủ yếu do các hãng hàng không. Điều hành bay chung, kết cấu hạ tầng chung, phục vụ mặt đất là chung... nhưng tỷ lệ chậm, hủy chuyến lại chênh lệch rất lớn.

Ông dẫn lại số liệu từ Cục Hàng không cho thấy có thời điểm, VNA có hơn 10% chuyến bay bị chậm, hủy nhưng Vietjet hay Jestar lên đến 30-40%.

"Đó là do sự điều hành, vận hành bay (của từng hãng). Đã chậm chuyến thì sẽ chậm dây chuyền", ông Thanh giải thích.

Chuyến bay có lãnh đạo không delay, người dân bị delay nhiều lắm - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh

Tiến tới 1 phút/chuyến

Đề cập đến sân bay Tân Sơn Nhất, ông Thanh cảnh báo: "Nếu không đặt vấn đề mở rộng Nội Bài ngay bây giờ, đến sau 2020 mà không có kế hoạch thì sẽ giống Tân Sơn Nhất vừa qua".

Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng cho biết hướng dự kiến phấn đấu năm 2021 đạt 140 triệu lượt hành khách, 2025 đạt 200 triệu.

Ngành đang tiếp tục đầu tư mở rộng cảng hàng không, hầu hết vừa rồi đều được đầu tư mở rộng, nâng cấp từ phục vụ 40 triệu hành khách lên 90 triệu. Trước mắt xử lý những điểm nóng như Long Thành, Tân Sơn Nhất mở rộng, Chu Lai, Cát Bi, Phú Bài…

Nói về giảm tỉ lệ hoãn, hủy các chuyến bay, ông Hùng cho rằng có rất nhiều nguyên nhân và phía tổng đài thường xuyên phối hợp với quản lý bay, VNA, các hãng làm sao thông thoáng, phía mặt đắt luôn luôn sắp xếp sân đỗ đảm bảo đường lăn di chuyển, vận hành tối ưu nhất…

Tổng giám đốc VATM Phạm Việt Dũng cho rằng thông tin nói rằng tần suất bay 5-7 phút/chuyến là không chính xác. Ông dẫn chứng sân bay Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam đang điều tiết với tần suất 42 chuyến/giờ (trung bình 1,5 phút/chuyến). Còn Nội Bài là 35 chuyến/giờ.

"Mục tiêu là sẽ giảm dần, tiến đến còn 1 phút/chuyến. Trên thực tế, vào những giờ cao điểm, có lúc kiểm soát viên không lưu ở Tân Sơn Nhất đã điều hành lên đến 48 chuyến/giờ", ông Dũng cho hay.

Tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên đề xuất: "Di chuyển hàng không giá rẻ đi nơi khác có được không? Chuyển sân bay Biên Hòa cho Vietjet được không? Sắp tới có đường cao tốc rồi. Nếu thế thì sẽ giải quyết được ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chứ đợi sân bay Long Thành thì còn lâu lắm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại