Chuỗi cung ứng toàn cầu tắc nghẽn, có nên từ bỏ toàn cầu hóa, chuyển về tự cung tự cấp?

Mỹ Linh |

Khả năng phục hồi không phải đến từ tự cung tự cấp mà từ các nguồn cung ứng đa dạng và sự thích ứng liên tục của khu vực tư nhân với các cú sốc.

Vài tuần trước, kênh đào Suez đã bị tắc nghẽn bởi một tàu chở hàng siêu trọng nặng tới 200.000 tấn. Ever Given không chỉ là một trong những con tàu container lớn nhất thế giới, nó còn là biểu tượng về một phản ứng dữ dội nhằm cáo buộc toàn cầu hóa đã đi quá xa mức cần thiết.

Kể từ đầu những năm 1990, các chuỗi cung ứng đã được vận hành nhằm tối đa hóa hiệu quả. Các công ty đã tìm cách chuyên môn hóa và tập trung các nhiệm vụ cụ thể ở những nơi mang lại hiệu quả kinh tế theo quy mô lớn nhất. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có nhiều lo lắng rằng, giống như một con tàu quá lớn để chèo lái, chuỗi cung ứng đã trở thành một thứ gì đó rất dễ bị tổn thương.

Tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn đang buộc các hãng xe hơi phải đóng cửa nhiều nhà máy trên toàn thế giới. Trung Quốc đã áp đặt một cuộc tẩy chay trên các nền tảng mua sắm trực tuyến đối với H&M sau khi hãng thời trang phương Tây này tuyên bố tẩy chay bông Tân Cương. Liên minh châu Âu và Ấn Độ đã kìm hãm việc xuất khẩu vắc xin, làm gián đoạn nỗ lực của thế giới trong kế hoạch phân phát vắc-xin tới mọi ngóc ngách. Khi họ chiến đấu với đại dịch và đối mặt với căng thẳng địa chính trị gia tăng, các chính phủ ở khắp mọi nơi đang chuyển từ theo đuổi hiệu quả sang một câu thần chú mới về khả năng phục hồi và tự lực cánh sinh.

Không quá ngạc nhiên khi các chuỗi cung ứng buộc phải trở nên mạnh mẽ hơn. Khi an ninh quốc gia bị đe dọa, các chính phủ có vai trò đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, thế giới phải tránh sự hoảng loạn và bài trừ toàn cầu hoá - điều không chỉ gây ra tác hại lớn mà còn tạo ra những lỗ hổng mới không lường trước được.

Một mặt tối của toàn cầu hoá là đã tập trung sản xuất nhưng loại bỏ các kho dự trữ đệm. Chuỗi cung ứng thể hiện một số hình thức nỗ lực tinh vi nhất của con người. iPhone dựa vào mạng lưới sản xuất của Apple trải dài trên 49 quốc gia; Pfizer, "nhà vô địch vắc-xin", có đến hơn 5.000 nhà cung cấp. Nhưng việc không ngừng theo đuổi hiệu quả đã dẫn đến lượng hàng tồn kho thấp và nhiều điểm trọng yếu mà sẽ gây náo loạn hệ thống nếu như chúng gặp trục trặc.

Vào thời điểm bắt đầu đại dịch, các cử tri và chính trị gia đã bàng hoàng trước cuộc tranh giành khẩu trang và bộ dụng cụ xét nghiệm do nước ngoài sản xuất. Hơn một nửa lượng chip của thế giới được sản xuất tại một số nhà máy ở Đài Loan và Hàn Quốc. Trung Quốc chế biến 72% coban của thế giới, nguyên liệu được sử dụng trong pin ô tô điện. Công ty tư vấn McKinsey tính toán rằng một quốc gia đã độc quyền xuất khẩu khoảng 180 sản phẩm.

Sự phụ thuộc như vậy ngày càng trở nên nguy hiểm khi vấn đề địa chính trị ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Sự suy thoái của các quy tắc thương mại quốc tế khiến các quốc gia cảnh giác hơn khi dựa dẫm vào nhau. Trong thời kỳ đại dịch, các quốc gia đã thông qua 140 hạn chế thương mại đặc biệt và nhiều quốc gia đã âm thầm thắt chặt việc sàng lọc đầu tư nước ngoài. Sau khi bỏ qua các vấn đề như cách đánh thuế các công ty công nghệ khổng lồ ở nước ngoài và liệu có đánh thuế đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều carbon hay không, các quốc gia có xu hướng tự giải quyết vấn đề của mình. Khi cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng, nguy cơ bị cấm vận hoặc thậm chí xung đột quân sự sẽ xảy ra ngày càng tăng. Dưới thời Donald Trump, Mỹ đã phá bỏ chế độ thương mại toàn cầu và Tổng thống Joe Biden có vẻ sẽ không bỏ ra nhiều vốn chính trị để xây dựng lại nó.

Trong bối cảnh như vậy, các chính phủ có vai trò đảm bảo nguồn cung cấp - nhưng đó là một vai trò mang tính hạn chế. Họ có thể hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả các nguồn năng lượng mới. Ngoài ra, tầm quan trọng của trợ cấp và ưu đãi trong nước chỉ được thể hiện rõ khi đầu vào quan trọng bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp độc quyền mà có khả năng bị can thiệp bởi chính phủ thù địch. Một số khoáng chất quý hiếm thuộc loại này, còn nước rửa tay khô thì không.

Rủi ro là các quốc gia vượt ra ngoài sự can thiệp tối thiểu. Vào ngày 24 tháng 2, ông Biden đã ra lệnh đánh giá an ninh 100 ngày đối với chuỗi cung ứng của Mỹ. Vào ngày 9 tháng 3, EU cho biết họ sẽ tăng gấp đôi thị phần sản xuất chip vào năm 2030, lên 20%, theo sau cam kết tự cung cấp pin vào năm 2025. Năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã phát động chiến lược "tuần hoàn kép" nhằm mục đích "cách ly" nền kinh tế Trung Quốc khỏi các biến động bên ngoài. Những cam kết xung quanh chiến dịch này rất mơ hồ, nhưng sự ưu ái đối với việc làm và sản xuất trong nước hứa hẹn đánh dấu một thời điểm mà thế giới chuyển hướng khỏi thương mại tự do và thị trường mở.

Nhưng tự cung tự cấp có nhiều mặt hạn chế hơn mọi người nghĩ. Một lý do đó là các chuỗi cung ứng nội địa do chính phủ quản lý thậm chí còn kém linh hoạt hơn các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tất cả các vấn đề xung quanh nó, câu chuyện của Ever Given sẽ chỉ là một điểm bất thường hiếm hoi trong số liệu thống kê thương mại.

Sau cơn sốt mua đậu và mì ống, chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu trị giá 8 triệu USD đã nhanh chóng đáp ứng đủ, khiến hầu hết các siêu thị luôn có hàng. Trong khi các nước tranh luận gay gắt về cách phân bổ liều lượng vắc-xin, các mạng lưới toàn cầu có thể cung cấp 10 tỷ mũi vắc xin hoàn toàn mới trong năm nay. Tự cung tự cấp nghe có vẻ an toàn, nhưng các chính trị gia và cử tri phải nhớ rằng bữa ăn, điện thoại, quần áo hay từng ống vắc-xin họ dùng đều là sản phẩm của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lời kêu gọi tự cung tự cấp làm sai lệch tính cân bằng giữa cái giá phải trả khi phụ thuộc lẫn nhau (vốn ngắn gọn và có thể nhìn thấy được) và lợi ích của việc phụ thuộc lẫn nhau (vốn nhỏ giọt từ tháng này qua tháng khác và không được báo trước). Hiệu quả bị mất và chi phí của việc nhân bản các chuỗi sản xuất sẽ rất thảm hại. Việc tăng chi phí, do các doanh nghiệp trong nước được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh bằng trợ cấp hoặc thuế quan, sẽ là một khoản thuế ẩn đối với người tiêu dùng.

Và sau tất cả những điều đó, một chính sách tự lực cuối cùng sẽ kết thúc bằng việc trừng phạt các quốc gia quá nhỏ hoặc kém để làm chủ các ngành công nghiệp tiên tiến. Nếu sản xuất tập trung ở trong nước, ngay cả các nền kinh tế lớn cũng sẽ phải hứng chịu những cú sốc địa phương, vận động hành lang và những thiếu sót của chính các nhà sản xuất của họ, như Mỹ đã từng đối mặt với Intel.

Sức mạnh nằm ở số lượng

Khả năng phục hồi không phải đến từ sự cung tự cấp mà từ các nguồn cung ứng đa dạng và sự thích ứng liên tục của khu vực tư nhân với các cú sốc. Theo thời gian, các công ty toàn cầu sẽ điều chỉnh để đối phó với các mối đe dọa thậm chí mang tính dài hạn, bao gồm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bằng cách dần dần thay đổi điểm đến đầu tư mới. Đây là một thời điểm nguy hiểm cho thương mại. Cũng giống như toàn cầu hóa mang lại sự cởi mở, bảo hộ và trợ cấp ở một quốc gia sẽ lan sang quốc gia tiếp theo. Toàn cầu hóa sẽ là công việc của nhiều thập kỷ. Đừng để nó "mắc cạn" ngay từ bây giờ.

Theo The Economist

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại