Chúng ta sắp phải mua vé bay nội địa giá cao để hỗ trợ DN đã lãi cả nghìn tỉ này “cải thiện” kinh doanh?

Năm 2015, dù gặp khó khăn về tỷ giá nhưng ACV vẫn đạt lợi nhuận gần 2.300 tỷ đồng. Các năm trước, ACV lãi hơn 3.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận ngang ngửa với các tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Masan, Hoà Phát, Sabeco...

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề xuất tăng phí phục vụ hành khách (phí sân bay) tại 7 sân bay: Nội Bài, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc đối với các chuyến bay nội địa.

Đề xuất này của ACV là nhằm giảm chênh lệch giữa phí nội địa - quốc tế, từ 2,5-8 lần xuống còn 2-4 lần để đảm bảo hiệu quả đầu tư, do chi phí đầu tư sân bay quốc tế và sân bay nội địa chỉ chênh lệch nhau 20-30%.

Qua đó tăng thu, tăng tích luỹ, thúc đẩy quá trình tái đầu tư, cải thiện kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, việc ACV nói "cải thiện kết quả kinh doanh" có thể khiến nhiều doanh nghiệp khác cảm thấy chạnh lòng.

Chẳng hạn nhìn sang Vietnam Airlines (VNA), một Tổng công ty cùng ngành hàng không nhưng kinh doanh mảng vận tải, doanh thu năm 2015 của ACV đạt 13.267 tỷ đồng chỉ bằng 1/3 doanh thu của VNA, nhưng lợi nhuận trước thuế của ACV đạt 2.277 tỷ đồng, cao hơn VNA gấp... 45 lần.

Thực tế thì con số lợi nhuận năm 2015 chưa phải là kết quả tốt nhất của ACV.

Kết quả năm 2015 đã bị giảm mạnh so với 2 năm trước do ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá. Trước đó, lợi nhuận 2013 và 2014 của ACV đều trên 3.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận ngang ngửa các tập đoàn hàng đầu như Masan, Hoà Phát, Sabeco...

Lợi nhuận cao, việc ACV vẫn muốn tăng phí được cho là để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư mới tại một số sân bay.

Tuy nhiên, cũng có câu hỏi đặt ra rằng, liệu khi đã thu hồi đủ vốn, các loại phí này có giảm hay không, bởi phí sân bay đã liên tục tăng trong 5 năm qua.

Tại các sân bay nhóm A, phí sân bay đối với tuyến nội địa giai đoạn 2010-2014 tăng từ 40.000 đồng lên 70.000 đồng (tăng 75%).

Đối với tuyến quốc tế, phí tại sân bay Nội Bài tăng gần 80% (14$ lên 25$); sân bay Đà Nẵng tăng gấp đôi (8$ lên 16$) và sân bay Tân Sơn Nhất tăng từ 18$ lên 20$. Phí sân bay tăng lên cũng đồng nghĩa với giá vé của hành khách tăng lên theo.

Trong cơ cấu doanh thu của ACV, doanh thu từ dịch vụ năm 2015 đã vượt 10.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu (78%) và cũng là mảng tăng trưởng tốt nhất (tăng gần 30% so với năm 2014).

Chúng ta sắp phải mua vé bay nội địa giá cao để hỗ trợ DN đã lãi cả nghìn tỉ này “cải thiện” kinh doanh? - Ảnh 1.

Doanh thu dịch vụ của ACV tăng 30% trong năm 2015, vượt 10.000 tỷ đồng

Đề xuất tăng phí lần này của ACV càng đáng chú ý khi đặt trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam đang tăng trưởng rất nóng, hiện đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015 và nằm trong top tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Nếu đề xuất tăng phí được thông qua, nhiều khả năng khách đi máy bay các tuyến nội địa sẽ chịu mức phí cao hơn, kéo theo giá vé sẽ tăng tại 7 sân bay chủ chốt mà ACV đề xuất.

Khi đó, doanh thu năm 2016 của ACV hứa hẹn có thể đạt mức kỷ lục trước tác động kép của việc tăng nóng từ thị trường hàng không và tăng phí phục vụ hành khách tại các sân bay lớn.

5 tháng đầu năm 2016, số lượt khách đi máy bay tăng vọt, đạt con số 17 triệu lượt, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2015, bằng tổng số lượt khách của cả năm 2013, theo số liệu từ Tổng cục thống kê.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại