Một trong những loài vật biểu tượng của nước Úc - gấu Koala - đang rơi vào hoàn cảnh có phần hết sức bi đát, và có 2 lý do dẫn đến điều đó.
Đầu tiên, Koala cũng là một loài rất lười, chẳng kém con lười là bao. Chúng dành phần lớn thời gian sống trên các thân cây bạch đàn, ăn uống ngủ nghỉ luôn ở đó. Vấn đề là lá bạch đàn có độc, và cái giá phải trả cho cuộc sống như vậy là chúng phải ngủ rất nhiều, khoảng 18 - 22h mỗi ngày để tiêu hóa lượng độc tố đó.
Chúng lại là loài khá "khảnh ăn". Không phải lá bạch đàn nào cũng ăn, mà chỉ chọn một số loại cụ thể. Điều này lại dẫn đến vấn đề thứ 2, đó là khi môi trường sống của chúng dần thu hẹp, chúng vẫn chẳng buồn ăn các loại lá khác. Chúng sẽ chỉ ăn loại lá chúng thích, cho đến khi loại lá ấy cạn kiệt và kéo theo sự sụp đổ của cả một quần thể.
Cộng thêm một số bi kịch khác như bị chó hoang tấn công, nhiễm khuẩn chlamydia... số lượng gấu Koala đang ngày càng giảm sút. Điều này khiến giới khoa học phải lao tâm khổ tứ tìm cách giải quyết, trước khi chúng rơi vào cảnh tuyệt chủng.
Đáp án đã có rồi, nhưng hơi... ghê
Người đưa ra giải pháp là tiến sĩ Ben Moore từ ĐH Tây Sydney (Úc). Theo ông, cách tốt nhất ở đây là làm sao để gấu Koala ăn uống được tốt hơn, nhiều hơn và đa dạng hơn.
Moore cho biết, ông nhận thấy một số quần thể gấu Koala đã tự mình thích nghi được. Thông thường, Koala thích ăn lá cây bạch đàn manna gum - chứa nhiều protein và ít độc tố hơn. Nhưng khi nguồn cung manna gum cạn kiệt, chúng chuyển sang bạch đàn messmate.
Bạch đàn manna gum - loại cây ưa thích của Koala đang dần bị trụi sạch vì chúng ăn quá nhiều
Sự khác biệt là gì? Sau khi kiểm tra, ông cho rằng đó là các vi khuẩn đường ruột. Những con Koala ăn tạp kia may mắn có được bộ vi khuẩn dồi dào, cho phép xử lý một lượng lớn độc tố và ăn uống thoải mái hơn.
Vậy là ông nảy ra ý tưởng lấy một ít... phân của các cá thể Koala may mắn này để cấy vào ruột những con khác. Tất nhiên không phải cấy trực tiếp, mà là trộn với nước rồi cho vào máy ly tâm để lấy được lớp vi khuẩn, sau đó đóng thành thuốc viên cho chúng ăn 2 - 3 lần mỗi ngày.
Kết quả chưa được chính thức công bố, nhưng Moore tiết lộ rằng thí nghiệm đã thành công. Bộ vi khuẩn của nhiều con gấu bắt đầu thay đổi, và chúng ăn được nhiều loại lá hơn.
Tuy nhiên, hầu hết vẫn tỏ ra khá ngoan cố, không chịu ăn và uống thuốc. Theo Moore, gấu Koala đã quen ăn lá manna gum quá lâu rồi, nên việc thay đổi tập tính là không dễ. Dù vậy, chúng ta vẫn phải thử, nếu không muốn loài vật biểu tượng của Úc rơi vào cảnh chết đói.
Bên cạnh đó, Moore chia sẻ đây vẫn chỉ là những thử nghiệm đầu tiên, nhưng sẽ có các nghiên cứu hoàn chỉnh hơn. Nói cách khác, tương lai của loài gấu này đang phụ thuộc vào... phân của một số cá thể. Nghe cũng hơi lấn cấn một chút, nhỉ?