Vị Công Tôn Nữ cuối cùng
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, người từng may gối cho Hoàng Thái hậu Từ Cung (vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại) hiện sống cùng gia đình con trai ở từ đường của cụ thân sinh Hường Dẫn tại thôn Giáp Đông, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cụ Hường Dẫn là con trai của Hoài Đức Quận Vương Miên Lâm – Phụ chánh thân thần các đời vua Hàm Nghi, Thành Thái. Cụ giữ vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916.
Đến nay, ở Huế vẫn lưu truyền câu: “Thứ nhất Phan Thành Tài, thứ hai Hường Dẫn”. Khi cuộc khởi nghĩa không thành, cụ bị bắt giam tại Mang Cá cùng với Duy Tân, bị khép vào tội chết nhưng sau được tân vương Khải Định tha tội.
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ lúc còn nhỏ ở nhà phụ làm thuốc Bắc với cha. Vì là con cháu của hoàng tộc nên khi lớn lên, bà được vào cung học may vá, thêu thùa như các Công Tôn Nữ khác.
Nối tiếp truyền thống chống Pháp của cha ông, bà Trí Huệ tham gia giúp đỡ cách mạng. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, bà kết duyên với ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ hiệu thuốc Tây Trung Việt (một cơ sở cách mạng tại Huế).
Hai ông bà vừa kinh doanh, vừa bí mật cung cấp thuốc men cho kháng chiến.
Năm 1954 bà Trí Huệ về phục vụ ở phủ Kiên Thái Vương giúp đỡ Hoàng Thái hậu Từ Cung việc ăn uống, may vá và được tiếp cận bí quyết may ra những chiếc gối trái dựa (loại gối có nhiều nếp có thể mở ra gấp vào tùy ý thường được vua quan ngày xưa hay sử dụng).
Thời gian này, dựa vào uy thế của Hoàng Thái hậu Từ Cung, bà Trí Huệ che giấu nhiều cán bộ cách mạng nằm vùng.
Trọn đời giữ bí quyết làm gối cung đình triều Nguyễn
Chia sẻ với PV, Công Tôn Nữ Trí Huệ cho biết được học may vá trong hoàng cung từ nhỏ nhưng thời gian hiểu rõ bí quyết làm gối trái dựa hoàng cung là lúc bà hầu hạ Hoàng Thái hậu Từ Cung ở phủ Kiên Thái Vương.
Những chiếc gối do chính tay bà Trí Huệ làm ra rất được lòng Đức Từ Cung và cả vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại đã không ít lần đặt bà may loại gối này để làm quà cho những người bạn Pháp của mình.
Theo bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, ngày xưa, gối trái dựa thường được vua, quan sử dụng để gối đầu, tựa lưng hay tì tay lúc ngồi nghỉ ngơi, đọc sách.
Vì được sử dụng nhiều ở chốn hoàng cung, vương giả mà mọi người mới quen gọi với cái tên là gối cung đình. Việc may gối trái dựa ở chốn cung đình cũng phải tuân thủ những nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt.
Thông thường, gối được may theo mẫu sẵn có và phải theo nguyên tắc gối của vua: đủ 5 lá, có màu vàng, trên gối có thêu hình rồng tượng trưng cho uy quyền; gối của Hoàng Thái hậu và các quan phải đủ 4 lá, tùy theo màu ghế mà có thể chọn những màu sắc và hoa văn khác nhau cho phù hợp nhưng tuyệt đối không được trùng với nhà vua.
Ở trong cung khi xưa, công việc may gối được giao cho Bộ Công đảm nhiệm. Để bảo đảm tính thẩm mỹ, phần may và thêu đều được phân công rõ ràng cho những người thợ chuyên nghiệp.
Các công đoạn từ may vỏ, may ruột, nhồi bông, ráp gối, thêu.. đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo, cẩn thận.
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ chia sẻ bí quyết làm gối cung đình: “Để gối được thẳng mép, không bị lỗi chỉ hay bông nhồi luôn giữ được độ êm, căng phồng sau nhiều lần giặt thì mỗi người thợ may luôn có mẹo riêng của mình.
Muốn làm ra được một chiếc gối trái dựa hoàn chỉnh cũng phải mất khá nhiều thời gian. Người thợ giỏi đôi khi phải làm từ một đến vài tuần”.
Theo bà Huệ, nhờ công dụng và sự bắt mắt của những hoa văn, gối trái dựa có thời gian là sản phẩm rất nổi tiếng ở Huế. Nhiều người nước ngoài khi đến Huế đều không quên mua một chiếc gối trái dựa cung đình về làm kỷ niệm.
Tuy nhiên, theo thời gian, gối trái dựa giờ đây không còn được sử dụng nhiều và những sản phẩm làm ra thường chỉ để phục vụ tại các khu trưng bày.
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ cho hay, lâu nay cũng có một vài người biết và tìm đến đặt may gối để trưng bày nên bà cùng con dâu và một người cháu vẫn còn làm.
Vì đầu ra không có, công việc không đều nên lớp trẻ ít quan tâm bởi có quan tâm cũng khó có thể bám được với nghề.
"Mong muốn lớn nhất của tôi là làm thế nào đó có thể truyền dạy, bảo tồn được nghề làm gối trái dựa của cha ông. Hay chí ít làm sao giới thiệu sản phẩm gối trái dựa cho nhiều người biết đến hơn nữa.
Thế nhưng, để làm được việc này là rất khó, bởi nếu chỉ dựa vào sức của mình tôi thôi thì chưa đủ. Để lâu nữa, bí quyết làm gối trái dựa bị thất truyền, đó quả là một mất mát lớn", bà Công Tôn Nữ Trí Huệ trầm tư.