"Chúng ta không cần thêm nhiều lập trình viên, chúng ta cần lập trình viên giỏi cơ"

Ngocmiz |

Một số người cho là ngành công nghiệp phần mềm đãi ngộ kém nên nhiều người không muốn theo đuổi nó. Thế nhưng một số khác lại lên tiếng khẳng định việc làm ngành này được trả lương tương đối cao. Vậy đâu mới là sự thật?

*Theo bài viết của Ben Leong, Tech In Asia

Gần đây tôi mới có một cuộc trò chuyện thú vị với một người bạn về thứ gọi là “smart nation” và những gì một quốc gia có thể làm để khuyến khích người dân theo đuổi lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật.

Liệu chúng ta có cần thêm lập trình viên không? Lý do đằng sau tình trạng thiếu nhân lực công nghệ hiện nay là gì?

Một số người cho là ngành công nghiệp phần mềm đãi ngộ kém nên nhiều người không muốn theo đuổi nó. Thế nhưng một số khác lại lên tiếng khẳng định việc làm ngành này được trả lương tương đối cao. Vậy đâu mới là sự thật?

Trong lúc cố giải thích cho người bạn không phải dân trong ngành, tôi chợt nhận ra một điều:

Như hầu hết mọi thứ khác trong cuộc sống, ngành công nghiệp phần mềm có thể đãi ngộ tốt với một số người nhưng cũng có thế không hề tốt với một số khác.

Tại sao vậy? Những gì xảy ra trong ngành này đang bị chia thành hai phân khúc. Ở phân khúc thấp là những “xưởng gia công” website giá rẻ trong khi phân khúc cao hơn lại toàn những công ty công nghệ cao với văn phòng làm việc tráng lệ và trả mức lương hậu hĩnh cho các kỹ sư của mình.

Tại sao những công ty này lại có thể chi trả nhiều như vậy? Đơn giản thôi, nếu nhìn vào doanh thu trên đầu người của các công ty công nghệ hàng đầu, bạn sẽ thấy tỷ lệ có thể lên đến hơn 1 triệu USD/người. Ngay cả khi những công ty này trả mỗi kỹ sư 250.000 USD/năm thì họ vẫn còn lời ra rất nhiều.

Thế nhưng các công ty đâu phải quỹ từ thiện, tại sao họ lại sẵn sàng trả lương cao như vậy? Lý do cũng nằm ở một trong hai điều này: đãi ngộ xứng đáng cho những người tạo ra giá trị giúp công ty giữ vững được vị thế và để giữ chân các kỹ sư giỏi khỏi bị đối thủ “cuỗm” mất.

Người bạn của tôi lại tiếp tục thắc mắc: Vậy sao người ta không đi học các ngành Khoa học máy tính rồi về làm cho Google đi? Tại sao có nhiều công ty công nghệ tốt như vậy mà lúc nào cũng thiếu kỹ sư?

Để giải thích, tôi lấy dẫn chứng từ bộ phim Star Wars. Những người khẳng định họ có khả năng code trên thực tế cũng như những đoàn quân stormtrooper hay những hiệp sỹ jedi. 

Giống như trong Star Wars, quân stormtrooper thì rất đông nhưng hiệp sỹ jedi thì rất ít. Một người không tự nhiên sinh ra đã là hiệp sỹ jedi mà cần phải trải qua nhiều năm khổ luyện mới có thể trở thành.

Vấn đề là ở chỗ chúng ta có rất nhiều lính stormtrooper nhưng lại chẳng bao giờ có đủ jedi. Các công ty công nghệ lớn không thể thuê đủ lượng jedi họ cần và sẵn sàng trả hàng trăm ngàn USD để săn về các chuyên gia như vậy. 

Các công ty này đương nhiên là không muốn thuê hàng binh đoàn stormtrooper, mặc dù đôi khi thiếu quá họ cũng có thể thuê, nhưng chắc chắn là không trả cao được như jedi.

Chúng ta không cần thêm nhiều lập trình viên, chúng ta cần lập trình viên giỏi cơ - Ảnh 1.

Tôi có thể tự hào khẳng định những lập trình viên, kỹ sư phần mềm tốt nhất tại Singapore hiện nay thực sự là các jedi. 

Với kỹ năng cao của mình, họ có thể đứng vững trước lực lượng lao động toàn cầu, thế nhưng vẫn một câu chuyện cũ là những người như vậy không nhiều chút nào.

Hiện nay, chúng ta không cần thêm nhiều kỹ sư mà chỉ cần thêm các kỹ sư giỏi mà thôi.

Bản thân tôi cho rằng Khoa học máy tính là một ngành thú vị, thế nhưng sự thật là lĩnh vực này thay đổi rất nhanh và bạn phải rất nỗ lực mới có thể liên tục bắt kịp. Tôi khá may mắn vì luôn ham thích học hỏi, thế nhưng không phải ai cũng có đam mê như vậy.

Tôi phải viết ra những điều này bởi lo ngại người Singapore cũng sẽ lại vội vã đi học lấy bằng cấp, chứng chỉ IT rồi coi đó như một tấm vé vào khu mỏ đào vàng. 

Tôi cũng lo ngại rằng nhiều chiến binh stormtrooper có thể sẽ không sống sót nổi trước làn sóng lao động nhập cư giá trẻ đang tràn vào hiện nay. 

Họ sẽ không thể theo kịp được làn sóng dữ dội này. Họ thậm chí sẽ không thể lái Uber kiếm sống trong vòng 20 năm tới khi mà xe tự lái bắt đầu lên ngôi.

Để kết lại, tôi muốn nêu ra 2 điểm:

Một là, các học sinh cũng như các bậc cha mẹ đang phân vân về việc có nên lựa chọn ngành Khoa học máy tính hay không thì tôi muốn nhấn mạnh là có một ngành khác xét về cơ bản cũng không khác Khoa học máy tính là mấy, đó là luật. 

Tôi luôn tự hỏi tại sao có hàng tá người theo học các trường luật nhưng cuối cùng lại chỉ có một nhóm nhỏ theo đuổi ngành này đến cùng? Mọi người có nhận ra điều này?

Đối với một số người, ngành IT có thể mang về quả ngọt rất lớn, nhưng với một số khác thì thực tế lại không như vậy. Chẳng gì có thể đảm bảo cho bạn một tương lai sáng ngời nếu bạn không cố gắng.

Thứ hai là, mặc dù tôi coi Khoa học máy tính là một thứ rất thú vị nhưng tôi cũng không khẳng định kỹ sư phần mềm là ngành tốt nhất để theo học. Sự thật chẳng có ngành nào là ngành tốt nhất cả.

Bác sỹ, y tá, giáo viên, nhà báo,… tất cả đều quan trọng và có vai trò riêng của mình. Những người trẻ tuổi cũng không nên quá theo số đông mà chọn một ngành có vẻ nhưng đang hái ra tiền mà hãy theo ngành gì có thể khiến họ hứng khởi mỗi sáng bước chân đến chỗ làm.

Vì vậy hãy dũng cảm với những lựa chọn của mình, IT cũng như các ngành khác, và bạn chỉ nên theo nếu thực sự có đam mê với nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại