LTS: Bộ phim Hope (Hi vọng) được sản xuất năm 2013 dựa trên câu chuyện có thật về vụ án ấu dâm gây chấn động Hàn Quốc năm 2008, đang tạo ra một cảm xúc mạnh trong cộng đồng mạng Việt Nam.
Một trong những điều nhiều ông bố, bà mẹ Việt đang quan tâm là: Cuộc sống của bé Na-young, nguyên mẫu của bộ phim, thực tế đã diễn ra thế nào sau đó? Và khi đi vào tìm hiểu thêm về câu chuyện này, cùng với lòng căm giận và sự phẫn nộ tột độ, người viết cũng vô cùng xúc động về sự hồi sinh kỳ diệu của chính Na-young, không chỉ ngoài hình hài mà còn cả trong tâm lý...
Một năm sau vụ ấu dâm chấn động Hàn Quốc, phóng viên báo Joongang Ilbo tìm gặp bé Na-young và đây là những gì chị kể lại:
"Tôi gặp cháu vào ngày 16, lúc đó cháu nấp sau một cái cột và lè lưỡi. Khi tôi tự giới thiệu về bản thân, cháu từ chối nói chuyện mà chỉ cầm bút vẽ.
Cháu liên tục vẽ những bức tranh khác nhau: chim mẹ mớm mồi cho chim con, một cô bé áo đỏ… Không muốn nói chuyện, cháu chỉ biểu đạt cảm xúc của mình qua tranh vẽ!"
Sau thảm kịch xảy đến với mình, bức tranh đầu tiên Na-young vẽ là hình ảnh một người đàn ông bị đánh và nhốt trong xà lim đầy gián và chuột. Có lẽ đó là nguyện vọng của em về việc trừng phạt Jo Doo Soon – gã đàn ông 57 tuổi đã làm hại em với lý do say rượu.
Bức tranh người đàn ông bị đánh và nhốt trong xà lim đầy gián và chuột của Na-young.
Na-young phải trải qua rất nhiều ca phẫu thuật đau đớn. Khắp người em đầy vết thương bầm dập; trực tràng, đại tràng, hậu môn bị hủy hoại và phải cắt bỏ.
"Con gái tôi không chỉ tổn thương cơ thể nghiêm trọng mà còn mất hẳn nhu cầu nói chuyện và tiếng cười!" – Mẹ của Na-young không cầm được nước mắt. "Cháu bị kích thích dù chỉ nghe những tiếng động nhỏ nhất. Thấy bất cứ ai đến gần, cháu đều sẽ lấy hai tay che kín mặt!"
Giáo sư Shin Ui-jin thuộc đại học Yonsei nói rằng quá trình điều trị tâm lý cho Na-young rất lâu dài, mà mục tiêu đầu tiên là thuyết phục em rằng đó không phải là lỗi của em, rằng "Cháu là một cô bé ngoan! Đó không phải là lỗi của cháu!".
Sau khi câu chuyện của Na-young gây chấn động lớn trong dư luận Hàn Quốc, nhiều tổ chức cá nhân đã tìm cách giúp đỡ em.
Một doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế nhận cung cấp túi hậu môn giả miễn phí cho em, còn giáo sư Han Seok-ju thuộc Bệnh viện Trẻ em Severance đề nghị sẽ trực tiếp phẫu thuật phục hồi hậu môn cho Na-young.
Nếu ca phẫu thuật tốt đẹp, Na-young có thể bỏ túi hậu môn giả mà em vẫn phải đeo bên người. Cha của Na-young đã rất cảm động cho biết chính sự quan tâm giúp đỡ và lòng tốt của mọi người đã cứu con gái ông.
Na-young phải đeo túi hậu môn giả.
Na-young dần dần có những chuyển biến tâm lý tích cực. Em bắt đầu nói cười nhiều hơn và đồng ý giao tiếp với mọi người. Cha mẹ muốn chuyển trường cho cô bé nhưng em nói không cần thiết.
Em thậm chí còn muốn học thêm ở một hagwon (trung tâm luyện thi môn toán dành cho học sinh Hàn Quốc). Hagwon này cách không xa hiện trường vụ án khiến cha mẹ Na-young lo lắng, nhưng chính em là người trấn an: "Con thích môn toán! Con sẽ làm được!"
Kết quả học của Na-young gần bằng thành tích trước đây, và bài thi toán mới nhất của em đạt 90 điểm. Na-young cũng bắt đầu mời bạn bè đến nhà và đồng ý nắm tay người khác.
Giáo sư Shin – bác sĩ trị liệu tâm lý cho em nói: "Trước đây Na-young thích làm đầu bếp nhưng bây giờ thì lại mơ ước làm bác sĩ với lý do "lúc cháu ốm, bác sĩ đã chữa bệnh cho cháu".
Na-young đã hồi phục khoảng 70% và điều lo lắng nhất sắp tới là giúp cháu vượt qua tuổi dậy thì.
Na-young đã gửi tranh và bưu thiếp cho giáo sư Shin cũng như luật sư Lee Myeong-suk – Giám đốc Nhân quyền của Hiệp hội Bar Hàn Quốc, trong đó em viết: "Thưa các thầy! Cảm ơn các thầy đã chăm sóc con chu đáo!"
Bên cạnh Na-young, cha em mỉm cười trong nước mắt: "Na-young sẽ viết thư cảm ơn đến tất cả những ai chăm sóc và giúp đỡ con bé trong thời gian qua. Sau tất cả, Na-young vẫn luôn yêu thương và biết ơn mọi người".