Trái Đất mà chúng ta đang sinh sống luôn ẩn chứa những bí mật thú vị, chờ con người khai phá.
Amazon là một khu vực như thế!
Amazon là khu vực chứa rất nhiều bí ẩn thu hút các nhà khoa học. Ảnh: Telegraph.
Ở Amazon, khu vực rộng lớn chiếm đến 40% tổng diện tích lục địa Nam Mỹ, chứa rất nhiều bí ẩn mà đến nay con người chúng ta với những trang bị hiện đại vẫn chưa thể khám phá hết.
Không chỉ là những sinh vật có hình dáng kỳ lạ sở hữu những vũ khí chết người, không chỉ là những bộ lạc chưa từng tiếp xúc với người hiện đại sinh sống sâu trong rừng già, ở Amazon còn có những phát hiện địa lý gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học.
Hình ảnh sông Amazon nhìn từ trên cao.
Đối với nhà khoa học người Ấn Độ Valiya Mannathal Hamza, người có 40 năm nghiên cứu vùng Amazon cũng vậy.
Nếu như sông Amazon, một trong những con sông dài nhất và có lưu lượng dòng chảy lớn nhất thế giới, chiếm đến 20% tổng lượng nước đổ về các đại dương trên Trái Đất, đã gây cho chúng ta sự ngạc nhiên về độ lớn của nó thì phát hiện "vĩ đại" của nhóm các nhà khoa học Brazil về dòng "sông ngầm" bên dưới Amazon còn gây "sốc" hơn rất nhiều.
Năm 2011, trong khi khảo sát 241 giếng dầu của Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Petrobras (của Brazil) khoan thăm dò từ những năm 1970, nhóm các nhà khoa học thuộc Đài thiên văn Quốc gia Brazil đã phát hiện "sông ngầm" sâu 4.000 mét dưới lòng đất.
Họ đặt tên con "sông ngầm" này là Hamza, theo tên của trưởng nhóm nghiên cứu Valiya Mannathal Hamza.
Đồ họa "sông ngầm" Hamza cách sông Amazon phía trên 4.000 mét.
Con "sông ngầm" "chị em" với sông Amazon có những đặc điểm địa lý gây ngạc nhiên cho rất nhiều nhà khoa học hiện đại:
Đầu tiên, "sông ngầm" Hamza nằm gần như song song với sông Amazon ở phía trên.
Thứ hai, Hamza chảy cùng chiều với Amazon, tức là từ hướng Tây sang Đông.
Thứ ba, điểm khác biệt giữa Hamza và Amazon là: Tốc độ dòng chảy của Hamza chậm hơn rất nhiều so với Amazon (cụ thể là Hamza chỉ chảy khoảng 3.000 m³/giây, trong khi Amazon là 130.000 m³/giây).
Thứ tư, điểm khác biệt thứ 2 giữa hai con sông "chị em" này là, mặc dù có tốc độ chảy chậm hơn Amazon nhưng Hamza lại có lưu lượng lớn hơn rất nhiều lần Amazon. Ước tính, Hamza có lưu lượng gấp 40 lần sông Thames của Anh.
Việc phát hiện "sông ngầm" Hamza có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà khoa học. Tuy nhiên, theo đội nghiên cứu Đài thiên văn Quốc gia Brazil, các kết quả mới chỉ là sơ bộ.
Vì họ chưa dám khẳng định Hamza là một dòng sông thực thụ vì tốc độ dòng chảy chậm của "sông ngầm" khiến họ nghĩ đây chỉ là dòng chảy được tạo ra từ sự di chuyển của nước sau quá trình thăm dò giếng dầu của Petrobras.
Theo các nhà khoa học, nếu Hamza là con sông ngầm thực thụ thì với chiều dài 6.000 km, rộng 200 - 400km, Hamza sẽ là sông ngầm dài nhất trên thế giới.
Các nhà khoa học cho biết, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu "sông ngầm" này trong vài năm tới để đưa ra kết luận chính xác nhất về "thân phận" của nó.
Những luồng không khí mang hơi nước khổng lồ tạo nên những "sông bay" ở Amazon.
"Sông ngầm" Hamza chỉ là một trong rất nhiều phát hiện thú vị của các nhà khoa học tại khu vực Amazon.
Tại đây, họ còn phát hiện những "sông bay" phía trên Amazon. Chúng thực chất là những luồng không khí mang hơi nước khổng lồ (tạo nên phần lớn các trận mưa tại Brazil).
Luồng hơi nước này được di chuyển tử lưu vực Amazon đến khu vực phía nam và gây mưa lớn sau đó.
Còn rất nhiều phát hiện lý thú và bí ẩn tại vùng Amazon. Trong kỳ tới, độc giả sẽ được tìm hiểu những bí ẩn tại khu vực rộng lớn bậc nhất trên Trái Đất này.